Tháng 9-2012, TAND quận 2, TP.HCM ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, buộc vợ chồng ông Nguyễn Văn Tình phải trả cho bà Phan Thị Dễ 4,6 tỉ đồng. Trước đó, theo yêu cầu của bà Dễ, TAND quận 2 đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài sản của vợ chồng ông Tình là mảnh đất hơn 102.000 m2 tại TP Biên Hòa, Đồng Nai để đảm bảo cho việc thi hành án (THA).
Vướng vụ án hình sự
Sau khi bà Dễ có đơn yêu cầu THA, Chi cục THA dân sự quận 2 đã ủy thác cho Chi cục THA dân sự TP Biên Hòa. Tuy nhiên, rắc rối phát sinh liên quan đến việc mảnh đất này cũng là đối tượng xử lý của vụ án hình sự khác.
Theo đó, ông Tình vốn là tổng giám đốc một công ty. Lợi dụng việc đầu tư vào dự án khu dân cư Tam Phước (Long Thành, Đồng Nai), ông đã huy động vốn của nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Bằng thủ đoạn gian dối, vợ chồng ông Tình đã chiếm đoạt của ông Lê Đình Tài (ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) hơn 61 tỉ đồng.
Cụ thể, từ năm 2007 đến 2009 với mảnh đất trên và dự án khu dân cư Tam Phước, ông Tình đã thế chấp cho ông Tài để vay 61 tỉ đồng. Nhưng ông Tình cũng mang mảnh đất này thế chấp cho Ngân hàng NN&PTNT để bảo lãnh cho bên thứ ba vay 12,5 tỉ đồng. Hợp đồng bảo lãnh không được đăng ký giao dịch đảm bảo, không thực hiện thủ tục công chứng theo quy định.
Sau khi công an khởi tố vụ án thì ngày 8-12-2011 vợ chồng ông Tình tự nguyện thỏa thuận bàn giao tài sản, trong đó có mảnh đất nói trên cho ông Tài để khắc phục hậu quả.
Tháng 9-2014 xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt ông Tình 18 năm tù, vợ ông Tình 14 năm tù và phải trả cho ông Tài 41 tỉ đồng. Về dân sự, tòa cho rằng các giao dịch thế chấp, bảo lãnh với ngân hàng là vô hiệu nên công nhận biên bản bàn giao tài sản giữa ông Tình và ông Tài. Tòa cũng cho ông Tài quyền liên hệ với cơ quan thẩm quyền để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.
Bà Phan Thị Dễ mệt mỏi vì việc thi hành án bị kéo dài. Ảnh: L.TRINH
Nhưng xử phúc thẩm vào năm 2015, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên buộc hai bị cáo phải trả cho ông Tài 61 tỉ đồng. Nhưng tòa lại cho rằng cấp sơ thẩm công nhận việc bàn giao tài sản giữa hai bên là không có cơ sở.
Theo tòa phúc thẩm, trong chín thửa đất mà ông Tình bàn giao cho ông Tài có đến sáu thửa đất đã bị UBND huyện Long Thành ra quyết định thu hồi vào tháng 12-2009 nên không còn là tài sản hợp pháp của vợ chồng ông Tình nữa. Từ đó tòa tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm về việc công nhận biên bản bàn giao tài sản giữa hai bên. Cạnh đó tòa cũng ra quyết định kê biên toàn bộ tài sản được nêu trong biên bản bàn giao tài sản (trong đó có mảnh đất) để đảm bảo cho việc THA về dân sự. Bản án này có hiệu lực pháp luật.
Bán đấu giá xong lại yêu cầu hủy
Trở lại vụ việc của bà Dễ, tháng 7-2014, Chi cục THA dân sự TP Biên Hòa đã hoãn THA để chờ kết quả giải quyết vụ án hình sự nói trên, đến tháng 8-2015 mới ra quyết định tiếp tục THA. Tiếp đó, chấp hành viên cưỡng chế kê biên mảnh đất đã bị phong tỏa theo quyết định của TAND quận 2.
Nhưng lúc này ông Tài cũng yêu cầu THA theo quyết định của TAND Cấp cao tại TP.HCM. Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai cũng kê biên toàn bộ tài sản của ông Tình, trong đó có mảnh đất trên. Đến cuối năm 2015, Chi cục THA dân sự TP Biên Hòa bàn giao toàn bộ hồ sơ THA vụ của bà Dễ cho Cục THA dân sự tỉnh giải quyết.
Ngày 29-6 vừa qua, Cục THA dân sự tỉnh đã bán đấu giá khối tài sản của ông Tình trên để THA cho ông Tài. Thấy vậy bà Dễ khiếu nại, cho rằng bà đã phong tỏa tài sản trước thì phải được ưu tiên THA trước.
Tiếp đó, chính Cục THA dân sự tỉnh đã có công văn gửi công ty bán đấu giá đề nghị hủy kết quả đấu giá. Lý do là vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều bản án, nhiều cơ quan tòa án đã áp dụng biện pháp khẩn cấp, kê biên tài sản của ông Tình, Cục THA đã có văn bản báo cáo xin ý kiến Tổng cục THA dân sự.
Chờ cấp trên hướng dẫn mới THA tiếp Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với Chi cục THA dân sự TP Biên Hòa và được ông Nguyễn Ngọc Cưỡng, Chi cục trưởng, xác nhận đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến Cục THA dân sự tỉnh để thụ lý giải quyết. Do ông không còn thẩm quyền nhận xét, đánh giá về quá trình THA nữa. PV đã liên hệ với Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai và nơi đây cho biết đã có văn bản báo cáo Tổng cục THA, chờ có hướng dẫn sẽ tiếp tục giải quyết. |