1 hộ dân nuôi hơn 80 con chó: Chưa khắc phục hậu quả

(PLO)- Chủ nuôi hơn 80 con chó chưa khắc phục tình trạng gây ô nhiễm và đang khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-3, Pháp Luật TP.HCM có đăng bài viết “Khốn khổ vì nhà hàng xóm nuôi hơn 80 con chó” phản ánh tình trạng một hộ tại địa chỉ 190 Hoàng Diệu, phường 9, quận 4, TP.HCM nuôi hơn 80 con chó trong suốt nhiều năm đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Trước đó, ngày 4-2, UBND quận 4 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà NTMT, ngụ tại 190 Hoàng Diệu, là chủ của 82 con chó, với tổng số tiền 64 triệu đồng vì thực hiện hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.

Quyết định xử phạt còn buộc bà T phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, báo cáo kết quả khắc phục trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận quyết định.

Tuy nhiên, đến nay đã hơn 60 ngày kể từ ngày quận ra quyết định xử phạt nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện.

Mùi hôi, tiếng ồn của chó vẫn còn

Anh NKA, người dân sống gần nhà 190 Hoàng Diệu, cho biết kể từ khi chính quyền đến hộ này làm việc, ra quyết định xử phạt thì việc ô nhiễm vẫn không thay đổi.

“Mùi hôi vẫn nồng nặc, chó sủa vẫn inh ỏi. Rồi chiều nào cũng thả đàn chó ra ngoài sân như chưa hề xảy ra việc gì. Tôi thấy việc xử phạt hành chính không ăn thua gì” - anh A bức xúc.

Anh NĐT, một hộ dân cũng sống gần khu vực nhà 190 Hoàng Diệu, cho biết mặc dù đã có quyết định xử phạt hành vi gây ô nhiễm từ việc nuôi chó của nhà 190 Hoàng Diệu nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn như cũ.

“Theo tôi được biết, đến nay họ vẫn chưa đóng phạt 64 triệu đồng, vẫn nuôi chó bình thường. Người dân ở đây rất mong chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng sớm có giải pháp giải quyết triệt để trường hợp này” - anh T nói.

Căn nhà 190 Hoàng Diệu, phường 9, quận 4 vẫn thường xuyên thả chó ra vỉa hè trước nhà. (Ảnh do người dân cung cấp)
Căn nhà 190 Hoàng Diệu, phường 9, quận 4 vẫn thường xuyên thả chó ra vỉa hè trước nhà. (Ảnh do người dân cung cấp)

Trao đổi với PV, đại diện UBND phường 9, quận 4 cho biết phường đã nhiều lần vận động bà T thực hiện di dời đàn chó ra ngoài khu dân cư nhưng bà T không đồng ý với lý do thương yêu đàn chó. Ngoài ra, phường cũng đã chủ động liên hệ các trạm chăm sóc chó, mèo để bà T san sẻ đàn chó, dù các trạm đã đồng ý nhưng bà T vẫn không chấp thuận.

Đến ngày 4-4, đã đến hạn cuối để bà T khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt nhưng bà T vẫn chưa thực hiện cũng như chưa đóng phạt. Trong thời gian tới, phường đang chờ chỉ đạo của quận để tiếp tục triển khai kế hoạch xử lý tiếp theo đối với chủ hộ nuôi chó này, đại diện UBND phường 9, quận 4 cho hay.

Đang khiếu nại quyết định xử phạt

Trao đổi với PV qua điện thoại, bà T (chủ của 82 con chó) cho biết hiện nay bà đang khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND quận 4, bởi kết quả đo nước thải để xử phạt theo bà không đúng với thực tế.

“Khi cơ quan chức năng xuống đo đạc, kiểm tra cống nhà tôi thì cống khô, không có nước. Sau đó kêu tôi vào nhà vệ sinh mở nước ra cho chảy ra đường cống. Đo xong thì thông báo tôi vi phạm xả nước thải ô nhiễm, như vậy là không đúng với thực tế” - bà T cho biết thêm.

Khi được hỏi về việc sau khi nhận quyết định xử phạt, bà T có thực hiện biện pháp nào để hạn chế việc thải nước thải gây ô nhiễm không, bà T cho biết gia đình bà nuôi chó kín, không thả ra bên ngoài. Việc tắm chó, tẩy rửa bên trong nhà, không thải ra ngoài đường. Thậm chí phân chó cũng gói và đem ra xe rác bỏ. Buổi tối bà có dẫn chó ra ngoài nhưng dẫn chưa quá ba ô gạch trước nhà nên không ảnh hưởng đến ai.

Giải thích lý do vì sao nuôi đàn chó cả trăm con, bà T cho biết bà nuôi đàn chó này từ 10 năm nay. Đây là những con chó già, chó bệnh, nhiều người không có khả năng nuôi nên gửi bà nuôi. Ngoài ra, bà có tham gia hội nuôi chó trên mạng xã hội, thấy có trường hợp con chó nào bị bỏ rơi thì bà đến đón về nuôi.

Khi được hỏi với số lượng chó nuôi nhiều như vậy, tại sao không san sẻ bớt đàn chó đi nơi khác, bà T cho hay bà nuôi chó từ thiện và không nỡ bỏ con nào.

Liên quan đến vấn đề nộp phạt vi phạm hành chính theo như quyết định của UBND quận 4, bà T cho biết nếu quyết định đó đúng thì bà cũng không có tiền để đóng phạt một lần mà phải chia ra nhiều lần. Bởi hiện nay gia đình bà cũng khó khăn, phải xin cơm, gạo lo cho đàn chó thì làm sao một lần có hơn 60 triệu đồng để đóng phạt.

Quyết định xử phạt không thi hành thì cưỡng chế

Khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm. Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.

Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định.

Cụ thể, trong trường hợp trên, sau khi giải quyết khiếu nại của bà T và quyết định vẫn được giữ nguyên, nếu người bị xử phạt hành chính vẫn không chấp hành thì người ban hành quyết định xử phạt có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định nêu trên.

Một trong các biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh”.

Nếu sau khi có quyết định cưỡng chế mà người vi phạm không tự nguyện chấp hành thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế. Hành vi bị cưỡng chế được thể hiện cụ thể trong quyết định cưỡng chế.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM

NGUYỄN HIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm