1000 bản án gửi lên xét kháng nghị thì 318 hết thời hạn
Theo báo cáo của Viện Hình sự VKSND Cấp cao tại TP.HCM tại hội nghị triển khai công tác năm 2021, khó khăn hiện nay là về công tác phối hợp gửi bản án, quyết định sơ thẩm giữa VKS địa phương với VKS Cấp cao thời gian qua còn nhiều hạn chế.
Nhiều bản án gửi về Viện Cấp cao khi nhận được thì đã hết thời hạn xem xét kháng nghị phúc thẩm. Cụ thể, Viện tiếp nhận hơn 1.000 bản án, quyết định sơ thẩm, trong đó đã hết thời hạn xem xét kháng nghị phúc thẩm tới 318 bản án, chiếm tỉ lệ 28%.
Kháng nghị phúc thẩm bị TAND Cấp cao không chấp nhận còn cao. Nguyên nhân, về tố tụng hình sự, căn cứ để kháng nghị phúc thẩm không được quy định trong BLTTHS.
Từ đó dẫn đến chưa có sự thống nhất giữa toà và viện trong việc nhận xét đánh giá vi phạm của toà sơ thẩm. Toà án cấp phúc thẩm cho rằng vi phạm của bản án sơ thẩm có mức độ nên không chấp nhận kháng nghị.
Theo VKSND Cấp cao tại TP.HCM, có những trường hợp kháng nghị có căn cứ vẫn bị bác. Ảnh: VKSNDCC
Theo Viện Hình sự VKSND Cấp cao tại TP.HCM, tiêu chí đánh giá chất lượng kháng nghị là lấy toà án cấp phúc thẩm chấp nhận hay bác kháng nghị để làm căn cứ đánh giá là thiếu khách quan, chưa chính xác, chưa khuyến khích được việc kháng nghị và sợ không đạt chỉ tiêu.
Một nguyên nhân khác nữa, do án sơ thẩm bị huỷ, bị sửa sẽ gắn với chỉ tiêu thi đua và xem xét việc tái bổ nhiệm thẩm phán nên dẫn đến tình trạng chung là toà án phúc thẩm thường bảo vệ toà án cấp sơ thẩm. Có những trường hợp kháng nghị có căn cứ vẫn bị bác kháng nghị.
Theo Điều 262 BLTTHS, việc giao gửi bản án thì toà án sơ thẩm phải gửi bản án cho VKS cấp trên trực tiếp nhưng thời gian qua, toà địa phương thực hiện không đầy đủ và VKS có ban hành kiến nghị nhưng không có hiệu quả.
Về kháng nghị án hình sự, đã có nhiều địa phương thực hiện tốt như TP.HCM, Bạc Liêu. Tuy nhiên, có nhiều kháng nghị phúc thẩm của VKS các tỉnh thành đã bị VKS Cấp cao rút kháng nghị và TAND Cấp cao xử bác kháng nghị vì không có căn cứ vững chắc hoặc kháng nghị không đúng như Bình Dương, Đăk Nông, Đồng Nai.
Một số VKS tỉnh, thành phố chưa thực hiện tốt công tác kháng nghị phúc thẩm nên không phát hiện được vi phạm của bản án sơ thẩm. Các bản án này đã bị Viện Cấp cao nghiên cứu kháng nghị phúc thẩm và toà cấp cao tuyên sửa án, điển hình như Cà Mau, Tiền Giang, Bình Dương.
Địa phương chưa quan tâm đến kháng nghị phúc thẩm trong năm không ban hành kháng nghị nào: An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Quang Dũng lưu ý VKSND Cấp cao tại TP.HCM phải tăng cường hiệu quả công tác phối hợp trong ngành. Đặc biệt, cần chú trọng mối quan hệ với Cơ quan điều tra VKSND Tối cao trong việc phát hiện, khởi tố các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp.
Ngoài ra, ông Dũng còn yêu cầu VKSND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và xét xử các vụ án hình sự, thực hiện hiệu quả các giải pháp chống oan sai bỏ lọt tội phạm.
Kháng nghị tội lừa đảo và giết người chiếm tỉ lệ cao
Trong năm 2020, Viện Hình sự đã tham mưu cho lãnh đạo Viện Cấp cao ban hành 43 kháng nghị phúc thẩm, tăng 30 vụ so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt loại tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội giết người bị kháng nghị phúc thẩm chiếm tỉ lệ cao.
Cụ thể, trong tổng số 43 vụ án bị kháng nghị phúc thẩm có 16 vụ án các bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa án sơ thẩm tám vụ và huỷ án sơ thẩm để điều tra lại (bỏ lọt tội phạm, điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ). Có 10 vụ án các bị cáo phạm tội giết người bị kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm tám vụ và huỷ bản án sơ thẩm hai vụ để điều tra lại.