Ngày 19-4, TAND huyện Tây Hòa (Phú Yên) tuyên án vụ kiện tranh chấp hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là 12 giáo viên và bị đơn là Phòng GD-ĐT huyện này.
Phiên tòa 12 giáo viên kiện Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa.
Hàng chục giáo viên bỗng dưng mất việc
Bản án dẫn lại nội dung vụ kiện cho hay từ năm 2011 đến 2016, Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa ký bốn hợp đồng lao động đối với 12 người để làm giáo viên giảng dạy các bậc tiểu học, THCS tại địa phương này. Trong dó, có một hợp đồng có thời hạn ba năm, còn lại là hợp đồng một năm.
Ngày 15-8-2017, Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động động đối với 12 giáo viên trên từ ngày 4-9-2017. Đây là 12 trong số 51 giáo viên bị Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa ra thông báo chấm dứt hợp đồng trong đợt này.
Trong đơn khởi kiện, các giáo viên yêu cầu tòa buộc trưởng Phòng GD-ĐT hủy thông báo chấm dứt hợp đồng, ký lại hợp đồng không xác định thời hạn, nhận 12 giáo viên trở lại giảng dạy. Các giáo viên còn yêu cầu Phòng GD-ĐT trả đầy đủ phụ cấp đứng lớp từ năm 2011 đến 2017, bồi thường tổn thất tinh thần mỗi giáo viên 5 tháng lương cơ bản, nâng bậc lương theo quy định pháp luật.
Riêng cô giáo Trần Thị Thu yêu cầu bồi thường 10 tháng lương cơ bản và 20 triệu đồng tiền điều trị tại BV Từ Dũ (TP.HCM) với lý do thai bị hư do quá bức xúc việc bị chấm dứt hợp đồng lao động sai luật.
Trong khi đó, bị đơn là trưởng Phòng GD-ĐT- bà Trương Thị Dân, cho rằng nguyên nhân phải chấm dứt hợp đồng lao động đối với với nhiều giáo viên là UBND tỉnh Phú Yên thu hồi 100 biên chế viên chức giáo dục của huyện Tây Hòa. Bà Dân còn cho rằng do số lượng học sinh giảm, giáo viên dư ở nhiều bộ môn, Phòng GD-ĐT không còn nhu cầu sử dụng hợp đồng lao động.
Trưởng phòng GD-ĐT còn cho biết đã đến từng nhà giáo viên vận động, thương lượng hỗ trợ 72 triệu đồng đối với mỗi giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động có bằng đại học, hơn 65 triệu đồng đối với giáo viên có bằng cao đẳng để các giáo viên này rút đơn khởi kiện. Tuy nhiên, hầu hết các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng đều không chấp nhận.
Bồi thường vì chấm dứt hợp đồng sai luật
Bản án sơ thẩm xác định hai trong bốn hợp đồng lao động mà Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa đã ký với 12 giáo viên là hợp đồng không xác định thời hạn. Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các giáo viên, Phòng GD-ĐT không xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định pháp luật.
Ngày 15-8-2017, Phòng GD-ĐT ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 4-9-2017 là vi phạm thời hạn báo trước theo quy định Bộ Luật Lao động. Do đó, tòa tuyên buộc Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa phải trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ khi chấm dứt hợp đồng sai luật đến thời điểm xét xử sơ thẩm là 20 tháng.
Các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động tại phiên tòa.
Ngoài ra, Phòng GD-ĐT còn phải trả hai tháng lương theo hợp đồng lao động, bồi thường khoản tiền tương ứng trong 25 ngày vi phạm thời hạn báo trước đối với 12 giáo viên. Theo đó, tám giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động có bằng đại học được bồi thường mỗi người tổng cộng 72,5 triệu đồng; bốn giáo viên có bằng cao đẳng được bồi thường mỗi người hơn 65 triệu đồng.
Đây cũng chính là mức bồi thường mà Phòng GD-ĐT đến từng nhà giáo viên thương lượng với các giáo viên để rút đơn khởi kiện và là mức đề nghị của đại diện VKSND huyện tại tòa.
Nhưng không nhận lại lao động
Trong khi xác định 12 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng sai luật nhưng tòa lại cho rằng không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu Phòng GD-ĐT ký lại hợp đồng không xác định thời hạn, nhận lại 12 giáo viên này vào giảng dạy.
Bản án sơ thẩm dẫn kết luận của Thanh tra Nhà nước cho rằng giáo viên tiểu học, THCS ở huyện Tây Hòa đang thừa nhiều, Phòng GD-ĐT không còn vị trí việc làm để tiếp tục hợp đồng lao động. Mặt khác, trong 12 người bị chấm dứt hợp đồng lao động trên, có năm trường hợp không đủ điều kiện dự thi viên chức giáo viên, sáu người đã rớt kỳ thi tuyển viên chức giáo viên năm 2015, một người có trình độ chuyên môn không phù hợp với vị trí việc làm.
Bản án sơ thẩm cũng bác yêu cầu đòi bồi thường tổn thất tinh thần của các giáo viên. Theo tòa, trước khi ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, Phòng GD-ĐT đã họp với các hiệu trưởng yêu cầu thông báo cho giáo viên, đồng thời đại diện phòng cũng gặp trực tiếp những người sẽ chấm dứt hợp đồng để tránh gây tổn thất.
Tòa cho rằng việc Phòng GD-ĐT đơn phương chấm dứt hợp đồng lao dộng đối với trường hợp cô Trần Thị Hiền đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng và cô Trần Thị Thu mang thai là do không còn nhu cầu vị trí việc làm chứ không phải do lao động nữ mang thai hoạc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tòa xác định việc này không vi phạm pháp luật.
Bản án cũng bác yêu cầu của cô Thu đòi bồi thường tổn thất tinh thần 10 tháng lương cơ bản và 20 triệu đồng tiền điều trị bệnh do sẩy thai khi bị chấm dứt hợp đồng. Tòa cho rằng cô này nhập viện điều trị để theo dõi thai ngoài tử cung là bệnh lý chứ không có cơ sở nói nguyên nhân từ việc bị cho nghỉ việc dẫn đến hư thai.
Sau khi tòa tuyên án, hầu hết các giáo viên đều cho biết sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm.