Có được nuôi chó, mèo trong chung cư?

Những ngày qua, vấn đề nuôi thú nuôi là chó, mèo trong chung cư đang là chủ đề gây tranh cãi của dư luận. Việc ban quản lý (BQL) của các khu chung cư cho phép hoặc cấm cư dân của mình nuôi chó, mèo trên thực tế mỗi nơi một khác.

Cắt điện, nước vì không di dời thú nuôi

Trên trang Facebook của diễn viên Nguyễn Hà My (Sam) những ngày qua đã có những bài viết chia sẻ câu chuyện của mình khi sống tại chung cư Sunrise City View (quận 7).

Cụ thể, cô chia sẻ sau khi dọn về ở tại căn hộ tại chung cư Sunrise City View cùng với thú cưng (chó) của mình thì bị BQL liên tục gửi thông báo về việc không cho nuôi chó/mèo trong chung cư và yêu cầu di dời vật nuôi ra khỏi toà nhà.

Theo chia sẻ, mặc dù hai bên đã gặp mặt và thỏa thuận nuôi khéo léo, không để ảnh hưởng đến trật tự chung nhưng Sam vẫn liên tục bị gọi xuống làm việc. Đỉnh điểm là BQL tam ngưng cung cấp dịch vụ đối với căn hộ của Sam (ngắt điện, nước).

Trong bài viết chia sẻ Sam cũng khẳng định khi mua căn hộ, hợp đồng mua bán với chủ đầu tư không hề có phụ lục hoặc điều khoản về việc không cho nuôi thú cưng. 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, trả lời với báo chí đại diện BQL chung cư Sunrise City View cho biết chỉ làm theo quy định thống nhất từ sổ tay cư dân. Theo đó, những căn hộ nuôi chó, mèo gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân thì ban quản lý sẽ thực hiện các chế tài theo trang 55 của sổ tay cư dân. Lần 1 sẽ nhắc nhở miệng hoặc lập biên bản, lần 2 sẽ gửi văn bản cảnh báo, lần 3 sẽ thực hiện cưỡng chế bằng cách ngưng cung cấp các dịch vụ tiện ích.

Pháp luật có cấm?

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết Khoản 3, Điều 35 Nghị định 99/2015 có quy định hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.

Biển thông báo cấm chó, mèo được gắn trong thang máy Chung cư Sunview Town (phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức). Ảnh: BÙI HOÀNG

Trong khi đó tại các khoản 6, 7, 8 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 đã định nghĩa: Gia súc là các loài động vật có vú, có bốn chân được con người thuần hóa và chăn nuôi. Gia cầm là các loài động vật có hai chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.

Động vật khác trong chăn nuôi là động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm…

Tại Phụ lục II trong Thông tư số 23/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi thì chó, mèo được xếp vào loại động vật khác.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên có thể thấy thú nuôi là chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm. Do đó, việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định.

Tuy nhiên, LS Tuấn cũng lưu ý mặc dù pháp luật không cấm nhưng tại mỗi nhà chung cư thì các chủ sở hữu, người sử dụng phải tuân thủ các quy định trong bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua.

Điều đó có nghĩa vẫn có trường hợp các khu chung cư, cư dân tổ chức Hội nghị nhà chung cư sau đó cùng nhau đưa ra những quy định liên quan đến nuôi vật nuôi (cho phép nuôi hoặc không cho phép nuôi). Lúc này thì cư dân phải tuân theo bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư đã được thông qua.

“Đối với những khu chung cư đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư có ban hành các bản nội quy quản lý thì vấn đề này dễ thực hiện, ít gây tranh cãi. Nhưng thực tế hiện nay không ít chung cư tại TP.HCM vẫn chưa thể tổ chức được Hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị, chưa thể ban hành các nội quy nên việc đưa ra những quy định cấm cho nuôi chó, mèo cũng đang thiếu căn cứ vững chắc, việc tranh cãi là khó tránh khỏi”- LS Tuấn chia sẻ.

Có chung cư nêu rõ việc nghiêm cấm nuôi chó, mèo

Thông báo nơi bản Thông tin vận hành toà của Chung cư Sunview Town (phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP.HCM) có nêu rõ: Thông tin vận hành toà nhà Nghiêm cấm hoàn toàn việc nuôi gia súc, gia cầm, thú cưng, vật cảnh trong chung cư. Nếu phát hiện vật nuôi trong khu vực chung hoặc ở trên sân, hành lang căn hộ, Ban quản lý sẽ cho bảo vệ di dời ngay lập tức.

Trường hợp phát hiện vật nuôi trong căn hộ, Ban quản lý sẽ gửi thư thông báo mời họp và yêu cầu trong vòng năm ngày phải đem vật nuôi ra khỏi chung cư. Nếu cư dân không thực hiện di dời, bắt buộc Ban quản lý phải áp dụng các chế tài.              

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm