Chiều ngày 11-8, TAND TP.HCM đã tuyên án phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh Tùng (TP Thủ Đức, TP.HCM) và bị đơn là Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương (Công ty Paciffic Gas).
Theo HĐXX, Công ty Pacific Gas chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Tùng là trái quy định pháp luật nên doanh nghiệp này phải trả cho ông Tùng tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngoài ra, HĐXX còn đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Thanh Tùng, đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của Công ty Pacific Gas. Cụ thể, không chấp nhận yêu cầu buộc Công ty Pacific Gas nhận ông Tùng trở lại làm việc, do hợp đồng lao động đã hết hạn. Ông Tùng có trách nhiệm trả lại cho Công ty Pacific Gas khoản tiền thưởng cuối năm đã nhận 615 triệu đồng và tiền chênh lệch lương là hơn 1,3 tỷ đồng.
Theo nội dung vụ án, ngày 7-1-2020, ông Tùng ký HĐLĐ số 01 (HĐ01) với Công ty Pacific Gas. Theo hợp đồng, ông Tùng làm việc tại công ty với chức danh chuyên môn là tổng giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật của công ty. Thời hạn hợp đồng là ba năm, lương cơ bản là 300 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, đến ngày 23-2-2021, tại cuộc họp HĐQT, công ty đã thông qua nhiều nội dung trong đó có việc đồng ý bãi nhiệm ví trí tổng giám đốc của ông Tùng. Cùng ngày, công ty ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông Tùng. Lý do công ty đưa ra là hai bên thoả thuận chấm dứt HĐLĐ.
Về phía người lao động, ông Tùng cho rằng việc chấm dứt HĐLĐ đối với mình là trái luật nên yêu cầu tòa án buộc Công ty Pacific Gas phải bồi thường các khoản, tổng cộng hơn 5 tỉ đồng.
Còn phía người sử dụng lao động cho rằng do phát hiện ông Tùng trong quá trình điều hành đã làm thất thoát, thiệt hại cho công ty nên cho thôi việc và việc chấm dứt HĐLĐ là đúng luật vì hai bên đã thoả thuận.
Xử sơ thẩm vào tháng 1-2023, TAND TP Thủ Đức nhận định quyết định chấm dứt HĐLĐ của Công ty Pacific Gas là hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.
Bởi lẽ, thứ nhất, biên bản họp HĐQT không phải là văn bản thoả thuận chấm dứt HĐLĐ, văn bản này cũng không có nội dung thể hiện hai bên đồng ý chấm dứt HĐLĐ.
Thứ hai, HĐXX xác định việc ông Tùng bị bãi nhiệm chức danh tổng giám đốc không đồng nghĩa với việc đương nhiên chấm dứt HĐLĐ. Trong trường hợp này, Công ty Pacific Gas thực hiện bãi nhiệm chức danh tổng giám đốc mặc dù đã thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty nhưng lại chưa thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động khi chấm dứt HĐLĐ.
Cụ thể, việc chấm dứt HĐLĐ của Công ty Pacific Gas đã vi phạm khoản 3 Điều 34 (HĐLĐ chấm dứt khi hai bên có thoả thuận) và vi phạm khoản 2 Điều 36 (khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ có thời hạn 12-36 tháng phải báo trước cho người lao động 30 ngày) Bộ luật Lao động.
Từ những nhận định trên, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty Pacific Gas phải nhận ông Tùng trở lại làm việc.
Buộc Công ty Pacific Gas có trách nhiệm trả cho ông Tùng tổng số tiền 5,4 tỉ đồng gồm tiền lương trong những ngày không được làm việc, tiền bồi thường do chấm dứt HĐLĐ nhưng không báo trước…
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, cả hai bên đều kháng cáo.