Sáng 30-12, Bộ GD&ĐT công bố 10 dấu ấn nổi bật của ngành giáo dục năm 2023.
Tổng kết 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29
Năm 2023 đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, các quan điểm, định hướng lớn của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết 29 là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của thế giới và thực tiễn phát triển của nước ta.
Giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Dự thảo Đề án tổng kết Nghị quyết 29 đã nhận định rõ những thành tựu quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua. Đồng thời, đánh giá đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế và và đề xuất các định hướng phát triển giáo dục giai đoạn tiếp theo phù hợp với tình hình của đất nước.
Từ đó, tham mưu với Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tạo sự đột phá căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, năm 2023, Bộ GD&ĐT tổ chức 6 Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội.
Mục đích hội nghị là đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng. Qua đó góp phần quan trọng để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.
Đại biểu dự hội nghị đã thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục của từng vùng; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua. Từ đó đề ra các giải pháp để phát triển giáo dục vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Cùng với 6 hội nghị, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành 6 kế hoạch hành động để xác định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của 6 vùng kinh tế - xã hội.
Đánh giá giữa kỳ quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018
Năm 2023 đánh dấu một nửa chặng đường triển khai dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD&ĐT đã chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá giữa kỳ việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một nửa chặng đường cho thấy việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bước đầu tạo được những chuyển biến rất tích cực, làm thay đổi chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của học sinh. Thay đổi phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Bên cạnh những kết quả rõ nét, nửa chặng đường đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế.
Theo đó, 4 nhóm giải pháp đã được chỉ rõ trong báo cáo đánh giá giữa kỳ của Bộ GDĐT gồm: Tiếp tục phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa, bảo đảm đủ sách giáo khoa; tập trung thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên cho giáo dục theo quy định.
Phê duyệt sách giáo khoa mới
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ GD&ĐT khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phê duyệt sách giáo khoa các môn học đảm bảo chất lượng và theo đúng kế hoạch.
Tính đến cuối năm 2023, nhiệm vụ này đã được Bộ GD&ĐT hoàn thành.
Đến nay, sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định.
Việc lựa chọn sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT hướng dẫn, điều chỉnh theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Các địa phương triển khai, áp dụng thực hiện linh hoạt theo điều kiện của từng địa phương.
Việc cung ứng, phát hành sách giáo khoa được các nhà xuất bản thực hiện đa dạng, với nhiều phương thức và kênh phát hành.
Xác định phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Ngày 28-11-2023, Bộ GD&ĐT ban hành quyết định về việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025”.
Theo phương án, nội dung Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Cùng với phương án thi, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố cấu trúc định dạng đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 làm căn cứ để các nhà trường, giáo viên, học sinh tham khảo cho quá trình dạy và học.
Phát triển và chăm lo đội ngũ nhà giáo
Tiếp nối những nỗ lực nhằm phát triển và chăm lo cho đội ngũ nhà giáo đã được thực hiện trước đó, năm 2023 tiếp tục cho thấy nhiều dấu ấn trong công tác này.
Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1-7-2023 - nâng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng đã giúp cho mức lương, thu nhập của giáo viên có sự cải thiện.
Ngày 25-9-2023, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023 sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020 về tuyển dụng và quản lý viên chức. Theo đó, chính thức bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thành xét thăng hạng. Việc bỏ thi thăng hạng viên chức đã giúp xóa bỏ những tồn tại từ thực tiễn và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo giáo viên.
Cũng trong năm 2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 08/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Nhiều điểm mới của Thông tư 08 đã khắc phục những hạn chế trước đó, tạo thuận lợi, động lực cho đội ngũ giáo viên.
Tiếp tục thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị về giao bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022-2026, năm 2024 các địa phương sẽ tiếp tục được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên.
Đặc biệt, ngày 7-7-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP; trong đó giao Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo, tạo điều kiện để kiến tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo, nâng cao vị thế của nhà giáo và ngành giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ trên một triệu giáo viên cả nước
Ngày 15-8-2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với trên một triệu giáo viên cả nước. Đây là lần đầu tiên, hoạt động này được tổ chức.
Tại cuộc gặp gỡ, hàng loạt ý kiến, câu hỏi liên quan đến chính sách nhà giáo như định mức, lương, phụ cấp nhà giáo; quy định tuổi nghỉ hưu nghề giáo; chính sách đặc thù cho các giáo viên mầm non; chính sách, vị trí việc làm cho nhân viên trong các nhà trường; quy định về tự chủ đại học...đã được giáo viên gửi tới Bộ trưởng.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: lãnh đạo Bộ GD&ĐT xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Lãnh đạo Bộ sẽ cố gắng làm mọi cách nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo.
Tích cực, chủ động chuyển đổi số
Năm 2023, ngành giáo dục lần đầu tiên đưa vào khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), trong đó có công tác tuyển sinh thực hiện trực tuyến trên HEMIS.
Hệ thống HEMIS đã kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và thực hiện đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm.
Đến nay, Bộ GD&ĐT đã đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp năm 2022 và gần 7.400 sinh viên tốt nghiệp năm 2023.
Bộ GD&ĐT đã thực hiện xác thực và định danh được gần 24,21/25 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh
Phát động phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời
Ngày 10-6-2023, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.
Sau lễ phát động, các Bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai thi đua sâu, rộng và thường xuyên, để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển đất nước.
Duy trì top 10 quốc gia đạt kết quả các kỳ thi Olympic quốc tế cao nhất
Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm thành công của giáo dục mũi nhọn, khi các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực liên tục mang về thành tích cao.
7 đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 36 lượt học sinh tham gia.
Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về cho nước nhà thành tích xuất sắc, tất cả các thí sinh của các đoàn đi thi đều đoạt giải, với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen.
Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi năm 2023 tiếp tục giữ thành tích trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất, nhiều học sinh đạt số điểm cao nhất.