13 tàu chiến Mỹ sống lại sau trận Trân Châu Cảng

Sự kiện Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm Trân Châu Cảng ngày 27-12 được xem như một động thái hòa giải sau 75 năm trận Trân Châu Cảng (7-12-1941). Đây là ngày đã khiến nước Mỹ chịu ô nhục - như lời Tổng thống Franklin Delano Roosevelt nói và chính thức bước vào Thế chiến thứ II.

Cùng với hàng ngàn binh sĩ, thủy thủ thiệt mạng và bị thương, hàng trăm máy bay bị phá hủy, đội tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cũng bị tàn phá khủng khiếp.

Trong số 16 tàu bị tàn phá nặng nề có thiết giáp hạm USS Arizona.

Thiết giáp hạm USS Arizona phát nổ và chìm trong trận Trân Châu Cảng. Ảnh: WIKIPEDIA

Thiết giáp hạm USS Arizona đã trở thành một biểu tượng bi thảm của trận đánh, sau khi bị trúng bom từ máy bay Nhật thì kho vũ khí của tàu đã nổ tung. Con tàu chìm sâu cùng với 1.117 sĩ quan và thủy thủ - gần một nửa số thương vong của Mỹ trong trận đánh. Xác tàu USS Arizona đã không được vớt lên. Mỹ cho xây một đài tưởng niệm trên vị trí tàu chìm để tưởng niệm sự kiện này.

Ảnh chụp từ trên không. Chiếc thiết giáp hạm USS Arizona vẫn chìm dưới biển vào thập niên 1950. Ảnh: WIKIPEDIA

Dù bị tàn phá nặng nhưng chỉ có 3 trong số 16 tàu chiến Mỹ chết vĩnh viễn. 13 tàu chiến còn lại, từng chiếc, từng chiếc đã dần được “cứu sống” và được đưa vào phục vụ Thế chiến thứ II. Có chiếc được sửa chữa và khôi phục nhiệm vụ chỉ sau vài tháng, có chiếc sau vài năm.

Ghi nhớ động thái hòa giải của Thủ tướng Nhật Abe và tưởng niệm 75 năm trận Trân Châu Cảng, hãy cùng The Drive đã điểm lại 13 tàu chiến này.

Thiết giáp hạm USS West Virginia (BB-48) lớp Colorado là một trong những tàu bị tàn phá nặng nhất trong trận đánh khi trúng tới bảy quả ngư lôi và hai quả bom của Nhật, chưa kể bắt lửa từ chiếc thiết giáp hạm USS Arizona, sau đó chìm xuống đáy biển.

Tàu USS West Virginia bị tấn công trong trận Trân Châu Cảng. Ảnh: IBIBLO

Sau trận đánh, USS West Virginia được vớt lên, được bơm nước ra, được hàn gắn lại các khoảng thân vỡ, sau đó được đưa về sửa chữa và tân trang tại xưởng đóng tàu hải quân Puget Sound và trở lại phục vụ hải quân Mỹ vào tháng 7-1944.

Tàu USS West Virginia sau khi được “cứu sống”. Ảnh: THE DRIVE

Thiết giáp hạm USS Tennessee (BB-43) trúng hai quả bom của Nhật.

Từ trái sang: Tàu USS Tennessee, USS West Virginia, USS Arizona trong trận Trân Châu Cảng. Ảnh:  WORLDWAR PHOTOS

USS Tennessee được cứu sống và trở lại phục vụ trong hải quân Mỹ chỉ sau hai tháng rưỡi sửa chữa. USS Tennessee trở thành một thiết giáp hạm hoạt động bền vững của Hạm đội Thái Bình Dương trong suốt cuộc chiến.

USS Tennessee sau khi được sửa chữa. Ảnh: THE DRIVE

Thiết giáp hạm USS Nevada (BB-36) là tàu chiến duy nhất không thả neo khi trận tấn công xảy ra, vì thế có thể điều khiển được. Dù không bị trúng trực tiếp nhưng chịu tác động mạnh từ sáu quả bom và một quả ngư lôi của Nhật. USS Nevada cuối cùng cũng lèo lái được vào bờ.

USS Nevada bị hư hại tại Trân Châu Cảng. Ảnh: DENVER POST

USS Nevada sau đó được đưa về xưởng Puget Sound sửa chữa, trở lại hoạt động tháng 10-1942.

USS Nevada trở lại hoạt động chỉ sau 10 tháng sửa chữa. Ảnh: THE DRIVE

Chiến hạm USS California (BB-44) lớp Tennessee vốn đã có 20 năm tuổi đời trước trận Trân Châu Cảng. USS California trúng hai quả bom và chịu ảnh hưởng hai quả ngư lôi và vẫn chìm xuống đáy biển ba ngày sau.

USS California bị tấn công tại Trân Châu Cảng. Ảnh: WWII

Ba tháng sau, USS California được vớt lên đưa đi sửa chữa toàn diện, trở lại hoạt động tháng 1-1944.

USS California hoạt động trở lại sau hơn hai năm nỗ lực cứu sống. Ảnh: THE DRIVE

Chiến hạm USS Maryland (BB-46) lớp Colorado được tàu USS Oklahoma che chắn từ các ngư lôi Nhật, tuy nhiên vẫn trúng hai quả bom.

USS Maryland (trái) trong trận Trân Châu Cảng. Tàu USS Oklahoma (phải) chìm sau khi hứng ngư lôi Nhật. Ảnh: BROOSTER’BLOG

USS Maryland được đưa đến xưởng Puget Sound cuối tháng 12 và hoạt động trở lại chỉ hai tháng sau.

USS Maryland hoạt động lại chỉ sau hai tháng sửa chữa. Ảnh: THE DRIVE

Tàu khu trục USS Downes lớp Mahan (DD-372) đậu tại vũng cạn lúc máy bay Nhật tấn công, hứng một quả bom cháy gần thùng nhiên liệu và phát cháy. Thân tàu hư hại nặng.

USS Downes sau trận Trân Châu Cảng. Ảnh: PACIFIC WARBIRDS

Sau trận đánh, tàu USS Downes được chuyển sang California. Sau thời gian hoàn tất sửa chữa, tàu khu trục này được đổi sang tên USS Theseus.

Tàu USS Downes sau khi được "cứu sống". Ảnh: THE DRIVE

Tàu khu trục USS Cassin lớp Mahan (DD-372) cũng đang đậu ở vũng cạn khi bị Nhật tấn công và cũng chịu chung số phận.

Tàu USS Cassin hư hại nặng nề sau trận Trân Châu Cảng. Ảnh: PACIFIC WARBIRDS

Sau thời gian sửa chữa, tàu USS Cassin trở lại phục vụ vào tháng 2-1944.

Tàu USS Cassin sau khi được sửa chữa. Ảnh: THE DRIVE

Tàu khu trục USS Shaw lớp Mahan (DD-373) hứng ba quả bom, đám cháy lan đến kho đạn gây ra vụ nổ khủng khiếp.

Tàu USS Shaw hứng ba quả bom trong trận Trân Châu Cảng. Ảnh: THE DRIVE

Sau trận đánh, tàu USS Shaw được đưa về San Francisco sửa chữa và trở lại phục vụ tháng 6-1942.

Tàu USS Shaw sau khi được sửa chữa. Ảnh: WIKIPEDIA

Tàu tuần dương USS Raleigh lớp Omaha (CL-7) hứng một quả ngư lôi bên thân phải, tuy nhiên vẫn nổi được.

Tàu USS Raleigh bị nghiêng sau khi trúng ngư lôi của Nhật. Ảnh: WIKIPEDIA

Tàu USS Raleigh được sửa chữa ngay tại Trân Châu Cảng và hồi sinh vào tháng 2-1942, tức hai tháng sau trận đánh.

Tàu USS Raleigh hồi sinh chỉ hai tháng sau trận đánh. Ảnh: THE DRIVE

Tàu tuần dương USS Helena lớp St.Louis (CL-50) sau khi hứng một quả ngư lôi vẫn cố gắng chạy thêm 10 hải lý nữa.

Tàu USS Helena bốc cháy bên phải. Tàu chìm ở giữa là USS Oglala. Ảnh: WIKIPEDIA

Sau trận đánh, tàu USS Helena được chuyển về California sửa chữa và phục vụ trở lại vào tháng 6-1942.

Tàu USS Helena hồi sinh sau sáu tháng sửa chữa. Ảnh: THE DRIVE

Tàu sửa chữa USS Vestal (AR-4) hứng hai quả bom và bị lửa từ chiến hạm USS Arizona tràn sang.

Tàu USS Vestal hứng hai quả bom trong trận Trân Châu Cảng. Ảnh: THE DRIVE

Trong nhiều tuần sau đó phải tự sửa chữa tàu vì thiếu nhân lực, vật lực. Tàu được đưa vào sử dụng sau gần chín tháng (tháng 9-1942).

Tàu USS Vestal (trái) cùng tàu USS Pensacola tái hoạt động năm 1942, sau khi được sửa chữa. Ảnh: WIKIPEDIA

Tàu thả thủy lôi USS Oglala (CM-4) bị hư hại nặng ở thân, sau đó bị chìm vì ảnh hưởng từ quả ngư lôi đâm vào tàu tuần dương USS Helena bên cạnh.

Tàu USS Oglala bị chìm trong trận Trân Châu Cảng. Ảnh: WIKIPEDIA

Tàu USS Oglala sau khi được vớt lên năm 1942. Ảnh: THE DRIVE

Sau hơn hai năm sửa chữa, tàu USS Oglala được đưa vào phục vụ vào tháng 2-1944.

Tàu USS Oglala hồi sinh sau hơn hai năm sửa chữa. Ảnh: WIKIPEDIA

Tàu thủy phi cơ USS Curtis (AV-4) hứng một quả bom và một máy bay chiến đấu của Nhật rơi xuống, cháy nhiều nơi.

Tàu USS Curtis hứng một quả bom và một xác máy bay Nhật. Ảnh: THE DRIVE

Tàu USS Curtis có thời gian sửa chữa ngắn nhất, trở lại phục vụ vào cuối tháng 1-1942, chỉ sau một tháng sửa chữa.

Tàu USS Curtis có thời gian sửa chữa ngắn nhất. Ảnh: IBIBLIO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới