1 người nước ngoài kiện đòi bồi thường 86 tỉ

TAND TP.HCM vừa xử sơ thẩm vụ tranh chấp lao động giữa ông FKJ (quốc tịch Malaysia) với ngân hàng (NH) V tại quận 1, TP.HCM đòi bồi thường hơn 86,6 tỉ đồng. Điều lạ của vụ án này là nguyên đơn nói mình bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phía bị đơn cho rằng thực tế hợp đồng lao động vẫn còn hiệu lực. 
Đòi bồi thường nhiều khoản 
Ông J bắt đầu làm việc tại NH V từ ngày 22-4-2013 sau khi ký hợp đồng lao động. Ngày 26-3-2020, NH ra thông báo số 79 chấm dứt hợp đồng lao động. Tiếp đó, NH ra quyết định miễn nhiệm vị trí giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với ông J kể từ ngày 15-4-2020. 
Ngày 26-6-2020, NH có thông báo mới rằng việc thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng với ông J và thông báo số 79 không thể tiếp tục thực hiện, yêu cầu ông có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng…

Nguyên đơn nói mình bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phía bị đơn cho rằng thực tế hợp đồng lao động vẫn còn hiệu lực. 

Tháng 7-2020, ông J nộp đơn khởi kiện ra tòa đòi bồi thường. Nguyên đơn trình bày lương gồm lương cơ bản 244.200 USD/năm (tức 20.350 USD/tháng) và nhiều khoản phụ cấp, bổ sung khác. Tổng thu nhập một tháng là gần 600 triệu đồng, trước khi trừ thuế và bảo hiểm là hơn 1 tỉ đồng/tháng.

Ngoài ra, ông còn hưởng một số chế độ khác như chi phí trở về nước, tiền lương thành tích khả biến mục tiêu, tiền giữ chân nhân tài. Nay ông kiện đòi bồi thường nhiều khoản, tổng cộng hơn 86,6 tỉ đồng.
Ngược lại, phía NH thừa nhận ký hợp đồng lao động với ông J. Ông đã làm việc nhưng do tình hình dịch bệnh cũng như do nhu cầu công việc gần cuối tháng 3-2020 nên đôi bên có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. NH không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và không ban hành quyết định này. Hiện ông J vẫn là người lao động của NH…
Phán quyết của tòa
HĐXX TAND TP.HCM nhận định: Ông J kiện với lý do bị đơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật nhưng bị đơn không đồng ý với lý do này. Để giải quyết tranh chấp cần xem xét kỹ các thỏa thuận của các bên tại hợp đồng. Việc nguyên đơn cho rằng NH ban hành thông báo số 79 là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là không có căn cứ. 
Theo diễn biến, thông báo số 79 là sẽ chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 30-6-2020 nhưng ngày 26-6-2020, NH có thông báo mới như đề cập trên, được ông J ký nhận trước “thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn”. Đến nay, NH vẫn khẳng định chưa chấm dứt hợp đồng lao động với ông J là có lợi cho người lao động. Ông J cần liên hệ lại với NH để tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.
Do NH không đơn phương chấm dứt trái pháp luật và hợp đồng đến nay vẫn chưa chấm dứt, HĐXX không chấp nhận các yêu cầu của nguyên đơn. Đó là các khoản bồi thường tiền lương trong những ngày không được làm việc (chín tháng) là 9,46 tỉ đồng, tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội bắt buộc trong những ngày không được làm việc, hai tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hơn 2,1 tỉ đồng. Tòa cũng bác yêu cầu thanh toán tiền trợ cấp thôi việc 4,2 tỉ đồng. 
Cạnh đó, tòa cũng bác yêu cầu thanh toán tiền lương làm thêm giờ tự tính từ năm 2013 đến nay, ước tính khoảng 60,7 tỉ đồng. Đồng thời tòa bác yêu cầu thanh toán tiền thiếu lương tháng 6-2020 hơn 975 triệu đồng.
Được biết, hiện nguyên đơn đã kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm.

 Tòa chỉ chấp nhận hai khoản gần 300 triệu đồng

 Về yêu cầu bồi thường chi phí luật sư khoảng 180 triệu đồng (theo khoản 5 Điều 275 và khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự), HĐXX TAND TP.HCM xét quy định nghĩa vụ phát sinh từ căn cứ “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật”. Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. 

Do NH không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên không làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường của NH V về chi phí luật sư. Việc ông J căn cứ vào hóa đơn giá trị gia tăng về phí dịch vụ pháp lý tư vấn và hỗ trợ đàm phán chấm dứt hợp đồng (tiền tố tụng) do công ty luật xuất là không có cơ sở. Từ đó, tòa không có căn cứ chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn.

Về tiền thưởng năm 2019, nguyên đơn cho rằng NH đã đánh giá không công bằng. Theo tòa, ông J không chứng minh được việc NH đánh giá không công bằng, không thể so sánh căn cứ xếp loại tập thể để xác định xếp loại cá nhân là không chính xác nên không chấp nhận. 

Cạnh đó, tòa cũng bác yêu cầu thanh toán hơn 3,5 tỉ đồng thưởng thành tích khả năng biến mục tiêu ròng trong năm 2020, 2021 và 950 triệu đồng thưởng thành tích khả năng biến mục tiêu ròng trong năm 2019. Theo tòa, do chưa hết năm 2020, chưa có căn cứ để thưởng thành tích khả năng biến mục tiêu ròng trong năm 2020 và 2021. Nguyên đơn có quyền khởi kiện vụ án khác khi hết năm 2020 hoặc 2021 có căn cứ để yêu cầu thưởng thành tích… 

HĐXX chỉ chấp nhận một phần khởi kiện của nguyên đơn. Đó là thanh toán tiền 14,5 ngày phép năm chưa dùng, tương đương 285,4 triệu đồng và tiền trợ cấp về thăm nhà của sáu tháng đầu năm 2020 là 600 USD (khoảng 14 triệu đồng).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm