10 sự kiện định hình thế giới năm 2023

10 sự kiện định hình thế giới năm 2023

(PLO)- Thế giới năm 2023 chứng kiến hàng loạt sự kiện quan trọng, tác động sâu sắc đến tình hình chính trị, an ninh-quốc phòng và đời sống-xã hội toàn cầu.

Thế giới năm 2023 chứng kiến nhiều sự kiện lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình chính trị, an ninh-quốc phòng và đời sống-xã hội toàn cầu.

Cùng báo Pháp Luật TP.HCM nhìn lại 10 sự kiện lớn định hình thế giới năm 2023.

An ninh - Quốc phòng

Ukraine phản công và sự “mệt mỏi” của phương Tây

Hồi tháng 6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng quân đội nước này bắt đầu phản công trên mọi mặt trận. Mặc dù gây ra tổn thất đáng kể cho lực lượng đối phương, nhưng cuộc phản công của Ukraine vẫn chưa tạo ra bước ngoặt đột phá.

409760053-321827447442178-1678868280192465154-n-434.png
Binh sĩ Ukraine ở làng Klishchiivka, TP Bakhmut, tỉnh Donetsk (Ukraine). Ảnh: ANADOLU AGENCY

Trong khi đó, giới quan sát nhận thấy dấu hiệu "mệt mỏi" từ các đồng minh của Ukraine ở phương Tây với cuộc chiến. Tại Mỹ, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cứng rắn phản đối đề xuất viện trợ Ukraine của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Các nước đồng minh ở châu Âu thậm chí còn tính đến khả năng Ukraine thất bại trên chiến trường hoặc nguy cơ xung đột kéo dài thêm nhiều năm, gây tổn thất lớn về khí tài, binh lực và viện trợ.

Bùng nổ xung đột Israel-Hamas

Đêm 7-10, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, thuộc Palestine) bất ngờ tấn công miền nam Israel, khiến hơn 1.200 người thiệt mạng, 240 người bị bắt làm con tin.

Từ hôm đó, Israel thề sẽ tiêu diệt Hamas, đồng thời phát động chiến dịch tấn công trả đũa vào Dải Gaza. Theo Cơ quan Y tế Gaza, chiến dịch tấn công trên bộ và trên không của Israel đã khiến hơn 20.000 dân thường ở Gaza thiệt mạng, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

412015332-1402917890355908-1270425289698947824-n-3566-4174.png
Đoàn xe của lực lượng Israel di chuyển ở gần biên giới Israel-Gaza vào ngày 25-12. Ảnh: AP

Tình hình khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza khiến nhiều quốc gia và tổ chức lên án Israel. Tổng thống Mỹ Joe Biden ban đầu ủng hộ hành động trả đũa của Israel nhưng sau đó đã liên tục thúc giục Israel phải tránh gây thiệt hại cho dân thường.

Ngày 24-11, với nỗ lực hòa giải của Qatar, Mỹ và Ai Cập, lực lượng Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 7 ngày để trao đổi con tin. Tuy nhiên, khi thỏa thuận kết thúc, hai bên lại tiếp tục leo thang xung đột. Chưa rõ cuộc xung đột sẽ leo thang tới đâu, nhưng giới quan sát cho rằng cuộc xung đột đã khiến tình hình an ninh tại Trung Đông bất ổn hơn bao giờ hết.

Châu Phi bất ổn vì đảo chính tràn lan

Tháng 7-2023, châu Phi chứng kiến hai cuộc đảo chính quân sự tại Niger và Gabon. Các cuộc đảo chính do các sĩ quan quân đội thực hiện, với lý do bất mãn tình hình chính trị và kinh tế đất nước.

409744878-1571278450355173-5038106047357460109-n-8921-2071.png
Người dân Niger tập trung trước căn cứ quân đội Pháp ở thủ đô Niamey (Niger) ngày 15-9 để phản đối sự hiện diện của Pháp ở Niger. Ảnh: REUTERS

Theo tờ Al Jazeera, tính từ năm 2020, khu vực cận Sahara châu Phi đã chứng kiến tới 7 cuộc đảo chính. Các cuộc đảo chính gây ra bất ổn chính trị nghiêm trọng, làm sâu sắc thêm vấn đề đói nghèo, tình trạng bất bình đẳng xã hội, khiến châu Phi khó có cơ hội ổn định phát triển kinh tế, an ninh và xã hội.

Đời sống - xã hội

Động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Hôm 6-2, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter làm rung chuyển khu vực miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và vùng tây bắc Syria, khiến hơn 67.000 người thiệt mạng, hơn 50.000 công trình, gồm nhà cửa, cầu cống, đường sá bị phá hủy. Ước tính trận động đất gây thiệt hại kinh tế hơn 20 tỉ USD.

Thế giới năm 2023.png
Người dân vùng động đất chờ đợi tin tức về người thân ở một tòa nhà bị sập tại TP Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 9-2. Ảnh: CNN

Theo hãng tin Reuters, trận động đất trên được xem là một trong những thảm họa động đất mạnh nhất thế giới và là thảm họa nghiêm trọng nhất Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1993.

Tại thời điểm đó hơn 40 quốc gia, tổ chức đã khẩn cấp hỗ trợ nhu yếu phẩm, tài chính, và triển khai các đội cứu hộ, cứu nạn tới khu vực xảy ra động đất để tiến hành các hoạt động ứng cứu.

Cháy rừng như “tận thế” ở Hawaii

Đầu tháng 8, một vụ cháy rừng kinh hoàng đã xảy ra tại thị trấn Lahaina, đảo Maui (bang Hawaii, Mỹ). Ngọn lửa đã lan rộng nhanh chóng do điều kiện thời tiết hanh khô và gió mạnh, khiến hơn 110 người thiệt mạng và 1.500 người mất tích.

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) cho biết thảm họa cháy rừng đã phá hủy hơn 2.200 công trình, thiêu rụi hơn 2.100 mẫu đất. Hơn 4.500 ngôi nhà và cơ sở kinh doanh khắp Maui cũng bị hư hại, khiến hàng ngàn người dân không có nơi cư trú.

411815245-357418606902835-7668631150402393280-n-7540.png
Lửa cháy dữ dội tại thị trấn Lahaina, đảo Maui (quần đảo Hawaii, Mỹ) hôm 9-8. Ảnh: AP

Sau khi đám cháy xảy ra, người dân địa phương đã bày tỏ sự thất vọng vì các nhà chức trách đã không dùng còi báo cháy phát tín hiệu cảnh báo khi phát hiện cháy rừng bùng lên.

Giới chức địa phương lúc bấy giờ cho rằng việc còi báo động không reo là trường hợp bất khả kháng đối với họ, bởi hệ thống còi báo động được dùng để cảnh báo sóng thần chứ không phải cảnh báo cháy rừng.

Bão lũ thảm khốc tại Libya

Bão Daniel - một cơn bão Địa Trung Hải xuất phát từ khu vực Nam Âu đổ bộ Libya hôm 10-9, gây mưa lớn, lũ quét, kéo theo một trận “đại hồng thủy" san bằng TP Derna (miền bắc Libya).

412114824-335729475650606-2053982118086797621-n-5316-5577.png
Công tác tìm kiếm người mất tích vẫn đang diễn ra sau một tuần kể từ khi trận mưa lũ lịch sử quét qua thành phố Derna (Libya). Ảnh: HAMZA TURKIA

Thảm họa khiến hơn 11.000 người thiệt mạng, hơn 20.000 người mất tích, gây khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Lũ cuốn phá hủy hầu hết các công trình dân sự ở Derna, khiến hàng trăm ngàn người không có nhà ở. Ước tính thiệt hại lên tới 10 tỉ USD.

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, Libya đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Các nước đã cung cấp hàng hóa cứu trợ, nhân viên cứu hộ, và chuyên gia kỹ thuật để giúp đỡ chính phủ Libya trong công tác cứu hộ, cứu nạn, cũng như khắc phục hậu quả sau thảm họa.

COP28 diễn ra trong năm thảm họa

Được tổ chức từ ngày 30-11 đến 13-12, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) - khai mạc ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE), đặc biệt được chú ý vì diễn ra vào thời điểm then chốt - trong năm El Nino quá nhiều thảm họa, năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử loài người, trong khi đó lượng khí thải vẫn tăng.

411656132-1067927441008804-8621285590754467924-n-3864-2201.png
Diễn ra trong năm El Nino và nóng nhất kỷ lục, COP28 mang lại nhiều quyết định chiến lược được kỳ vọng bảo vệ khí hậu. Ảnh: BLOOMBERG

COP28 được xem là một bước tiến quan trọng khi thông qua một thỏa thuận lịch sử kêu gọi các nước chuyển đổi việc sử dụng năng lượng hóa thạch một cách công bằng, trật tự, hợp lý, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại COP28, các nước còn cam kết sẽ tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo, thiết lập quỹ bồi thường khí hậu trị giá hàng trăm triệu USD cho các nước dễ bị tổn thương.

Chính trị

Nhiều nốt thăng trầm trong quan hệ Mỹ-Trung

Căng thẳng Mỹ-Trung có vẻ giảm nhiệt sau khi lãnh đạo hai nước có cuộc gặp trực tiếp bên lề thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) tại Bali (Indonesia) hồi cuối năm 2022.

Tuy nhiên, quan hệ 2 nước lần nữa leo thang vào tháng 2-2023, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bất ngờ hủy chuyến thăm Bắc Kinh. Nguyên nhân do Mỹ cáo buộc TQ sử dụng khinh khí cầu để do thám, trong khi TQ bác bỏ.

411873834-342934518487180-8549391303910696665-n-8057-7912.png
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 ở Indonesia hồi tháng 11-2022. Ảnh: AP

Trong nhiều tháng sau đó, quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xấu đi khi Mỹ thông báo hạn chế TQ về thương mại và khả năng tiếp cận công nghệ cao, đồng thời tuyên bố ủng hộ Philippines trong tranh chấp ở Biển Đông và bán vũ khí cho Đài Loan.

Từ nửa cuối năm 2023, các quan chức Washington bắt đầu có những động thái nhằm giảm bớt căng thẳng với Bắc Kinh. Nổi bật là chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry.

Đến cuối tháng 10-2023, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị có chuyến thăm Mỹ, mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình vào tháng 11. Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ là một bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Trung, giúp hai nước giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề toàn cầu.

Khoa học - công nghệ

Hấp dẫn cuộc đua vũ trụ

Trong năm qua, các cường quốc công nghệ đã tích cực tham gia cuộc đua không gian.

Cụ thể, ngày 11-8, Nga phóng tàu vũ trụ Luna-25 lên Mặt Trăng, tiếp tục sứ mệnh khám phá vệ tinh tự nhiên này sau gần 50 năm, nhưng không thành công, vì tàu Luna-25 lệch quỹ đạo.

Ít ngày sau, Ấn Độ làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu thăm dò đáp xuống vùng cực nam Mặt Trăng. Hai tuần sau đó, Ấn Độ thông báo khởi động sứ mệnh nghiên cứu Mặt Trời.

411889958-826617802566194-7213619943006207014-n-6524.png
Hình ảnh mặt trăng được tàu không gian Chandrayaan-3 của Ấn Độ chụp hôm 5-8. Ảnh: REUTERS

Ngày 7-9, Nhật cũng phóng tàu thăm dò thông minh, bắt đầu sứ mệnh nghiên cứu Mặt Trăng. Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật cho biết tàu thăm dò dự kiến đáp xuống Mặt Trăng vào tháng 2-2024. Nếu kế hoạch này thành công, Nhật sẽ là nước thứ năm có tàu thăm dò trên Mặt Trăng.

Ngoài những nước trên, Trung Quốc (TQ) và Mỹ cũng rục rịch trở lại cuộc đua vũ trụ. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đặt mục tiêu đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2025. Bắc Kinh cũng thông báo đang lên kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt Trăng trong thập niên này và xây dựng một trạm nghiên cứu quốc tế trên đó.

Đột phá của trí tuệ nhân tạo

Năm 2023 được xem là một năm bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), khi nhiều nền tảng mới được ra đời, tạo ra những thay đổi sâu sắc trong mọi mặt của đời sống trên thế giới từ sản xuất, dịch vụ, đến giáo dục, y tế.

411582445-338658052265333-5836645056529163914-n-8674-2499.png
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại buổi ký sắc lệnh về AI ở Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C. (Mỹ). Ảnh: AP

Sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra nhiều lo ngại về những mặt trái có thể tác động đến con người và xã hội, đặc biệt là nguy cơ mất an ninh, lừa đảo trên mạng. Để giải quyết những lo ngại này, chính phủ nhiều nước đang thúc đẩy việc xây dựng khung pháp lý để kiểm soát AI.

Đọc thêm