Ngành GTVT TP.HCM công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2023
1. Đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Ngày 18-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng với Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Lãnh đạo các bộ ngành đã có chuyến khảo sát vị trí Quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo TP.HCM và các bộ ngành khẩn trương rà soát điều chỉnh quy hoạch và đẩy nhanh thủ tục xúc tiến đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cùng với hệ thống hạ tầng đồng bộ, đảm bảo phát triển hiện đại, bền vững.
Dự kiến, vị trí Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Đây sẽ là trung tâm trung chuyển hàng hóa (container) quốc tế của TP.HCM và khu vực; thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Công suất dự kiến đến 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến 2047 đạt 16,9 triệu Teu. Về khai thác tàu vận tải container: Tàu có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 T (356 Teu).
Thủ tướng Chính phủ thị sát tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), nút giao thông An Phú
Ngày 15 -4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Lãnh đạo các bộ ngành đã có chuyến kiểm tra thực địa công trình xây dựng nút giao An Phú và đi trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình đưa vào khai thác.
2. Tham mưu trình cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách và nhiệm vụ quan trọng liên quan chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải TP
Trong năm 2023, Sở GTVT TP đã tham mưu cấp thẩm quyền xem xét ban hành các cơ chế, chính sách và nhiệm vụ quan trọng liên quan chiến lược phát triển ngành.
Cụ thể như: Thông qua danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT theo cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 năm 2023; Ban hành Chỉ thị của Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Ban hành Kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển TP.HCM; Ban hành Kế hoạch về xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,…
3. Khởi công xây dựng công trình đường vành đai 3 TP.HCM và các công trình giao thông trọng điểm
Ngày 18-6,Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Lãnh đạo các bộ ngành đã phát lệnh khởi công, chính thức triển khai thi công, xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM. Đây là dự án quy mô lớn nhất từ trước đến nay của cả Vùng, có ý nghĩa rất quan trọng, có sức lan tỏa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM nói riêng và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Thời gian từ lúc chuẩn bị hồ sơ, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tổ chức khảo sát thiết kế, phê duyệt thiết kế, tổ chức giải phóng mặt bằng đến khi khởi công xây dựng công trình trong vòng 1 năm là một kỷ lục của ngành giao thông vận tải TP.
Đã khởi công và triển khai thực hiện 12 công trình giao thông trọng điểm trong Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Thành phố giai đoạn 2021-2030 như: Quốc lộ 50, Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, Quận Tân Bình - Hạng mục hầm chui nút giao đường Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện; Mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, Quận Bình Tân,…
4. Hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông, kịp thời giải quyết ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế xã hội
Đã hoàn thành đưa vào sử dụng 19 dự án, hạng mục công trình, như: đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Đỗ Xuân Hợp); Nâng cấp, cải tạo đường và kênh nước đen (đọan từ giáp cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương); nâng cấp và mở rộng đường Lê Văn Chí, thành phố Thủ Đức; đường Bình Đăng (đoạn từ hẻm 189 đường Bùi Minh Trực đến UBND phường 6);
Nâng cấp mở rộng đường Lê Cơ, phường An Lạc, quận Bình Tân; Cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long; cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè; xây dựng cầu Vàm Sát 2, huyện Cần Giờ; cầu Hang Ngoài, quận Gò Vấp, cầu Rạch Kè, cầu Rạch Kinh, cầu Chuối Nước, huyện Củ Chi, cầu Long Đại TP Thủ Đức, …
5. Lập đề xuất đầu tư và trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư các dự án giao thông quan trọng
Triển khai Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2030 đã được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 4833/QĐ-UBND năm 2020.
Trong năm 2023 ngành giao thông vận tải TP đã tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 41 dự án trọng điểm như: xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng); Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái; Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định; Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; đường Dương Quảng Hàm, nút giao thông Mỹ Thủy…
Các dự án khép kín Vành đai 2 đã được HĐND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư.
6. Tăng cường hợp tác phát triển giao thông kết nối vùng và đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng chuyên môn
Sở GTVT TP chủ trì tham mưu công tác phối hợp với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ về đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, như: vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; các tuyến đường thủy;
Bổ sung quy hoạch và ký kết kế hoạch triển khai nhiều dự án giao thông kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu,...
Ký kết thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học kinh tế luật để tổ chức phối hợp nghiên cứu các cơ chế chính sách, các hội thảo khoa học, mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề trong các lĩnh vực chuyên ngành như vật liệu mới, giao thông thông minh, chuyển đổi số...
7. Tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giảm sâu cả 3 tiêu chí
Năm 2023, được sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo TP, sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị, cùng với việc Công an TP tổ chức có hiệu quả công tác kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm giao thông; công tác bảo trì, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và công tác điều hành tổ chức giao thông gắn với ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí so với với năm 2022 (số vụ giảm 19,2%; số người chết giảm 14,9% và số người bị thương giảm 20,5%).
8. Thu vượt chỉ tiêu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển
Sở GTVT TP đã chỉ đạo Cảng vụ đường thủy nội địa (đơn vị thuộc Sở GTVT TP được giao nhiệm vụ thu phí) phối hợp tốt với các đơn vị của Hải Quan TP, các doanh nghiệp quản lý cảng, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu… tổ chức thực hiện thu vượt chỉ tiêu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển.
Số phí thu được trong năm 2023 là 2.036 tỉ đồng, đạt 102% so với kế hoạch được giao năm 2023. Lũy kế đã thu được từ ngày 1-4- 2022 đến cuối năm 2023 là 3.898 tỉ đồng.
9. Ban hành Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP
Sở GTVT TP đã chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, địa phương tham mưu xây dựng và trình ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU năm 2023 của Thành ủy TP.HCM về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP, Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND năm 2023 của UBND TP.HCM ban hành Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP và Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 19 tháng 9 năm 2023 của HĐND TP về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè phù hợp với đặc thù đô thị và thực tiễn của TP.HCM.
10. Đột phá trong việc ứng dụng để đẩy mạnh dịch vụ hành chính công và chuyển đổi số
Trong năm 2023, Sở GTVT TP đã triển khai tái cấu trúc, xây dựng 137 quy trình điện tử về cung ứng dịch vụ hành chính công đã được UBND TP phê duyệt quy trình nội bộ.
100% thủ tục hành chính của Sở GTVT TP đều được tiếp nhận và số hóa thành phần hồ sơ, lưu trữ trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT hoặc hệ thống dịch vụ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP.
Đặc biệt trong năm đã triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình thủ tục cấp phép thi công trên đường bộ đang khai thác và thủ tục cấp đổi Giấy phép lái xe (số lượng đổi trực tuyến toàn trình là 10.990 hồ sơ, cao thứ 2 trong toàn ngành giao thông).
Triển khai xử phạt vi phạm hành chính các phương tiện vận tải quá tải trọng thông qua thiết bị cân tự động đối với cá nhân, tổ chức vận tải hàng hóa bằng ô tô khi xe, người lái xe, chủ xe rời khỏi hiện trường (đây là hình thức xử phạt nguội, lần đầu áp dụng trên cả nước);
Ứng dụng công nghệ BIM – GIS, 3D để khảo sát thu thập dữ liệu hiện trạng và dựng mô phỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy với chiều dài trên 500 km,…