10 năm làm chưa xong 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm

(PLO)- Một thập kỉ trôi qua, 4 tuyến đường chính được xem như “xương sống” của khu đô thị mới Thủ Thiêm: đường Trần Bạch Đằng (R1), Tố Hữu (R2), Nguyễn Thiện Thành (R3), Bùi Thiện Ngộ (R4) vẫn dang dở, chưa được kết nối liền mạch.

Ban điều hành dự án PPP thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) vừa có báo cáo (ngày 5-11) gửi Sở KH&ĐT TP.HCM về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT.

Bốn tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm này do Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ năm 2014 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tổng chiều dài 4 tuyến đường khoảng 12km với tổng mức đầu tư 8.256 tỉ đồng.

10 năm vẫn vướng mặt bằng

Ghi nhận của phóng viên PLO ngày 14-11, tuyến đường Trần Bạch Đằng (ký hiệu R1), đây là tuyến đường có quy mô lớn nhất với chiều dài 3,4km, mặt cắt ngang 55m, tổ chức giao thông 6 làn xe.

Đường Trần Bạch Đằng trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Song, nhiều năm qua, một số đoạn đường Trần Bạch Đằng vẫn chỉ là nền đất, cây cỏ mọc. Một số đoạn đường đã hoàn thiện được trồng cây, lắp hệ thống chiếu sáng, biển báo, đa phần lối vào, lối ra của tuyến đường này đều được rào chắn, có bảo vệ trông coi.

Đường R1 vẫn được rào chắn, cỏ mọc um tùm.

Nằm cuối tuyến đường này là cầu số 3 sẽ kết nối giao thông vào đường Trần Não, giúp người dân lưu thông thuận tiện hơn, cầu số 3 đã thành hình nhưng vẫn nằm trơ trọi, thi công dang dở khiến nhiều hạng mục xuống cấp.

Khu vực đường Trần Bạch Đằng kết nối Trần Não là đường đất, cỏ mọc quá đầu người.

Chỉ tay về khu đất trống cuối đường Bạch Đằng, ông Đặng Khánh Hoàng (ngụ TP Thủ Đức) cho biết các tuyến đường trong khu đô thị này là nơi chạy bộ, vui chơi của người dân khu vực nhưng nhiều đoạn đường làm đứt quãng, cầu bỏ hoang gây lãng phí, một số đoạn làm xong cũng không thể đi được do bị chặn khắp nơi.

"Trong khi đó người dân phải đi lòng vòng rất mất thời gian. Đối với một khu vực đang phát triển mạnh mẽ như vậy mà việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa tương xứng. Tôi cũng như nhiều người dân luôn hy vọng đường sá sớm hoàn thiện, kết nối đồng bộ để khu vực này ngày càng phát triển hơn nữa, tạo không gian vui chơi, giải trí cho người dân", ông Hoàng chia sẻ.

Nhiều cây cầu xây dựng dang dở.

Tương tự, đường Trần Bạch Đằng vẫn đang vướng mặt nhiều hộ dân cũng khiến cầu số 8 đã thi công hoàn thành phần cầu chính nhưng phải nằm chờ hơn 5 năm nay. Cầu này hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, bên dưới là nơi tập kết vật liệu xây dựng đã hoen rỉ, rác thải khắp nơi tạo khung cảnh nhếch nhác, cầu hiện vẫn chưa thể kết nối ra đường Trần Não.

Khu vực vướng mặt bằng.
Nhiều ngôi nhà xuống cấp.

Nằm lọt thỏm giữa tuyến đường này là nhiều ngôi nhà lụp xụp, những dãy trọ xuống cấp, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề ve chai. Khi được hỏi về dự án, đa phần người dân đều lắc đầu “không biết”.

Cầu số 8 "đứng hình" nhiều năm qua.

Còn đường Tố Hữu (ký hiệu R2) dài 3km, rộng 29m, 4 làn xe, phần lớn tuyến đường này đã hoàn thiện từ năm 2018, các phương tiện được phép lưu thông. Đường Tố Hữu sẽ kết nối từ đường Trần Não (TP Thủ Đức) đến khu phức hợp thể thao - giải trí thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hiện nay, đường Tố Hữu vẫn vướng mặt bằng đoạn gần vòng xoay Trần Não - Lương Định Của dẫn đến chưa thể triển khai khiến các phương tiện phải đi đường vòng. Trên tuyến đường này thường xuyên xảy ra tình trạng mất cấp thiết bị nắp cống, hệ thống điện,...

Đường Nguyễn Thiện Thành còn một đoạn chưa hoàn thiện.

Tuyến đường Nguyễn Thiện Thành (ký hiệu R3) dài 3km, rộng 28m chạy dọc theo bờ sông Sài Gòn. Tuyến đường này cơ bản đã hoàn thiện, riêng chỉ còn lại một đoạn đường ngắn chưa được hoàn thiện để kết nối đồng bộ.

Đường Bùi Thiện Ngộ cũng được rào chắn, các phương tiện không được lưu thông.

Đường Bùi Thiện Ngộ (kí hiệu R4) dài 2,5km, 2 làn xe, rộng 11m, được xây thiết kế theo kiểu đường trên cao. Đa phần tuyến đường này vòng qua khu đô thị Sala, hiện đã hoàn thiện cơ bản.

Tuyến đường được thiết kế dạng cầu cạn, chạy trên cao, quanh vùng dự trữ sinh thái rộng 128ha của khu đô thị Thủ Thiêm. Các hạng mục đèn chiếu sáng, làn đường, lan can được hoàn thiện. Hai bên đường xanh mướt bởi rừng cây dừa nước và các loài ngập nước.

Đang tính toán phương án giải phóng mặt bằng còn lại

Hạ tầng đứt quãng gây cản trở sự phát triển của khu vực này.

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, Ban điều hành dự án PPP cho biết về công tác bồi thường giải tỏa đến nay UBND TP Thủ Đức vẫn chưa hoàn thành để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện các hạng mục còn lại theo hợp đồng BT đã ký.

Dự án đầu tư chưa được cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư (điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh thiết kế cơ sở...), điều chỉnh hợp đồng BT.

Vướng mặt bằng là nguyên nhân chính khiến dự án kéo dài.

Đề cương nhiệm vụ - dự toán giám sát Nhà nước điều chỉnh Ban Giao thông đã trình Sở GTVT nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở ký phụ lục hợp đồng tư vấn giám sát nhà nước nên khó khăn cho công tác thực hiện giám sát Nhà nước.

Dự án chậm trễ, hạ tầng giao thông đứt quãng, nhếch nhác nhiều năm qua cản trở sự phát triển của khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban điều hành dự án PPP kiến nghị UBND TP Thủ Đức sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện hoàn thành dự án.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng được kiến nghị sớm hoàn tất thủ tục thẩm định dự án đầu tư điều chỉnh (bao gồm: điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh thiết kế cơ sở, điều chỉnh đề cương nhiệm vụ - dự toán giám sát Nhà nước); trình cấp thẩm quyền phê duyệt để nhà đầu tư để triển khai thi công hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án.

Sở GTVT TP cần chủ trì, phối hợp các Sở ngành có ý kiến về phương án cấp điện tạm do Công ty Đại Quang Minh trình nộp theo văn bản số 1187/2024/CV- ĐQM ngày 22-8-2024 và báo cáo UBND TP có ý kiến chỉ đạo thực hiện.

Đồng thời, Ban Giao thông kiến nghị Sở GTVT chủ trì, sớm thành lập tổ kiểm tra công tác nghiệm thu một số công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP theo chỉ đạo của UBND TP để tổ chức nghiệm thu, tiếp nhận bàn giao các tuyến đường đã thi công hoàn thành thuộc dự án.

Dự án đã đạt 88% khối lượng.

Về tiến độ thực hiện, thi công dự án, Ban điều hành dự án PPP, cho biết tiến độ thực hiện theo hợp đồng dự án là ngày 15-2-2014 đến ngày15-2-2017. Dự án chính thức khởi công ngày 15-2-2014, sau đó do vướng mặt bằng nên dự án tạm ngưng thi công từ trước tháng 2-2018.

Vào tháng 11-2023, nhà đầu tư nhận bàn giao mặt bằng tuyến R3 (đoạn từ Nhà thờ Thủ Thiêm đến hầm vượt sông Sài Gòn), Công ty Đại Quang Minh đang triển khai thi công tại phân đoạn trên. Đến nay, nhà đầu tư đã thi công hoàn thành ước đạt 88% khối lượng toàn bộ dự án.

Trao đổi với pv báo Pháp Luật TP.HCM, đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức cho biết thời gian qua đơn vị có nhiều nỗ lực trong quá trình vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án. Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đơn vị đang xin ý kiến cấp trên triển khai phương án cưỡng chế để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, đưa dự án hoàn thành phục vụ người dân.

Hồi đầu tháng 10, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM, ông Trần Thanh Phong - Phó trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức thông tin, việc xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm làm chưa xong do còn 9 mặt bằng chưa đồng ý bàn giao vì còn tranh chấp về ranh đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới