1.500 tỉ làm 1 km hầm chui đường Tôn Đức Thắng

(PLO)- Việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng, quận 1 nằm trong quy hoạch của TP.HCM nhưng đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các chuyên gia trong.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình trọng điểm, chiến lược ngành GTVT tập trung thực hiện trong giai đoạn 2024-2030 của Sở GTVT TP.HCM thì sắp tới TP sẽ triển khai làm hầm chui đường Tôn Đức Thắng.

Ngầm hóa toàn bộ 1 km đường

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết: “Trong kế hoạch dự án từ nay đến năm 2030, ngành giao thông sẽ làm hầm chui dọc đường Tôn Đức Thắng đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Khánh Hội”.

Cụ thể, trong kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình trọng điểm, chiến lược ngành GTVT tập trung thực hiện trong giai đoạn 2024-2030 của Sở GTVT TP thì ngành giao thông sẽ triển khai làm hầm chui Tôn Đức Thắng (đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Khánh Hội). Dự án có chiều dài 1 km, mặt cắt ngang hầm là 20,5 m với bốn làn xe. Dự kiến dự án được thực hiện từ nay đến năm 2028 với kinh phí 1.500 tỉ đồng.

P8_hinhbai.jpg
Ngành giao thông TP.HCM dự kiến ngầm hóa 1 km đường Tôn Đức Thắng, quận 1.
 Ảnh: HÀ THANH

Theo quy chế quản lý kiến trúc của TP.HCM được ban hành năm 2022 cũng khẳng định Công viên bến Bạch Đằng giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh - sông Sài Gòn, diện tích 11,96 ha sẽ dành mặt đất đường Tôn Đức Thắng đoạn dọc công viên cho không gian đi bộ và xe điện. Đồng thời chuyển đường Tôn Đức Thắng xuống hầm.

Khi chuyển đường Tôn Đức Thắng xuống hầm thì đường này sẽ thành đường ngầm có hai làn xe mỗi hướng. Ngoài ra, đường ngầm Tôn Đức Thắng có bãi đậu xe ngầm. Bãi đậu xe công cộng ngầm này sẽ nằm cách Công Trường Mê Linh khoảng 100 m về phía nam đường Ngô Văn Năm, dọc theo đường phụ Tôn Đức Thắng.

Khi đó, kết cấu ngầm Tôn Đức Thắng này gồm hai tầng hầm, tầng 1 có bãi đậu xe công cộng và lối ra vào. Tầng 2 có bãi đậu xe công cộng và đường ngầm Tôn Đức Thắng.

Chuyên gia cho rằng việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng sẽ giúp đồng bộ không gian với Công viên bến Bạch Đằng và các khu vực lân cận.

Giúp đồng bộ không gian với bến Bạch Đằng

“Việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng sẽ giúp đồng bộ không gian với Công viên bến Bạch Đằng và các khu vực lân cận” - TS - kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở QH-KT TP.HCM), nhận định.

Ông Tuấn cũng cho biết việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Khánh Hội) nằm trong quy hoạch 930 ha vùng lõi khu trung tâm TP.HCM.

Trước đó, Trung tâm các TP đáng sống (CLC), thuộc Bộ Phát triển quốc gia Singapore (MND) cùng Sở Du lịch TP.HCM, Sở QH-KT TP.HCM và một số đơn vị liên quan đã đi khảo sát dọc sông Sài Gòn vào giữa tháng 1, chuyên gia Singapore cũng cho rằng đường Tôn Đức Thắng không đồng bộ về mặt không gian.

“Tôi rất ấn tượng về cách phát triển rất nhanh của các đô thị dọc sông Sài Gòn. Tuy nhiên, việc phải băng qua đường Tôn Đức Thắng để đến khu bến Bạch Đằng và đến bờ sông là một trở ngại, khó khăn. Tôi có cảm giác đường giao thông này đang chia đôi cảnh quan bờ sông Sài Gòn và khu phố đi bộ bên trung tâm” - ông Michael Koh, chuyên gia Trung tâm các TP đáng sống (CLC), thuộc Bộ Phát triển quốc gia Singapore (MND), nêu quan điểm.

Trong buổi góp ý về điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 gần đây, TSKH - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn lại cho rằng chúng ta có khu trung tâm TP ở phía tây sông Sài Gòn và khu Thủ Thiêm là trung tâm tài chính ở bờ đông sông Sài Gòn. Các trung tâm này phải nối qua bờ sông với nhau.

“Vì chúng ta phải kết nối hai khu trung tâm nên chắc chắn không nên ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, việc kết nối hai trung tâm là rất quan trọng với sự phát triển của Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Như kinh nghiệm của TP Thượng Hải (Trung Quốc), họ có sáu đường ngầm (dưới sông Hoàng Phố chảy giữa Thượng Hải tương tự như sông Sài Gòn) nối hai trung tâm hai bờ đông tây” - ông Sơn góp ý.

Ông Sơn cũng nêu thực tại khi về không gian ngầm chúng ta đang bàn xa quá, không phải khu đô thị nào cũng cần không gian ngầm. Không gian ngầm chính phải nằm dưới chân các tòa nhà cao tầng ở trung tâm, thứ hai các khu này phải kết nối với metro ngầm.

“Chúng ta nói rất nhiều đến không gian ngầm nhưng chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội phát triển” - ông Sơn nhận xét.•

Đại lộ Tôn Đức Thắng nằm ở trung tâm quận 1, dài khoảng

2 km, điểm đầu giao với tuyến đường Lê Duẩn, sau đó chạy qua khu Ba Son rồi uốn theo Công viên bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn đến cầu Khánh Hội.

Trục đường này kết nối trực tiếp với phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công Trường Mê Linh, bến Bạch Đằng và là một trong những tuyến chính qua lại giữa khu trung tâm với quận 4 và Nam Sài Gòn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm