Ngày 30-11, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) đã khai mạc tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE). Ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị, các nước đã thống nhất khởi động quỹ bồi thường khí hậu cho những quốc gia bị tổn thương.
Theo đài CNA, tại ngày đầu của hội nghị, nhiều quốc gia và tổ chức đã cam kết sẽ đóng góp vào quỹ. Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ góp 246 triệu USD, UAE, Đức sẽ góp 100 triệu USD, Anh sẽ góp 40 triệu USD, Mỹ sẽ góp 17,5 triệu USD và Nhật sẽ góp 10 triệu USD.
Quỹ dự kiến ra mắt vào năm 2024 và sẽ được Ngân hàng Thế giới (WB) quản lý tạm thời trong 4 năm tới.
“Hôm nay, chúng ta đã làm nên lịch sử. Lần đầu tiên hội nghị COP thông qua một quyết định quan trọng trong ngày đầu tiên. Đây là điều duy nhất, phi thường và mang tính lịch sử. Đây là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể làm được. COP28 có thể và sẽ làm được” – ông Sultan Al Jaber, Chủ tịch COP28, nói.
Theo CNN, đây là một tín hiệu tốt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ quan ngại về khoản đóng góp không cân xứng của một số nước. Ngoài ra, các cam kết hiện tại thấy con đường đi đến mục tiêu các nước giàu cung cấp khoản hỗ trợ 100 tỉ USD chống biến đổi khí hậu là còn khá xa.
Vui mừng và quan ngại
Ông Ani Dasgupta – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viện Tài nguyên Thế giới (Mỹ) cho rằng: “Quỹ bồi thường khí hậu sẽ là cứu cánh cho người dân trong thời khắc đen tối nhất của họ, giúp các gia đình xây dựng lại nhà cửa sau thảm họa, hỗ trợ nông dân khi mùa màng của họ bị xóa sổ và tái định cư cho những người bị nước biển dâng ảnh hưởng. Kết quả này là rất khó khăn nhưng là một bước tiến rõ ràng”.
Ông Simon Stiell – Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu – nhận định: “Tin tức về quỹ bồi thường khí hậu hôm nay đã thúc đẩy hội nghị về khí hậu của LHQ diễn ra tốt đẹp. Tất cả chính phủ và nhà đàm phán phải tận dụng động lực này để mang lại những kết quả đầy tham vọng tại Dubai”.
Tuy nhiên, ông Stiell cảnh báo rằng thế giới đang thực hiện “những bước đi nhỏ” trước một cuộc khủng hoảng khí hậu đáng sợ.
“Chúng ta đang thực hiện những bước đi nhỏ và bước quá chậm trước những tác động phức tạp của khí hậu” – ông Stiell nói.
Trên X (tên gọi mới của Twitter), Tổng thư ký LHQ António Guterres cũng hoan nghênh việc khởi động quỹ bồi thường khí hậu. Ông gọi đây là công cụ thiết yếu để mang lại công bằng về khí hậu. Ông Guterres cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo hỗ trợ quỹ bồi thường khí hậu và giúp COP28 diễn ra thành công.
Trong khi đó, một số người bày tỏ quan ngại về việc một số nước phát triển như Mỹ, Nhật đóng góp ít cho quỹ bồi thường khí hậu.
Theo CNN, số tiền Mỹ cam kết đóng góp cho quỹ chưa bằng 1/5 số tiền UAE cam kết đóng góp và chưa bằng 1/14 số tiền cam kết đóng góp từ EU.
Ông Dasgupta gọi khoản đóng góp của Mỹ và Nhật là “đáng thất vọng”. “Với quy mô nền kinh tế của họ, họ không có lý do để đóng góp ít hơn các nước khác” – ông Dasgupta nói.
Ông Mohamed Adow - giám đốc tổ chức khí hậu Power Shift Africa, cho rằng sự đóng góp của Mỹ là quá nhỏ. “Những cam kết tài trợ ban đầu rõ ràng là không đủ. Nó như một giọt nước trong đại dương" - ông Adow nói.
Ông Tom Evans - cố vấn chính sách tại tổ chức tư vấn khí hậu quốc tế E3G - lưu ý rằng vấn đề chính trị trong nước khiến Mỹ gặp khó trong việc đưa ra khoản tài trợ. Ông Evans cho biết các khoản đóng góp của Mỹ phải được Quốc hội nước này chấp thuận.
Mục tiêu quỹ hỗ trợ 100 tỉ USD còn xa
Các quốc gia đang phát triển cho rằng các nước giàu cần cung cấp khoản hỗ trợ 100 tỉ USD để giúp các nước đang phát triển khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, với những cam kết đóng góp hiện tại, con đường đi đến mục tiêu nói trên còn khá xa.
“Tiến bộ mà chúng ta đạt được trong việc thành lập quỹ bồi thường khí hậu là vô cùng quan trọng, nhưng một quỹ trống rỗng không thể giúp ích gì cho người dân của chúng tôi” – bà Madeleine Diouf Sarr, chủ tịch Nhóm 46 quốc gia kém phát triển nhất – nói.
Trong khi đó, Liên minh Các quốc đảo nhỏ cho rằng “công việc này còn lâu mới kết thúc".
“Chúng tôi không thể nghỉ ngơi cho đến khi quỹ này được tài trợ đầy đủ và bắt đầu giúp ích cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Thành công chỉ xảy ra khi cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ đúng cách cho các nạn nhân của cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra” – tuyên bố của Liên minh Các quốc đảo nhỏ cho hay.
Trong khi đó, bà Rachel Cleetus - giám đốc chính sách của chương trình khí hậu và năng lượng tại tổ chức vận động Liên minh Các nhà khoa học có cùng mối quan tâm - cho biết các cam kết tài chính phải là "hàng tỉ USD chứ không phải hàng triệu USD".
“Đóng góp theo hàng triệu USD sẽ là một sự xúc phạm đối với những gì đang xảy ra trên khắp thế giới. Điều chúng tôi muốn nghe là khoản đóng góp hàng tỉ USD và kế hoạch mở rộng quy mô đóng góp đến năm 2030” – bà Cleetus nói.
Về phía các nước phát triển, các nước này cho rằng các khoản đóng góp phải trên cơ sở tự nguyện. Một số nước phát triển nhấn mạnh các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Saudi Arabia cũng nên nhanh chóng đóng góp vào quỹ này.
Ông Richard Sherman – thành viên phái đoàn Nam Phi tại Hội nghị COP28 – thừa nhận rằng "kết quả có thể không làm hài lòng tất cả mọi người”. “Chúng tôi biết rằng một số người đã hét vào mặt chúng tôi” – ông Sherman nói.