1.000 CEO Việt bàn về đổi mới sáng tạo phát triển bền vững

(PLO)- Diễn đàn giúp doanh nghiệp nắm bắt thời cơ, cải thiện năng lực sẵn sàng đổi mới sáng tạo một cách cụ thể, thông minh và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-8, Hội doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức diễn đàn CEO Forum 2023 lần thứ 11 với chủ đề “Innovation-Chuyến tàu đến tương lai làm sao tìm được vé”.

Diễn đàn quy tụ hơn 1.000 CEO và nhà quản lý cấp cao trên cả nước cùng thảo luận về sự thay đổi của dòng chảy khoa học công nghệ trong nước và toàn cầu. Từ đó, giúp doanh nghiệp (DN) Việt nắm bắt thời cơ, cải thiện năng lực sẵn sàng bước lên chuyến tàu đổi mới sáng tạo (ĐMST) một cách cụ thể, thông minh, bền vững.

Chia sẻ lý do vì sao phải ĐMST, Việt Nam đang ở đâu trong ĐMST so với bức tranh toàn cầu và khu vực, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, theo Công ty nghiên cứu thị trường KPMG khảo sát 1.000 CEO toàn cầu đánh giá ĐMST đóng góp 30% doanh thu của DN.

CEO các nước Châu Á đánh giá ĐMST đóng góp 20% doanh thu của DN.

Thị trường Việt Nam có 17 CEO được khảo sát/ 1.000 CEO toàn cầu, đánh giá tỉ lệ ĐMST đóng góp vào doanh thu của DN dưới 10%.

Bên cạnh đó, khảo sát Tập đoàn IBM với đối tác trên trên toàn cầu có 59% DN cho biết ĐMST tạo ra doanh thu lợi nhuận cao hơn, 41% DN chưa thấy được điều này, 63% CEO khuyến khích ĐMST tại DN

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó chủ tịch YBA đặt câu hỏi, nếu ĐMST mang đến lợi nhuận, doanh thu nhưng tại sao ít DN Việt áp dụng.

Một công ty sản xuất mì nói: “Chúng tôi cho rằng sáng tạo đổi mới là “đốt tiền” bởi năm năm nay từ khi “cắt” chi phí sáng tạo công ty mới có lợi nhuận. Có thể thấy 80% DN vừa và nhỏ hiện nay đề cập tới sáng tạo đều không có lời. Nếu DN sáng tạo được sẽ mất rất nhiều tiền”.

Theo ông Đức, ĐMST nói dễ nhưng làm không đơn giản, cái chính là DN nhìn ĐMST không chuyên nghiệp nên lãng phí khi dồn lực thực hiện. Hơn nữa, nhiều DN Việt đã ĐMST nhưng còn manh mún... DN cần hệ thống hóa, đi đúng hướng.

Các doanh nghiệp chia sẻ tại diễn đàn CEO Forum 2023. ẢNH: TÚ UYÊN

Các doanh nghiệp chia sẻ tại diễn đàn CEO Forum 2023. ẢNH: TÚ UYÊN

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, người nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có thể mua vé lên tàu ĐSMT bởi dựa vào thế và lực của nền nông nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, giá lúa ĐBSCL từ 5.000 đồng/kg đến nay tăng lên 8.500 đồng/kg, người nông dân từ thu nhập 10 triệu đồng/hecta nay lên 30 triệu đồng, nói cách khác lợi nhuận từ 50% lên 300%, đây là thế.

Về lực, người dân ĐBSCL có lực về kiến thức, kinh nghiệm, tư liệu sản xuất và quan trọng có khả năng quyết định giá bán của mình.

“Tuy nhiên, ĐMST là nhu cầu tự thân, không thể nói không ĐMST. Kể cả người nông dân hôm nay trồng cây lúa ra 212 hạt, ngày mai làm sao lúa ra 215 hạt. Sau đó, làm sao bất kỳ bao gạo nào của Việt Nam tại Châu Âu có thể truy xuất tới cả vùng nguyên liệu…Nếu không ĐMST là chết chứ chưa nói đến việc cắt chi phí sáng tạo”-ông Thuận nói.

Bên cạnh đó, hiện nông dân ĐBSCL sáng tạo nhất trong thế giới trồng lúa, được đánh giá đẳng cấp nhất thế giới về năng suất, sản lượng.

"Hiện nay người trồng lúa ở ĐBSCL không cần bước chân xuống ruộng, được thanh toán không cần tiền mặt… Đó là nhờ liên tục ĐMST và theo xu thế, người nông dân bắt buộc đổi mới, cải tiến liên tục"-ông Thuận nói.

Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch YBA, Phó chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC cho biết, nói đến ĐMST ai cũng nghĩ phải mới nhưng trong bối cảnh hiện nay ĐMST cũng có thể lỗi thời, bị đào thải nhanh chóng.

Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…đặc biệt kinh tế xanh đang trở thành xu thế, trên thế giới thúc đẩy mạnh mẽ. Từ đó, DN sẽ thấy cuộc chơi xanh và tiến tới cả hội nhập xanh. Do đó, ĐMST là con đường duy nhất để DN hội nhập phát triển trong tương lai.

“Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98 trong đó có hỗ trợ cho DN ĐMST. Như vậy, chúng ta có thêm nguồn lực hỗ trợ, là nền tảng giúp cho ĐMST phát triển”-ông Trường nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm