Rảo khắp các mạng xã hội, thống kê 1001 kiểu phản ứng của các ông chồng khi nhận được tin nhắn tình cảm của vợ, có đến 99% quý ông tỏ thái độ hồ nghi, lo lắng thậm chí…hoảng sợ. Hiếm có chị em nào “may mắn” nhận lại được câu trả lời như ý muốn.
Tìm đến các chuyên gia tâm lý và hỏi lại các “khổ chủ” này mới biết, thực ra phản ứng vậy cũng không có gì là khó hiểu.
1. Không có tiền lệ
“Vợ chồng mình chưa bao giờ nhắn tin cho nhau kiểu như vậy nên mình nghĩ phải có vấn đề gì đó”, bạn Thanh Tú (quận 6) cho biết.
Đáng ngạc nhiên là nhiều cặp vợ chồng không có thói quen bày tỏ tình cảm với nhau. Khi còn yêu, quý cô “làm giá”, ít chịu thể hiện. Khi đã là vợ chồng, cơm áo gạo tiền, con cái…càng thu hẹp không thương tiếc khoảng không gian riêng cho đôi lứa nên những lời này bị loại khỏi từ điển vợ chồng.
Một kiểu trả lời... dội nước lạnh của các ông chồng
2. Chuyện này…quá quen
“Vợ mình xưa nay nói năng luôn cộc lốc. Cô ấy chỉ ngọt ngào khi mắc lỗi hoặc muốn thương lượng chuyện gì đó”, đây là lời lý giải của anh Hà Hùng (Bình Thuận).
Nghe ra cũng thật…xót xa cho các quý ông.
3. Do đặc điểm lối sống
Một tiến sĩ tâm lý công tác tại trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho rằng do lối sống của người Việt xưa nay ít thể hiện. Nếu phương Tây họ thoải mái nói ra những lời yêu thương thì người Á Đông lại giấu kín trong lòng. Đó là lý do khiến người ta thường ngạc nhiên trước khi cảm thấy vui mừng khi nghe thổ lộ tình ý. Cho dù là vợ chồng, người Việt cũng ít nói câu “em/anh yêu anh/em”.
4. Tâm lý phòng bị
Hay còn gọi là thói đa nghi. Đây là một phản xạ bình thường của con người. Tâm lý không tin vào những điều tốt đẹp bỗng dưng đến mà không phải…trả giá. Do đó, khi nhận được một điều lý ra là vui mừng như trúng số, lên chức, có con hay lời tỏ tình, điều đầu tiên người ta nghĩ là “thật không?”.
5. Chỉ là đùa vui
Con người thường thích đùa. Do đó nhận được lời bộc bạch đáng yêu này, quý ông thích đùa nghịch lại với vợ nên đã trả lời bằng những câu nói “đắng lòng” như thế. Bởi quý ông biết vợ cũng chỉ cười xòa chứ không trông mong gì một lời đáp lễ tử tế.
6. Vợ chồng mà còn nói thế
Đây cũng là một thói quen trong suy nghĩ, văn hóa ứng xử của người Việt. Nhiều người cho rằng khi đã là vợ chồng thì những hành động lãng mạn như tặng hoa, hẹn hò, nói lời yêu… là không còn phù hợp.
Tuy nhiên, chính vì không chịu khó lãng mạn hóa đời sống vợ chồng, duy trì thói quen của hai người yêu nhau mà nhiều cặp đôi tự khiến cho cuộc sống chung của mình ngày càng ít điều tươi mới, vui thú.
7. Vì các chị em quá nhiều trò
Đây là câu trả lời được nhiều quý ông nói ra nhất. “Không phải mình không tin, nhưng lời nói của các chị em lúc nào cũng nhiều ngã, nhiều cạnh, lắt léo khôn lường nên nghe thế chẳng dám thấy thế”, một quý ông nói.
Lời nói của phụ nữ như tảng băng chìm, không đơn giản, đơn nghĩa như lời nói quý ông, vì vậy mà quý ông luôn cho rằng ẩn sau câu nói phải là cái gì đó….phức tạp và đáng sợ hơn.
8. Vì điều ấy quá xa xỉ
Nhiều ông chồng ngậm ngùi chia sẻ không biết bao lâu rồi họ mới nghe những lời tình tứ như vậy từ vợ, và họ cũng không nhớ lần cuối nói “yêu vợ” là lúc nào. Do đó, phản ứng tức thời khi nghe điều “xa xỉ” ấy là “cô ấy làm sao thế nhỉ?”.
Chuyên gia gọi đây là sự “đóng băng cảm xúc” khi đã là vợ chồng lâu năm. Ở bên nhau trở thành thói quen và những thứ thực tế như hôm nay ăn gì, đóng tiền học cho con chưa, tiền chợ tháng này… đã khiến một vài niềm vui tinh thần bị khóa vào tủ.
9. Vì mắc cỡ
Đây là lời lý giải ngộ nghĩnh nhất. Cũng xuất phát từ nếp sống kín đáo xưa nay của người Á Đông. Đàn ông vì muốn giữ hình tượng mạnh mẽ nên hạn chế tối đa việc để lộ cảm xúc, đó là lý do những lời yêu đương “sến sến” thường do các nàng nói ra nhiều hơn.
10. Vì tất nhiên phải thế
Nên cần gì phải nói, cần gì phải thể hiện. Chẳng lẽ em không yêu anh và chẳng lẽ anh phải trả lời là “anh cũng yêu em” thì em mới biết?
Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia, đây cũng là một dạng thức tâm lý không có lợi trong mối quan hệ vợ chồng. Không phải cứ là vợ chồng thì không cần thể hiện tình cảm với nhau và coi những điều này là bình thường. Đó luôn là điều may mắn và hạnh phúc khi được một người yêu thương chân thành, dù đó là “chuyện biết rồi, khổ lắm”…nhưng nói mãi vẫn không nhàm.
Qua sự phân tích của chuyên gia tâm lý, và lời nói từ đáy lòng của các đấng ông chồng, có thể nhận thấy đôi khi guồng quay bận rộn, mệt mỏi của cuộc sống thường nhật đã khiến người ta vô tình quên đi cách tạo ra những niềm vui nho nhỏ, quên mất cần nói lời yêu với người xung quanh.
Phản ứng của các ông chồng tuy có vẻ phũ phàng nhưng lại rất thực tế. Đó là lời cảnh báo cho các cặp vợ chồng. Tình cảm lứa đôi dù trải qua bao nhiêu năm chung sống vẫn cần được hâm nóng để luôn nồng nàn.
Ở bên nhau không phải là thói quen, mà đó là niềm vui sống mỗi ngày. Trước khi trở thành vợ chồng, rồi cha mẹ, đôi ta là hai người yêu nhau. Vậy thì nói yêu nhau có gì lạ đâu?