1. Lên kế hoạch từ sớm. Để không bị cuốn vào những chiêu thức khuyến mãi hay những phút cao hứng dịp tết, bạn cần lên kế hoạch chi tiêu trong tết cho gia đình từ sớm và bám sát thực hiện. Kế hoạch chi tiêu này dựa trên tình hình tài chính thực tế của từng gia đình. Trong đó, cần dự trù các khoản chi cơ bản như: tiền thực phẩm, tiền lì xì, tiền cho quần áo, trang hoàng nhà cửa, chi phí đi lại và khoản chi cho du lịch nếu có… Một kế hoạch chi tiêu càng chi tiết sẽ càng hữu ích nếu bạn thường xuyên đối chiếu với thực tế để kịp điều chỉnh.
2. Cân nhắc danh sách tặng quà tết và lì xì đầu năm. Cá nhân và gia đình nào cũng có những mối quan hệ để củng cố trong dịp tết bằng quà tặng. Biết rằng cho đi thì luôn luôn quý, tuy nhiên, đừng vung tay quá trán cho chi phí quà tết. Hãy nhớ rằng, cách cho quý hơn của cho.
Ảnh minh họa
3. Mua thực phẩm đủ dùng trong hai ngày. Ngày xưa, ông bà chúng ta thường mua thật nhiều thức ăn để dành trong nhà vào dịp tết vì thời đó, chợ không hoạt động nhiều ngày. Thời nay thì khác, mùng 1 tết chợ vắng nhưng từ mùng 2 tết thì đã có lác đác người bán. Do đó, bạn không nhất thiết phải mua thực phẩm nhét đầy tủ lạnh mà có khi chưa kịp dùng đã hư.
4. Tận dụng triệt để thức ăn trong tủ lạnh. Hãy biết rõ trong tủ lạnh nhà mình có gì và sử dụng cho hợp lý. Thức ăn nào mau hỏng thì dùng trước. Khi còn đồ ăn trong tủ lạnh thì nhất định không mua thêm đồ ăn ngoài để bỏ vào.
Ảnh minh họa
5. Chỉ sắm đồ mới cho trẻ con. Nếu bạn có nhiều tiền để mua sắm quần áo thì không phải bàn. Nhưng tiết kiệm tiền trang phục luôn giúp bạn để dành được một khoản đáng kể. Trẻ con mỗi ngày mỗi lớn, mặc đồ mới ngày tết cũng là một niềm vui. Do đó, ít nhất sắm cho chúng một bộ đồ mới, còn lại, bạn hãy nhớ là mình có đến 364 dịp mua sắm trong năm chứ không chỉ dịp tết.
6. Không ham đồ giảm giá những giờ phút cuối năm. Những ngày, giờ cuối năm, hàng hóa có khi giảm giá đến 80%. Tuy nhiên, nếu bạn quyết tâm không mua thì bạn tiết kiệm được đến 100%.
Ảnh minh họa
7. Tự trang hoàng nhà cửa. Không khí trang hoàng nhà cửa cuối năm luôn là một ngăn ký ức đẹp của mỗi người. Do đó, hãy cùng nhau trang hoàng nhà cửa. Dọn dẹp, chùi rửa vật dụng trong nhà để gắn kết tình cảm, vừa tiết kiệm tiền.
8. Bánh mứt homemade. Không chạy đua theo xu hướng mà tiêu tiền vào những loại bánh mứt mới lạ. Một số loại mứt truyền thống vừa dễ làm, dễ ăn lại an toàn vệ sinh thực phẩm như mứt dừa, mứt khoai lang, mứt cà, mứt gừng…
Ảnh minh họa
9. Tăng cường ăn tại nhà, hạn chế ăn ngoài. Một tô phở, hủ tiếu ngày tết giá có thể tăng gấp đôi vì lý do thịt cá ngoài chợ cũng tăng giá. Do đó, hạn chế ăn ngoài càng nhiều càng tốt. Nếu phải ăn dọc đường thì mang theo bánh chưng, bánh tét cũng là một gợi ý tiết kiệm tuyệt vời.
10. Không coi thường tiền lẻ và quy về một mối. Dịp tết, ví cha mẹ đầy tiền lẻ để lì xì, ví con cái cũng đầy tiền lẻ do được lì xì. Hãy gom lại một mối là chú heo đất, tránh để vương vãi mỗi nơi một ít. Cuối năm, bạn sẽ bất ngờ với độ "béo ú" của chú heo này đấy.
Ảnh minh họa