Hơn 10 năm thành lập, Vascara đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí giới nữ văn phòng về một thương hiệu thời trang có sức sáng tạo, bám sát xu hướng thế giới và đưa ra những sản phẩm độc đáo tôn vinh phái đẹp.
Giờ đây, bắt tay với nhà đầu tư tên tuổi trong làng thời trang Nhật Bản là Công ty Stripe International, bà Lê Cảnh Bích Hạnh, Giám đốc điều hành Global Fashion - đơn vị sở hữu thương hiệu Vascara, kỳ vọng tăng tốc mạnh trên thị trường Việt Nam. Bà cũng đặt cột mốc chinh phục thị trường quốc tế.
Bắt tay ông lớn Nhật Bản
. Phóng viên:Vascara đã không còn đơn thân độc mã chinh chiến trên thị trường trong nhiều năm qua, mà đã có nhà đầu tư chiến lược, vậy đã có những chuyển động mới nào từ câu chuyện hợp tác này?
+ Bà Lê Cảnh Bích Hạnh: Khoảng thời gian hợp tác cũng mới hơn ba tháng nên sự chuyển dịch rõ nét là chưa có nhiều. Tuy nhiên, với Vascara, chúng tôi đã muốn thay đổi các chiến lược gần một năm nên việc gặp được đối tác chiến lược phù hợp, cùng chung mục tiêu của mình thì mọi thứ trong thời gian tới sẽ diễn ra một cách mạnh mẽ và nhanh hơn.
Đó là Vascara tiếp tục mở rộng kinh doanh theo hướng thời trang hơn, đầu tư mạnh cho công nghệ và thương mại điện tử để phục vụ nhiều khách hàng hơn. Chúng tôi cũng chính thức thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu với các mô hình cửa hàng mới.
Trong thời gian đầu đồng hành cùng Stripe, Vascara cũng đã nhận được nhiều giá trị. Ví dụ, trước đây xây dựng một cửa hàng mất một tháng, nhanh nhất cũng là 25 ngày, không thể làm nhanh hơn và cách sắp đặt mọi thứ trong cửa hàng cũng không khoa học lắm. Nay với sự hỗ trợ kiến thức, công nghệ từ, cách thiết kế cửa hàng từ Công ty Stripe International, chúng tôi hoàn thiện chỉ trong vòng 10-15 ngày.
Đặc biệt với nhà đầu tư Nhật, vốn làm trong ngành thời trang nên họ chỉ nhìn là hiểu ngay, không phải giải thích nhiều. Do đó hai bên làm việc rất ăn ý.
. Đứng ở vai trò là người điều hành, bà nhìn thấy thương hiệu Vascara đang có những lợi thế và bất lợi ra sao trên thị trường?
+ Từ trước đến giờ Vascara không xem ai là đối thủ cạnh tranh, còn ai đang xem mình là đối thủ thì không biết. Thực tế, chúng tôi đang sở hữu một lượng khách hàng trung thành là những phụ nữ thuộc giới công sở, văn phòng nên họ hiểu giá trị và thời trang ra sao. Nếu mỗi nhãn hàng đều có dấu ấn riêng thì dấu ấn một đôi giày của chúng tôi phải đi êm chân, vừa đủ thời trang nhưng phải có mức giá vừa phải. Do đó trong nội bộ, mình luôn xem mình là đối thủ để vượt qua.
. Bà có vẻ khá là tự tin nhưng các thương hiệu ngoại như Zara, H&M hay Uniqlo mới vào Việt Nam có thể làm tương tự?
+ Những đại gia đó khá chú trọng về quần áo, còn giày dép hay phụ kiện không có nhiều. Thực ra ai cũng có định vị chiến lược riêng. Như Zara hay H&M có các tiêu chuẩn mở cửa hàng nên họ thường tập trung mở cửa hàng tại các TP lớn. Trong khi đó, chúng tôi lớn hơn về độ phủ. Chẳng hạn, chúng tôi vươn đến các TP loại II mà thương hiệu quốc tế sẽ không về nơi đó nên dư địa thị trường còn rất nhiều.
Bà Lê Cảnh Bích Hạnh: “Điều duy nhất tôi suy nghĩ là làm sao thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình”. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Tất nhiên, đối diện với các đối thủ lớn trong ngành khiến nhiều người thất bại. Do vậy mình phải cố gắng sống còn dựa trên một tầm nhìn là làm thế nào để công ty lớn mạnh lên, liên tục đổi mới, nếu không thể phát triển thì đồng nghĩa với sự chấm dứt.
Đầu tư công nghệ dự đoán thị trường
. Khi đầu tư vào bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) đòi hỏi chi phí lớn nhưng đổi lại nắm bắt nhu cầu khách hàng tốt hơn, vậy có khi nào bà gặp thất bại?
+ Thất bại hoài đó chứ. Như mỗi tháng nhóm nghiên cứu và phát triển tung ra 30-40 mẫu sản phẩm. Có những mẫu sản phẩm rất thành công nhưng cũng có mẫu không được đón nhận như mong đợi.
Rất nhiều hãng cũng gặp các thách thức này nhưng chúng tôi tự tin giải quyết tốt vấn đề dự đoán thị trường. Mà một trong những cách đó là sử dụng công nghệ, như phân tích dữ liệu lớn để kiểm soát. Nhờ đó giúp chúng tôi dự đoán chính xác khoảng 80%.
. Tham vọng của công ty bà là xuất khẩu đi nước ngoài trong khi thương hiệu thời trang Việt lại gần như là con số 0?
+ Nếu xuất khẩu dưới thương hiệu Vascara rõ ràng là tốt nhất nhưng nếu xuất khẩu theo con đường gia công cũng không là vấn đề. Vì chúng tôi vốn là công ty sở hữu thiết kế, sản xuất lẫn thương mại nên mảng nào kiếm tiền được là làm thôi. Bên cạnh đó, nếu gia công đáp ứng được các tiêu chuẩn cho thị trường khó tính thì cũng mang lại nhiều giá trị.
. Khi nhà đầu tư Nhật đang có chân trong công ty có làm bà lo lắng?
+ Hiện nhà đầu tư Nhật chưa tham gia sâu vào vận hành Vascara, họ chỉ kiểm soát phần kế toán kiểm toán. Mọi việc vận hành, thực hiện chiến lược do đội ngũ Việt Nam thực hiện.
. Xin cám ơn bà.
Vun đắp sở thích để cân bằng cuộc sống . Ở cương vị CEO khi quá trẻ, bà có cảm thấy bất lợi gì không? + Nhiều khi đối tác thấy mình trẻ lại cứ tưởng là trợ lý và hỏi sếp của em khi nào đến. Đó thường là những người gặp mình lúc đầu nên họ chưa biết. Nhưng khi đã vào công việc thì vấn đề không phải trẻ mà là các quyết định điều hành đều dựa trên kinh nghiệm, kiến thức, khả năng phân tích báo cáo và có một đội ngũ hỗ trợ tốt.
. Công việc nhiều và không hề đơn giản với một người trẻ, vậy bà làm cách nào cân bằng cuộc sống? + Để cân bằng được cuộc sống thì phải có sở thích. Nhiều khi đi làm về vui thì không nói gì nhưng có bữa tâm trạng không tốt hoặc nhiều áp lực, nếu không có sở thích thì không thể thoát ra được tâm trạng đó. Do vậy mình nghĩ cần phải vun đắp nhiều cho sở thích của mình. Mình có nhiều sở thích lắm nên cuộc sống cân bằng nhanh, như đi du lịch, ẩm thực hay sưu tầm những đồ kỷ niệm. |
Xuất hiện tại các sàn diễn lớn Mới đây, Công ty TNHH MTV Global Fashion với thương hiệu Vascara đã chính thức sáp nhập Công ty bán lẻ thời trang Stripe International của Nhật Bản. Thành lập năm 2007, hiện Vascara có 134 cửa hàng, phân bố trên toàn quốc, phục vụ hơn 1,5 triệu lượt khách hàng mua sắm trong năm 2018. Đây cũng là thương hiệu xuất hiện tại các sàn diễn như New York Fashion Week, Viet Nam International Fashion Week. Trong khi Stripe Internaltional hiện sở hữu 20 thương hiệu với tổng số hơn 1.400 cửa hàng. |