1 công ty gặp khó khi đầu tư dự án vào Phú Quốc

(PLO)- Dù lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư dự án tại TP Phú Quốc từ bốn năm trước nhưng đến nay một công ty vẫn đang gặp khó trong khi cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng.

Bà Giang Lệ Phương, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Xuân Phúc Phú Quốc (Công ty Xuân Phúc Phú Quốc), cho biết gần bốn năm qua có đủ hồ sơ, hàng chục lần liên hệ và làm việc với các cơ quan chức năng của TP Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang để xin chủ trương đầu tư dự án nhưng chưa có kết quả.

Công ty xin chủ trương đầu tư dự án viện điều dưỡng và trồng cây dược liệu quý hiếm, kết hợp du lịch sinh thái (dự án) tại khu vực bãi Khem, khu phố 6, phường An Thới, TP Phú Quốc.

Khu đất mà Công ty TNHH MTV Xuân Phúc Phú Quốc xin đầu tư dự án. Ảnh: ĐĂNG CƯỜNG

Dự án phù hợp với quy hoạch, pháp lý

Theo đó, tháng 10-2018, công ty đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Kiên Giang về việc đề nghị xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với quy mô 12,5 ha. Trong diện tích này có 3,87 ha đất rừng phòng hộ đang do Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc quản lý; 5,2 ha đất do UBND phường An Thới quản lý; khoảng 3,43 ha gồm bốn lô đất của bà Phương và ba người thân trong gia đình bà góp vào để đầu tư.

Về quy hoạch sử dụng đất, theo Tờ trình 564 ngày 10-12-2018 của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang thì khu đất mà Công ty Xuân Phúc Phú Quốc xin đầu tư dự án là phù hợp. Theo tờ trình, căn cứ Quyết định 868 ngày 17-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt điều chỉnh cục bộ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030) thì khu đất xin đầu tư dự án được quy hoạch là đất thương mại - du lịch (phục vụ du lịch).

Ngoài ra về căn cứ pháp lý lựa chọn chủ đầu tư dự án, theo Điều 29 Luật Đầu tư, một trong ba hình thức lựa chọn nhà đầu tư là chấp thuận chủ trương đầu tư khi họ có quyền sử dụng đất (QSDĐ) hợp pháp hoặc góp vốn bằng QSDĐ để thực hiện dự án. Phía bà Phương có một phần quỹ đất và đủ năng lực tài chính nên có thể thuê hai phần diện tích đất như hồ sơ đã thể hiện để làm dự án.

Tuy nhiên, theo bà Phương, trong suốt thời gian lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ năm 2018 cho đến nay, công ty đã gặp nhiều khó khăn gây cản trở.

Gần bốn năm vẫn chưa rõ ràng

Trước đây, UBND huyện Phú Quốc từng ra các quyết định hành chính thu hồi một phần đất của bà Phương và ba người thân trong gia đình bà để giao cho Công ty M làm dự án du lịch sinh thái. Nhận thấy việc thu hồi đất này là sai nên bà Phương cùng người nhà đã có đơn khiếu nại, tố cáo và đã khởi kiện bốn vụ án hành chính yêu cầu tòa hủy các quyết định này.

Đến tháng 6-2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định điều chỉnh giảm diện tích thuê đất của Công ty M. Đồng thời tháng 3-2022, TAND tỉnh Kiên Giang xử sơ thẩm đã tuyên hủy các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Phú Quốc, trả lại đất cho bà Phương và người thân. Đến nay đã có hai người được nhận bàn giao đất (cá nhân bà Phương đã được UBND TP Phú Quốc cấp giấy chứng nhận QSDĐ vào ngày 19-5 với diện tích hơn 8.200 m2), còn hai người khác chưa được nhận bàn giao đất.

Phía bà Phương đang tiếp tục đề nghị các cơ quan giao trả đất cho mình để thực hiện dự án. Ngày 27-4 vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh có công văn giao UBND TP Phú Quốc xem xét đề nghị này và giao Sở TN&MT xem xét điều chỉnh đưa diện tích đất của bà Phương và ba người thân ra khỏi dự án của Công ty M.

Đặc biệt, Công ty Xuân Phúc Phú Quốc đang gặp khó khi các cơ quan liên quan chưa có câu trả lời rõ ràng trong việc xem xét chủ trương đầu tư dự án. Bà Phương cho biết công ty đã nhiều lần gửi đơn đến UBND tỉnh, Sở TN&MT và các cơ quan liên quan đề nghị cắm mốc tọa độ, áp ranh vị trí để xác định khu đất bà xin làm dự án có nằm trong đất quốc phòng hay không nhưng đến nay chưa có phản hồi.

Thậm chí trong biên bản cuộc họp ngày 15-8-2019 giữa Sở TN&MT với các bên liên quan, bà Phương đại diện cho công ty còn yêu cầu đơn vị được giao quản lý đất quốc phòng đưa ra sơ đồ tọa độ vị trí để làm căn cứ áp ranh xác định. Sau đó ngày 17-10-2019, Văn phòng UBND tỉnh có Thông báo 659 về việc kết luận ý kiến của chủ tịch UBND tỉnh, giao Sở TN&MT kiểm tra, có văn bản trả lời về vị trí khu đất của công ty xin đầu tư nằm trong hay ngoài ranh đất quốc phòng.

Tiếp đó, ngày 13-5-2020, Văn phòng UBND tỉnh có Văn bản 2783 gửi Sở TN&MT đề nghị xem xét, kiểm tra vị trí khu đất 12,5 ha của Công ty Xuân Phúc Phú Quốc đang xin chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đến nay cơ quan này vẫn chưa có trả lời cụ thể, trong khi theo bà Phương thì thực tế đất quốc phòng nằm ở vị trí khác không liên quan đến khu đất 12,5 ha bà xin đầu tư.

“Chúng tôi là người đầu tư với mong muốn xây dựng vùng đất này, nên tôi cần câu trả lời rõ ràng của chính quyền các cấp, không nên kéo dài gây cản trở, làm khó doanh nghiệp như vậy” - bà Phương nói.

Trong suốt thời gian lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ năm 2018 cho đến nay, Công ty Xuân Phúc Phú Quốc gặp nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ.

Cơ quan chức năng lúng túng

Để tìm hiểu rõ các vấn đề mà Công ty Xuân Phúc Phú Quốc đang gặp phải, ngày 30 và 31-5, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ trực tiếp và gửi câu hỏi bằng văn bản đến các cơ quan: UBND phường An Thới, TP Phú Quốc; Vườn quốc gia Phú Quốc; Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc; Sở TN&MT và UBND tỉnh Kiên Giang.

Trong ngày 31-5, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc chỉ trao đổi ngắn gọn, hiện khu đất mà Công ty Xuân Phúc Phú Quốc xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chưa được UBND tỉnh giao cho cơ quan này quản lý nên chưa thể xem xét việc xin đầu tư.

Đến ngày 5-7, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản hồi đáp cho báo Pháp Luật TP.HCM. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành có ý kiến như sau: Giao Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, UBND TP Phú Quốc rà soát, có văn bản trả lời theo thẩm quyền.

Văn bản còn lưu ý Sở TN&MT, UBND TP Phú Quốc theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin để Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc tổng hợp chung, trả lời cho báo Pháp Luật TP.HCM.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh khi vụ việc có diễn biến mới.•

Có việc phá rừng, chiếm đất tại khu xin làm dự án

Bà Giang Lệ Phương cùng các hộ dân khu vực bãi Khem còn phản ánh gần đây tại khu đất công 5,2 ha do UBND phường An Thới quản lý và khu đất 3,87 ha đất rừng phòng hộ đang do Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý (nằm trong diện tích 12,5 ha bà Phương xin làm dự án) có tình trạng bị lấn chiếm. Theo phản ánh, nhiều người đã tự ý vào chặt phá rừng, đưa xe cuốc vào san đường bao chiếm đất công để khi Nhà nước thu hồi thì được nhận bồi thường. Bà Phương và các hộ dân đã làm đơn tố cáo việc này đến các cơ quan chức năng.

Về vấn đề này, ngày 5-7, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc Nguyễn Văn Tiệp đã có Công văn 347 hồi đáp cho báo Pháp Luật TP.HCM. Theo đó, cơ quan này đã phát hiện hai vụ vi phạm tại khu vực diện tích 3,8 ha và đều đã lập biên bản, đang tiếp tục xác minh để xử lý theo pháp luật.

Cụ thể, ngày 5-6, đội quản lý bảo vệ rừng thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc phối hợp với phường An Thới kiểm tra tại tiểu khu 81 rừng phòng hộ (núi Bãi Sao), phát hiện việc phát dọn dây leo, cây bụi với diện tích 6.174 m2 (là rừng phòng hộ, đang trồng cây tràm bông vàng cao 3-12 m). Tiếp đó, ngày 10-6, cũng tại khu vực này tổ kiểm tra liên ngành phát hiện hành vi tương tự tác động tới diện tích 6.464 m2 rừng phòng hộ.

Qua giám sát, không có đất quốc phòng

Vào thời điểm tháng 4-2022, khi tổ công tác thuộc đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong đó tôi trực tiếp tham gia đã đến Phú Quốc giám sát thì xác định phần đất mà bà Phương xin đầu tư dự án không có đất quốc phòng.

Theo Quyết định 767 ngày 23-6-2022 của Chính phủ (phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP Phú Quốc đến năm 2040) thì diện tích đất mà Công ty Xuân Phúc Phú Quốc xin đầu tư không thuộc quy hoạch đất quốc phòng. Ngoài ra, không hiểu sao phần đất phía bà Phương góp vào dự án đúng mục đích nhưng lại không được chấp thuận chủ trương đầu tư. Vì vậy, tôi đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phải xem xét đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và xử lý trách nhiệm các cơ quan làm khó, cản trở hay chậm trễ giải quyết quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.

Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

N.ĐỨC ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới