1 hộ nuôi cả trăm con chó: Cần quy định chặt chẽ hơn

(PLO)- Quy định nuôi chó, mèo tại hộ gia đình còn mang tính chất chung chung nên không chỉ gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước mà phía địa phương cũng gặp khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã có một số bài viết phản ánh tình trạng một số hộ dân ở TP.HCM nuôi chó với số lượng lớn từ 20 đến gần 80 con. Việc nuôi nhiều chó trong một hộ gia đình đã gây ảnh hưởng về môi trường, tiếng ồn cho người dân xung quanh. Chính quyền địa phương cũng đã tiến hành vận động, xử lý nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), về vấn đề trên.

Quy định hiện nay mới ở mức đơn giản

. Phóng viên: Thưa ông, vừa qua Pháp Luật TP.HCMcó một số bài viết phản ánh tình trạng một hộ dân nuôi nhiều chó. Tiếng ồn, mùi hôi từ việc nuôi chó đã ảnh hưởng đến những hộ gia đình xung quanh. Từ câu chuyện trên, ông có suy nghĩ thế nào?

+ Ông Nguyễn Văn Trọng (ảnh): Hiện nay, việc nuôi chó, mèo có hai dạng: Thứ nhất là nuôi để làm cảnh và giữ nhà, thứ hai là nuôi để làm thực phẩm. Vì vậy, khi đưa bất cứ quy định nào vào Luật Chăn nuôi phải rất thận trọng.

Trong Luật Thú y, việc quản lý chó, mèo chủ yếu là quản lý về dịch bệnh, nhất là với bệnh dại. Còn trong Luật Chăn nuôi, quản lý nuôi chó, mèo được đưa vào danh mục động vật khác, quy định trong Điều 66 với bốn quy định mới ở mức đơn giản, để quản lý chó, mèo ở các dạng làm thực phẩm, làm cảnh, trông nhà.

Cụ thể, khi nuôi chó, mèo phải thực hiện tiêm phòng bệnh dại; khi nghi ngờ có bệnh dại phải báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền địa phương; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, bảo đảm vệ sinh môi trường; trường hợp chó, mèo tấn công gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định.

Các quy định vẫn còn chung chung, chưa chặt chẽ, bao hàm rất rộng và chưa có hướng dẫn chi tiết về các quy định này. Vì quy định còn mang tính chất chung chung nên không chỉ gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước lẫn người thực thi, đặc biệt phía địa phương cũng đang gặp khó khăn.

Với trường hợp một hộ dân nuôi gần trăm con chó, kể cả nuôi với mục đích nhân đạo, về mặt tấm lòng là tốt nhưng về mặt xã hội, môi trường thì vẫn còn những bất cập, khó khăn. Người dân khi đã quyết định nuôi, dù với bất kỳ hình thức nào vẫn phải tuân thủ các quy định pháp luật.

. Ông nghĩ sao về ý kiến đề xuất nên quy định mật độ nuôi chó, mèo?

+ Hiện mới có gia súc, gia cầm được quy định mật độ nuôi. Chó, mèo nằm trong danh mục động vật khác cùng với các loài như ong, tằm, yến, hươu… và danh mục động vật khác vẫn chưa đưa vào quản lý theo dạng mật độ.

Đàn chó 82 con tại một gia đình ở đường Hoàng Diệu, phường 9, quận 4, TP.HCM. Ảnh: NDCC

Đàn chó 82 con tại một gia đình ở đường Hoàng Diệu, phường 9, quận 4, TP.HCM. Ảnh: NDCC

Mật độ không phải là chỉ diện tích của một khu vực nhỏ bé nào, mà thể hiện của cả một vùng như Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ, vùng ĐBSCL… Trên cơ sở đó, UBND tỉnh xây dựng rồi thông qua nghị quyết với HĐND tỉnh về vùng chăn nuôi.

Theo đó, vùng chăn nuôi quy định chỗ nào được phép chăn nuôi, chỗ nào không…

Đối với nuôi chó, hiện cũng chỉ có quy định một câu chung chung là không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không ảnh hưởng đến động vật khác, nghĩa là trách nhiệm của người nuôi phải rọ mõm khi cho chó đi ra ngoài, dắt đi phải có dây, xích…

Bây giờ muốn chi tiết việc đó để quản lý chặt chẽ hơn thì phải có văn bản. Theo tôi được biết, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật cho động vật khác để hướng dẫn cụ thể hơn về các điều kiện nuôi, về việc quản lý các vật nuôi trong danh mục động vật khác.

Tuyên truyền để thay đổi hành vi của người nuôi

. Ông có góp ý gì để việc quản lý các loài trong danh mục động vật khác, trong đó có nuôi chó, mèo được chặt chẽ, hiệu quả hơn?

+ Quy định về quản lý các loài trong danh mục động vật khác vẫn còn nhiều cái đang trống. Như hươu không khác gì gia súc ăn cỏ nhưng vẫn chưa ghép vào nhóm gia súc mà để ở danh mục động vật khác. Hay với nai, nhiều địa phương cũng đang nuôi, cũng chưa biết quản lý thế nào.

Các loài trong danh mục động vật khác trong chăn nuôi chắc chắn phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để quản lý chặt chẽ hơn.

Theo quy định hiện nay, chăn nuôi gia súc với quy mô 10 đơn vị vật nuôi trở lên là thuộc quy mô trang trại, phải chuyển ra khỏi khu dân cư. Hay mới đây TP.HCM cấm toàn bộ giết mổ nhỏ lẻ trong TP, đó cũng là một giải pháp. Hoặc đeo vòng cho heo để truy xuất nguồn gốc… Tất cả động vật khác trong chăn nuôi sau này cũng nên áp dụng các quy định như thế.

Giải pháp lúc này là phải tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi của người nuôi, để họ có trách nhiệm hơn với cộng đồng.

Người ta có thể nuôi 100-200 con chó nhưng với ý thức tốt, họ xử lý môi trường và các điều kiện nuôi nhốt tốt thì không có vấn đề gì. Còn nếu không, dù chỉ nuôi 1-2 con chó, mèo mà cứ để phóng uế bừa bãi thì cũng không đảm bảo được các điều kiện về môi trường.

. Xin cám ơn ông.

Sẽ có quy định nuôi chó, mèo cụ thể hơn

Tại họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT vừa diễn ra, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết việc nuôi chó là sở thích, quyền của người dân nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ông Chinh cũng cho biết hiện trong Luật Chăn nuôi vẫn chưa coi chó, mèo thuộc nhóm vật nuôi gia súc, gia cầm, mà nằm trong nhóm danh mục động vật khác.

Vì vậy không thể quy về đơn vị vật nuôi, không thể kết luận một hộ nuôi chó đến 80 con, 100 con là nuôi nông hộ hay trang trại.

“Bộ NN&PTNT đang xây dựng thông tư về quản lý các vật nuôi khác, trong đó có chó, mèo. Trong thông tư này, việc nuôi chó, mèo sẽ có những quy định cụ thể hơn” - ông Chinh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm