Ngày 2-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp (DN) đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu thuộc Nhà nước.
DN nhà nước cần thể hiện vai trò của mình
Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, vừa qua đã xuất hiện một số DN đã thoái thác trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo tổng giao xăng dầu mà Bộ đã giao cho.
Theo đó, trong số các DN đầu mối thì chỉ có chỉ có 22 DN đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch phân giao kể cả kế hoạch vào đầu năm và bổ sung. Còn 14 DN hầu hết là các DN đầu mối tư nhân đã chưa hoặc không thực hiện kế hoạch phân giao.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, đây cũng là thời điểm DN nhà nước thể hiện vai trò của mình, từ DN sản xuất đến DN đầu mối đều phải nỗ lực hết mình. Các DN có chức năng nhập khẩu, phân phối xăng dầu thì phải khẳng định ngoài việc cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thương nhân phân phối, đại lý của mình phải vươn ra các thị trường đang thiếu hụt cục bộ.
“Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này, phải vươn lên để bảo đảm nguồn cung trong mọi hoàn cảnh, dù gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là cơ sở để sàng lọc lại DN đầu mối, sau đó là sàng lọc thương nhân phân phối và làm rõ trách nhiệm của ai, đơn vị nào”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu thuộc Nhà nước ngày 2-11. Ảnh: BCT |
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Tập đoàn đã đảm bảo Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn luôn hoạt động ổn định với công suất cao hơn công suất thiết kế, ở thời điểm hiện tại đạt 109% công suất.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện cũng đang đang hoạt động 100% công suất.
Đại diện Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho biết, cho đến hết tháng 10-2022, PVOil đã thực hiện tổng nguồn đạt khoảng 3,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại và ước tính hết năm 2022 sẽ đạt khoảng gần 4 triệu m3/tấn, tăng so với bình quân các năm trước đây khoảng 800.000 m3/tấn, nhằm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Trong khi đó, ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, trong 9 tháng, Petrolimex đã tạo nguồn 7,3 triệu m3/tấn xăng dầu, vượt 26% so với kế hoạch được phân giao trong 9 tháng là 5,7 triệu m3/tấn, tương đương 95% kế hoạch được phân giao cả năm 2022 là 7,7 triệu m3/tấn.
Petrolimex cũng đã nhập khẩu đến 140% so với sản lượng nhập khẩu bổ sung quý II được giao. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng cao đột biến trên phạm vi cả nước, Petrolimex sẽ tiếp tục tạo nguồn và xuất bán đảm bảo đúng kế hoạch được giao.
Khẩn trương xem xét để xuất xăng dầu dự trữ thương mại
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra 6 giải pháp trọng tâm thực hiện.
Đó là yêu cầu các DN xăng dầu nhà nước khẩn trương xem xét để xuất dự trữ thương mại đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình và ứng cứu cho những địa bàn đang thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện tại.
Một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Hà Nội treo biển hết hàng. Ảnh: PHI HÙNG |
Đồng thời khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu (cả DN tư nhân có điều kiện đã và đang được phân giao), theo kế hoạch phân giao, càng vượt định mức bao nhiêu thì càng tốt bây nhiêu, sẵn sàng bù đắp các sản lượng thiếu do các DN khác đã không và chưa thực hiện được kế hoạch phân giao của mình. Bộ trưởng yêu cầu các nhà máy lọc dầu tiếp tục tăng sản lượng sản xuất, tăng sản lượng cung ứng ra thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đến việc xem xét, xử lý các DN không thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn theo quy định của pháp luật.
“Bộ Công Thương cũng đề nghị các DN, nhất là các DN Nhà nước trong thời điểm này cần phải có tiếng nói mạnh mẽ nhất, đồng bộ nhất để kiến nghị tháo gỡ vướng mắc như: Bảo lãnh, vốn, chi phí phát sinh để bảo đảm DN không bị lỗ triền miên và có điều kiện “cưu mang” hệ thống phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ” - Bộ trưởng Diên nêu ý kiến.