Hội nghị khí hậu COP28: Chờ các quyết định chiến lược

(PLO)- Kỳ Hội nghị khí hậu COP28 đã khai mạc trong sự kỳ vọng sẽ có các quyết định chiến lược chặn đà biến đổi khí hậu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) khai mạc ngày 30-11 và kéo dài đến ngày 12-12 tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE).

COP28 là năm có số đại biểu tham dự đông nhất từ trước đến nay, với hơn 70.000 quan chức các nước, các phái đoàn cộng đồng bản địa, các lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà hoạt động khí hậu, đại diện các công ty nhiên liệu hóa thạch...

P16_Anh-bai-chinh COP28
Diễn ra trong năm El Niño và nóng nhất kỷ lục, COP28 được kỳ vọng sẽ mang lại được nhiều quyết định chiến lược để bảo vệ khí hậu. Ảnh: BLOOMBERG

COP28 sẽ bàn gì?

Năm 2023, thế giới chứng kiến hiện tượng El Niño kéo theo nhiều thiên tai như bão lũ, hạn hán, nhiệt độ liên tục phá kỷ lục. Thực tế này càng làm nổi bật vai trò COP28 với nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Sẽ có nhiều vấn đề được bàn tại COP28, theo The New York Times.

Một chủ đề được bàn đến tại COP28 là chuyện chuyển đổi “năng lượng xanh”. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ làm tăng lượng phát thải nhà kính, khiến nhiệt độ Trái đất tăng lên. Tại COP28, các nước sẽ bàn quá trình chuyển từ sử dụng năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt, than đá...), sang năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, thủy triều...).

Mục tiêu của COP28 là thúc đẩy các nước cam kết tăng sản xuất năng lượng tái tạo gấp ba lần hiện tại, tăng sử dụng nguồn năng lượng này trong các ngành công nghiệp có phát thải để giảm lượng khí thải carbon.

Vấn đề thứ hai là tính toán tăng chi tiêu cho khí hậu. Tại COP27 năm ngoái, các nước đã thống nhất tới năm 2050 sẽ đưa mức phát thải ròng thế giới bằng 0. Theo LHQ, để đạt mục tiêu này thế giới cần chi 4.000-6.000 tỉ USD/năm để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng liên quan. Thực tế, nửa đầu năm 2023 các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo chỉ ở mức 358 tỉ USD (tăng 22% so với năm 2022 nhưng vẫn còn xa con số LHQ đề ra). COP28 sẽ là nền tảng khuyến khích các nước tăng đầu tư vào các dự án khí hậu và các chương trình giảm thiểu carbon.

“COP28 là hội nghị khí hậu quan trọng nhất của LHQ trong 10 năm qua.”

Tại COP28, các nước cũng sẽ bàn việc xây dựng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phục hồi môi trường. Các việc cần làm để đạt mục tiêu này là lập nguồn quỹ viện trợ khí hậu, thúc đẩy các nước có thu nhập thấp áp dụng phương pháp sản xuất bền vững để phát triển ổn định mà không gây hại cho môi trường.

Tại COP27, các nước phát triển đã cam kết lập Quỹ Tổn thất và thiệt hại để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển và kém phát triển ứng phó những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Song mục tiêu này vẫn còn nhiều vướng mắc, như chưa làm rõ ai sẽ tài trợ cho quỹ, những quốc gia nào sẽ đủ điều kiện để tiếp cận quỹ. Tại COP28, các nước dự kiến sẽ làm rõ vấn đề trên.

“UEA - nước chủ tịch COP28 nên giữ vai trò đi đầu và khuyến khích các nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch, vì hơn ai hết UEA cần hiểu rằng đây là thời điểm để các nước cùng hành động vì tương lai thế giới” - Tổng Thư ký LHQ António Guterres nhận định.

Kỳ vọng về COP28…

Giám đốc Văn phòng khí hậu chính phủ Tây Ban Nha - bà Valvanera Maria Aparici đánh giá rằng COP28 là hội nghị khí hậu quan trọng nhất của LHQ trong 10 năm qua. Theo bà, ngoài bàn các vấn đề quan trọng trên, khả năng cao tại COP28 các nước sẽ đánh giá những thành tựu đã đạt được trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Bà Aparici hy vọng thông qua COP28 các nước sẽ kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào quá trình chuyển đổi xanh, quan tâm giúp đỡ các nước có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương trước thiên tai.

Theo ông Johan Rockstrom, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Hà Lan), COP28 là cơ hội cuối cùng để các nước đưa ra cam kết đáng tin cậy về việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính sinh ra từ quá trình sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ông Rockstrom hy vọng các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ cam kết cùng chung tay giải quyết khủng hoảng khí hậu và khôi phục môi trường.

Cơ hội thúc đẩy đàm phán giảm nhiên liệu hóa thạch

COP28 sẽ do ông Sultan Ahmed Al-Jaber chủ trì, theo tờ Le Monde (Pháp). Ông Al-Jaber là đặc phái viên về khí hậu của UAE và là giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí quốc gia Abu Dhabi.

Theo Le Monde, từ khi có thông tin COP28 được tổ chức tại UAE, nhiều người trong giới hoạt động khí hậu đã cảm thấy không thuyết phục và ra sức phản đối. Lý do UAE là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ bảy thế giới (theo thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ) và có lượng khí thải carbon là 20,3 tấn CO2/năm (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới - WB).

Giới hoạt động khí hậu cho rằng việc COP28 được tổ chức tại một quốc gia chuyên sản xuất dầu mỏ sẽ ít nhiều cản trở việc đưa ra các quyết định chiến lược, khi chủ đề năm nay là cắt giảm nhiên liệu hóa thạch. Song cũng có ý kiến cho rằng việc COP28 được tổ chức ở Dubai có thể là cơ hội để thúc đẩy đàm phán để các nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch giảm bớt sản xuất và loại tiêu thụ nhiên liệu này.

Dự cuộc họp sơ bộ trước thềm Hội nghị COP28 ở UAE hồi cuối tháng 10, Ủy viên phụ trách hành động khí hậu của EU - ông Wopke Hoekstra cảnh báo rằng khả năng cao sẽ có nhiều khó khăn trong đàm phán khí hậu ở COP28, đặc biệt là về cắt giảm nhiên liệu hóa thạch - chủ đề chính của COP28, theo trang EFE Comunica.

Ông Hoekstra lưu ý đến việc trước đây EU vô cùng đồng lòng trong quan điểm chống biến đổi khí hậu, tuy nhiên gần đây các nước trong khối có nhiều tranh cãi liên quan việc chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Nhiều thành viên EU như Cộng hòa Czech, Hungary, Ý, Malta, Ba Lan và Slovakia đã phản đối việc cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các nước này cho rằng vẫn có thể giảm phát thải nhà kính trong khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch nếu họ áp dụng các công nghệ tiên tiến giúp hạn chế phát thải.

“Chỉ riêng tại EU, các nước đã “chia năm xẻ bảy” thì với quy mô lớn như COP28, việc đạt được mục tiêu chung trong cắt giảm nhiên liệu hóa thạch có khả năng sẽ còn khó hơn” - ông Hoekstra lo ngại.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm