Sáng ngày 4-5, tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Viện Kỹ sư Malaysia và Hội Điện Lực TP.HCM đã tổ chức lễ vinh danh và trao chứng chỉ kỹ sư ASEAN.
123 kỹ sư ngành điện được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Tổng số kỹ sư ASEAN được trao chứng nhận lần này là 123 kỹ sư, đến từ Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Điện lực Miền Trung,...
Đến nay, trên cả nước có 552 kỹ sư điện được vinh danh là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, riêng EVNHCMC có 212 kỹ sư. Trong đó, sáng ngày 4-5, EVNHCMC có 64 kỹ sư được vinh danh.
Một trong những kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN được vinh danh. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Tại buổi lễ, ông Phạm Quốc Bảo - Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNHCMC cho biết Tổng công ty Điện lực TP.HCM rất vinh dự khi là đơn vị tổ chức Lễ vinh danh và trao chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN cho các kỹ sư khu vực miền Trung và Miền Nam được công nhận năm 2021 và năm 2022.
Ông Phạm Quốc Bảo cho biết, để được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, các kỹ sư đã phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Ủy ban Đăng bạ kỹ sư ASEAN.
"Việc hoàn thành đăng bạ kỹ sư ASEAN là cơ hội cho các kỹ sư được thừa nhận trên trường quốc tế và tạo ra môi trường rộng mở để chia sẻ kiến thức, chuyên môn và công nghệ và cơ hội cho các kỹ sư nghiên cứu và phát triển"
Ông PHẠM QUỐC BẢO, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC
Chính vì vậy, từ năm 2017, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo tiêu chí kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN đã trở thành một trong các công việc rất quan trọng cần phải làm của EVNHCMC nói riêng và của ngành điện nói chung.
Nhiều nữ kỹ sư ngành điện cũng đã nỗ lực rất nhiều về chuyên môn, kỹ năng để trở thành kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Theo ông Bảo, trong các năm qua, lực lượng kỹ sư ASEAN tại EVNHCMC đã đóng góp rất quan trọng trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng và sáng kiến để nâng cao hiệu quả làm việc, áp dụng khoa học kỹ thuật mới để xây dựng doanh nghiệp số.
"Tôi chúc các kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò và tài năng của mình để phát triển ngày càng chuyên nghiệp, đóng góp hiệu quả nhiều hơn nữa cho sự phát triển của các đơn vị trong ngành điện. Đồng thời, các kỹ sư sẽ đóng góp cho sự phát triển của ngành điện Việt Nam và cộng đồng kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN ngày càng lớn mạnh" - ông Phạm Quốc Bảo nói.
TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng cho biết, danh hiệu kỹ sư chuyên nghiệp ở bất kỳ quốc gia nào đều được coi trọng, đặc biệt là ở các quốc gia có trình độ phát triển công nghiệp cao.
Việc tiến tới thừa nhận lẫn nhau trong khu vực ASEAN về tiêu chuẩn kỹ thuật và dịch vụ kỹ thuật đã được chính phủ các nước ASEAN quyết định từ năm 2005, bằng việc ký thỏa thuận và thành lập ủy ban giám sát thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kỹ thuật (viết tắt là MC). Trong suốt tiến trình đó, Liên đoàn AFEO đã đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy công nhận lẫn nhau về trình độ, tiêu chuẩn của lao động kỹ thuật khu vực ASEAN.
Đối với cá nhân mỗi kỹ sư đạt được danh hiệu kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN là một dấu ấn trong tiến trình phát triển sự nghiệp, tiếp tục hoàn thiện bản thân và hướng đến những danh hiệu kỹ sư chuyên nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hoặc kỹ sư quốc tế.
Ông Yau Chau Fong, Trưởng Ban đăng bạ kỹ sư ASEAN cho biết, các kỹ sư ASEAN có thể di chuyển và làm việc ở trong khu vực ASEAN và có cơ hội mở rộng kiến thức và hướng dẫn các kỹ sư khác.