“Trong quá trình phát triển, nhiều di tích lịch sử-văn hóa của TP đã xuống cấp, một số công trình kiến trúc tiêu biểu bị phá hủy. Ngoài nguyên nhân từ ý thức cộng đồng còn có lý do là công tác quản lý yếu kém, cơ sở pháp lý chưa đầy đủ” - ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội thảo Di sản kiến trúc đô thị TP.HCM ngày 14-12.
Nhiều di sản bị biến dạng
Năm 1993, lần đầu tiên TP thực hiện chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, kéo dài trong năm năm (1993-1998). Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, đây là chương trình có quy mô nhất về bảo tồn cảnh quan kiến trúc cho đến nay.
TS-KTS Lê Quang Ninh, Chủ nhiệm chương trình này, cho biết: Chương trình đã đề xuất danh mục 108 công trình cần bảo tồn cảnh quan kiến trúc. Đó là căn cứ để TP soạn thảo quy chế tạm thời phục vụ cho công tác bảo tồn. Tuy nhiên, đã 15 năm trôi qua nhưng quy chế này vẫn chưa được ban hành. Từ đó đến nay, 33 công trình đã biến mất hoặc biến dạng.
Các biệt thự có kiến trúc đặc trưng trên những tuyến đường ở quận 1, quận 3 dần dần biến mất hoặc biến dạng. Ảnh: HTD
Một trong những vấn đề được các chuyên gia tập trung phân tích là tình trạng xây chen cao ốc tại khu trung tâm TP, nơi tập trung rất nhiều di sản. KTS Nguyễn Ngọc Dũng chỉ rõ: Khởi đầu cho tình trạng này là tòa nhà Sindozime mọc lên năm 1990, tòa nhà Thông tấn xã trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, cao ốc 222 Điện Biên Phủ… Kể từ đó, các biệt thự có kiến trúc đặc trưng trên những tuyến đường như Phạm Ngọc Thạch, Lê Quý Đôn dần biến mất hoặc biến dạng.
Theo thống kê của KTS Phạm Phú Cường, từ năm 1991 đến nay, chỉ tính trên địa bàn quận 1, 3, 4 đã có trên 100 công trình cao từ 15 tầng trở lên được thỏa thuận chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Không dưới 50 công trình trong số đó đã được xây dựng hoàn tất. Năm 2007, TP còn giới thiệu thêm 20 “khu đất vàng” với tổng diện tích hơn 50 ha để mời gọi đầu tư. Sắp tới sẽ có các tòa nhà cao 40-65 tầng mọc lên tại trung tâm quận 1.
“Tình trạng xây chen cao ốc không hề mang đến một chất lượng tốt hơn cho cảnh quan đô thị khu biệt thự cũ. Ngược lại, điều đó đã tạo nên sự pha trộn khập khiễng có thể thấy rõ ở nhiều nơi” - KTS Cường đánh giá.
Cần sớm có quy hoạch tổng thể
Từ thực trạng trên, TS Nguyễn Trọng Hòa nêu rõ: Mặc dù có khung pháp lý là hệ thống các bộ luật liên quan đến công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Di sản… nhưng việc áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều bất cập. TP còn chậm trễ trong việc xây dựng và ban hành Quy chế quản lý cảnh quan kiến trúc. Do chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh, các cấp chính quyền vẫn còn phải giải quyết từng trường hợp cụ thể như ụ tàu Ba Son, Trường Lê Quý Đôn, cụm nhà khách Chính phủ số 1 Lý Thái Tổ…
Năm 2010, TP ban hành Quyết định 5360 thực hiện kiểm kê di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn. Đây là một trong những bước đệm quan trọng làm cơ sở cho quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích của TP. Phạm vi của quyết định này là 168 công trình, địa điểm đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa. Tuy nhiên, đối với hạng mục công trình di tích biệt thự, danh mục chỉ đề cập đến con đường Tú Xương, còn các biệt thự ở địa điểm khác không được nhắc đến.
“Để giữ lại những ký ức qua các thời kỳ phát triển, TP cần xác định hướng đi căn bản để thực hiện bảo tồn. Cụ thể, phải sớm có quy hoạch tổng thể, xác định rõ các khu vực cần bảo tồn nhằm hạn chế tình trạng biến mất của di tích” - các chuyên gia đề nghị.
VIỆT HOA