Cần làm cầu bộ hành trên đường Tôn Đức Thắng

(PLO)- Theo các chuyên gia, mật độ phương tiện lưu thông lớn cộng với nhu cầu giải trí của người dân ở khu Công viên bến Bạch Đằng cao nên việc xây cầu bộ hành là vô cùng cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cùng một số đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát vị trí xây dựng công trình kết nối đường Nguyễn Huệ với Công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) để phục vụ người đi bộ. Sau khi khảo sát, các đơn vị thống nhất ưu tiên làm cầu bộ hành thay vì làm hầm chui.

Ưu tiên làm cầu bộ hành

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cho biết vị trí được các đơn vị thống nhất xây dựng cầu bộ hành về pháp lý quy hoạch là công trình cầu vượt hoặc hầm chui dành cho người đi bộ trên đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ cầu Khánh Hội đến vòng xoay Công trường Mê Linh). Tuy nhiên, các đơn vị cũng nhận định trong giai đoạn hiện nay nếu xây dựng hầm chui sẽ vướng quy hoạch hệ thống hầm chui giao thông dọc đường Tôn Đức Thắng trong tương lai.

Xe cộ lưu thông đông đúc trên đường Tôn Đức Thắng vào giờ tan tầm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Xe cộ lưu thông đông đúc trên đường Tôn Đức Thắng vào giờ tan tầm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Vì vậy, các đơn vị thống nhất khi chưa triển khai theo quy hoạch được duyệt thì cần nghiên cứu phương án xây dựng cầu bộ hành. “Hiện TP mới giao Sở GTVT TP nghiên cứu hầm chui hay cầu bộ hành để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Khu vực này có lượng phương tiện, mật độ giao thông lớn và người đi bộ tăng cao nên việc sớm nghiên cứu phương án, vị trí xây cầu là vô cùng cấp thiết” - Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND quận 1 cũng thông tin quận đã thống nhất ý kiến của các đơn vị: “Tại cuộc họp, quận 1 đã thống nhất ý kiến của các sở, ngành và những đơn vị liên quan về đề xuất xây cầu bộ hành cũng như vị trí xây dựng cầu”.

Cần làm ngay

Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật, đơn vị khai thác tuyến buýt sông số 1, bến Bạch Đằng là công viên rất đẹp và nơi đây cũng như bộ mặt của TP. Tại đây có nhiều khách sạn lớn, phố đi bộ Nguyễn Huệ, trụ sở UBND TP.HCM, Nhà hát TP… đã trở thành một phần di sản của TP. Hơn hết, khu vực này cũng là nơi thu hút người dân TP, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Các đơn vị cũng nhận định trong giai đoạn hiện nay nếu xây dựng hầm chui sẽ vướng quy hoạch hệ thống hầm chui giao thông dọc đường Tôn Đức Thắng trong tương lai.

Ông Toản nhận định việc kết nối giao thông khu vực này hiện không thân thiện với người đi bộ từ đường Nguyễn Huệ qua Công viên bến Bạch Đằng, cột cờ Thủ Ngữ, Công trường Mê Linh và khu vực ven sông Sài Gòn. Mặc dù thời gian qua TP cũng đã kẻ vạch đường dành cho người đi bộ nhưng đường không có ngã ba, ngã tư nên người dân đi lại rất khó khăn.

Do vậy, việc sớm triển khai xây dựng cầu bộ hành ở khu vực này là vô cùng cấp thiết, cần sớm làm nhanh để tránh những rủi ro tiềm ẩn cho người đi bộ. Đồng thời tăng sự kết nối cho cả khu vực cửa ngõ sông và trung tâm TP. “Việc làm cầu đi bộ cũng cần chọn vị trí thích hợp. Cầu phải có tính thẩm mỹ cao, trở thành điểm nhấn ở khu trung tâm TP và phải hòa hợp với không gian tổng thể của cả một khu vực” - ông Toản nói.

Về mặt kỹ thuật, ông Toản cho rằng cây cầu phải thật “dễ chịu” với người đi bộ, hết sức thân thiện để tránh tình trạng người dân phải đi bộ xa.

Tương tự, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nhận định việc làm cầu đi bộ khu vực Công viên bến Bạch Đằng là vô cùng cần thiết. Có cầu, người dân và khách du lịch sẽ thuận tiện hơn trong việc tham quan các công trình kiến trúc, các điểm du lịch của TP.

“Cầu bộ hành cũng cần phải “đặc biệt”, phải hài hòa với tổng thể, với không gian văn hóa của cả khu vực, tạo thành một điểm nhấn thu hút du khách. Bên cạnh đó, TP cũng cần tính toán các không gian trên cao để phục vụ người dân như dịch vụ cà phê, nhà vệ sinh và cả mảng xanh cho khu vực. Khi đó, cây cầu bộ hành sẽ trở thành điểm nhấn của TP” - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.•

Thiếu sự kết nối

Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP, cho biết khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ - đường Tôn Đức Thắng - Công viên bến Bạch Đằng đang thiếu sự kết nối. Vì vậy, TP cần có phương án để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ giữa các khu vực trên. Dù TP đã bố trí vạch chỉ đường nhưng với lượng người đi lại lớn sẽ không đảm bảo an toàn giao thông, chưa kể việc người dân đi bộ sai vị trí.

“Theo đó, việc bố trí các tiện ích, cầu bộ hành để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân là hoàn toàn cấp thiết. TP cần sớm nghiên cứu, tiến hành thi công sớm để phục vụ người dân trong thời gian tới. Đồng thời, TP cũng cần khảo sát vị trí, thiết kế kỹ thuật để đảm bảo hài hòa giữa các khu vực, tránh ảnh hưởng tới cảnh quan chung của cả khu vực” - ông Phúc nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm