COP28 có thành tựu ngay ngày khai mạc

(PLO)- Ngay ngày khai mạc, COP28 đã khởi động được quỹ bồi thường khí hậu với sự cam kết đóng góp từ nhiều nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-11, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) - hội nghị khí hậu lớn nhất hành tinh đã khai mạc ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE). Sự kiện đặc biệt được chú ý vì diễn ra vào thời điểm then chốt, trong năm El Nino quá nhiều thảm họa, năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử loài người, trong khi đó lượng khí thải vẫn tăng.

Khởi động quỹ bồi thường khí hậu ngay phiên khai mạc

Quỹ bồi thường khí hậu hỗ trợ các nước chịu “tổn thất và thiệt hại” vì biến đổi khí hậu đã được khởi động ngay trong ngày 30-11, sau một năm đàm phán cam go về cách thức hoạt động của quỹ với sự cam kết đóng góp từ nhiều quốc gia và nhiều tổ chức, theo đài CNN. Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU) cam kết góp 246 triệu USD, UAE cam kết góp 100 triệu USD, Anh cam kết góp 40 triệu USD, Mỹ cam kết góp 17,5 triệu USD, Nhật cam kết góp 10 triệu USD.

Anh-bai-chinh-P16-dang-2-12-2023-COP28.jpg
Các đại biểu mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân ở Gaza tại lễ khai mạc COP28 ở Dubai (UAE) vào ngày 30-11. Ảnh: REUTERS

Đây được xem là một thành công ban đầu trong ngày đàm phán đầu tiên, theo CNN. Ông Sultan Al Jaber, Chủ tịch COP28, Giám đốc Công ty dầu mỏ ADNOC của UAE, vui mừng rằng “hôm nay chúng tôi đã làm nên lịch sử - lần đầu tiên một quyết định được thông qua vào ngày đầu tiên của bất kỳ COP nào”.

Phần lớn các chuyên gia về khí hậu và các nhóm vận động hoan nghênh việc thành lập quỹ, song cũng nói rằng đây chỉ là bước đầu tiên trên con đường dài nhằm đảm bảo các nước bị ảnh hưởng nặng nề vì khủng hoảng khí hậu được hỗ trợ đầy đủ.

Theo CNN, Mỹ đang bị chỉ trích vì số tiền cam kết đóng góp quá ít ỏi, chưa bằng 1/5 số tiền cam kết của UAE và ít hơn 14 lần so với EU. Chuyên gia Ani Dasgupta, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Viện Tài nguyên Thế giới, gọi con số cam kết đóng góp của Mỹ và Nhật là “đáng thất vọng”.

Tuy nhiên theo ông Tom Evans, cố vấn chính sách tại tổ chức tư vấn khí hậu quốc tế E3G, phái đoàn Mỹ tới COP28 phải chịu áp lực chính trị đáng kể từ các động lực trong nước, trong khi khoản đóng góp của Mỹ phải được Quốc hội - vốn đang bị chia rẽ - thông qua.

Với quy mô gấp đôi hội nghị năm ngoái, COP28 được coi là hội nghị khí hậu lớn nhất trước nay với 97.000 người tham dự, gồm cả Vua Charles III của Anh và khoảng 180 nguyên thủ các quốc gia. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không dự. Đại diện phía Mỹ là Phó Tổng thống Kamala Harris.

Cần tư duy đàm phán khác

Theo LHQ và nước chủ nhà UAE, COP28 là sự kiện quan trọng nhất kể từ COP21 diễn ra ở Paris năm 2015 - thời điểm các nước đồng ý hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp và tốt nhất ở mức an toàn hơn là 1,5 độ C. Trọng tâm chính của COP28 sẽ là đánh giá những tiến bộ của thế giới trong việc kiềm chế sự nóng lên toàn cầu và đòi hỏi phải có phản hồi chính thức tại các cuộc đàm phán trong kỳ hội nghị này.

Ngay phiên khai mạc, nước chủ nhà UAE đã thể hiện quyết tâm phải có được các kết quả tích cực sau kỳ COP28 kéo dài hai tuần này, theo hãng tin AFP. UAE kêu gọi gần 200 quốc gia COP đồng ý loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, nỗ lực tiến nhanh hơn tới một tương lai năng lượng sạch và cắt giảm lượng khí thải sâu hơn.

Chủ tịch COP28 Jaber kêu gọi các đại biểu “áp dụng một tư duy khác” trong hai tuần đàm phán để đảm bảo vấn đề cắt giảm nhiên liệu hóa thạch phải là một phần của bất kỳ thỏa thuận nào có được sau kỳ COP28. UAE hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng hằng năm vào năm 2030.

Lời kêu gọi từ nước chủ nhà UAE đặc biệt cần thiết và rất quan trọng trong bối cảnh thế giới đang đi chệch hướng trong việc giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức đã thỏa thuận. Đầu tháng này, LHQ cho biết lượng khí thải toàn cầu phải giảm 28% để ngăn nhiệt độ tăng quá 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, còn nếu muốn duy trì trong giới hạn 1,5 độ C thì sẽ phải cắt giảm 42% khí thải toàn cầu.

Chưa biết tiến trình đàm phán tại COP28 sẽ thế nào, khi đề xuất này trước đây từng bị nhiều cường quốc trì hoãn đàm phán. EU vẫn chưa thống nhất được thời hạn chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Pháp và Đức đưa các nhà máy điện than hoạt động trở lại để bù đắp sự thiếu hụt năng lượng kể từ khi châu Âu cấm vận khí đốt từ Nga liên quan đến chiến sự ở Ukraine.

Tuy nhiên, ông Jaber lưu ý đến thực tế số lượng lớn đại diện các công ty dầu mỏ đến dự COP28 và đàm phán, cho thấy thiện chí của họ trong việc "đẩy mạnh tham gia hành trình" chống biến đổi khí hậu.•

Liên hợp quốc cảnh báo nhân loại trải qua sự sụp đổ khí hậu

Ngày 30-11, Tổng Thư ký LHQ António Guterres dẫn dữ liệu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc LHQ và cảnh báo rằng nhân loại đang trải qua sự sụp đổ khí hậu. Ông Guterres lưu ý đến việc nhiệt độ toàn cầu tăng cao khiến năm 2023 trở thành năm nóng kỷ lục, góp phần làm tan chảy các tảng băng và sông băng ở mức độ chưa từng có.

Báo cáo của WMO công bố hôm 30-11 xác nhận rằng năm 2023 là năm ấm nhất lịch sử, với nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong thập niên qua, mực nước biển tăng nhanh gấp đôi so với mức tăng trong 10 năm sau khi hồ sơ vệ tinh bắt đầu được thu thập từ năm 1993. Phạm vi băng biển ở Nam Cực trong năm nay ở mức thấp nhất được ghi nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm