155 nghi phạm người Việt qua Khu Tam Giác Vàng để lừa đảo qua mạng

(PLO)- Ngoài Hoàng Bích Ngọc bị bắt lúc xuống sân bay thì 154 nghi phạm người Việt còn lại bị bắt tại đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở tỉnh Bokeo, Lào và cũng đã được di lý về Việt Nam bằng đường bộ để xử lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-8, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ triệt phá tổ chức tội phạm lừa đảo quốc tế, bắt giữ 155 người Việt Nam với chiêu trò lừa đảo trên mạng.

Công an Hà Tĩnh
Văn phòng nơi "ổ nhóm" lừa đảo hoạt động. Ảnh: Công an Hà Tĩnh.

Ngoài Hoàng Bích Ngọc (30 tuổi, ngụ quận Kiến An, TP Hải Phòng), bị bắt lúc xuống Sân bay Nội Bài (Hà Nội) khi vừa từ Lào về Việt Nam thì 154 nghi phạm người Việt bị bắt ở tại đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở tỉnh Bokeo, Lào cũng đã được di lý về Việt Nam bằng đường bộ.

Thời gian qua, nhóm tội phạm quốc tế đã lập công ty ở Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (Lào) rồi chỉ đạo 155 người Việt sử dụng chiến thuật “dùng người Việt lừa người Việt”. Rất nhiều nạn nhân ở Việt Nam đã bị lừa chuyển tiền cho đường dây xuyên quốc gia này.

lua-dao-qua-mang-xa-hoi.jpg
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Ảnh: Công an Hà Tĩnh.

Đường dây này do người nước ngoài chủ mưu, cầm đầu đặt ra nội quy, quy chế với cấp dưới, phân chia lợi ích theo lương tháng và phần trăm số tiền mỗi đối tượng lừa được của bị hại…

Quá trình làm việc, các nhân viên ăn ở, sinh hoạt, làm việc tập trung trong các tòa nhà cao tầng có người canh gác.

Họ được đào tạo, hướng dẫn để thực hiện theo các kịch bản đã được soạn thảo rất công phu, như: Lập Facebook ảo, mạo danh là những người thành công, giàu có, doanh nhân thành đạt, thường xuyên đăng tải các hình ảnh ăn chơi, du lịch… Từ đó, kết bạn, làm quen, tạo lòng tin với những người ở Việt Nam.

Các nạn nhân mà đường dây này hướng đến là phụ nữ có điều kiện về kinh tế hoặc có nhiều mối quan hệ xã hội.

Với các bẫy tâm lý này, kẻ lừa đảo từng bước tạo dựng được các mối quan hệ tình cảm, gây dựng sự tin tưởng với các bị hại thông qua các cuộc nói chuyện, trao đổi, tâm sự, chia sẻ.

Sau khi đã tạo được lòng tin, chúng sẽ lôi kéo, rủ rê họ đầu tư kinh doanh trên mạng thông qua các ứng dụng (hoặc trang website) như kinh doanh khách sạn “ảo” có tên OYO để hưởng % hoa hồng cao, lợi nhuận.

Thời gian đầu hoạt động mang đến cho các bị hại những khoản lợi nhuận rất tốt nên sẽ ngày càng đầu tư vào với số tiền ngày càng nhiều, và đến lúc không thể đầu tư thêm thì các đối tượng sẽ tạo ra nhiều lý do khác nhau rồi cắt liên lạc, chiếm đoạt tiền của bị hại đã đầu tư vào.

Với phương thức đó, trong hai năm hoạt động, tổ chức tội phạm quốc tế này đã chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của hàng chục ngàn bị hại.

Trước đó, đầu năm 2024, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh liên tục nhận được nhiều đơn trình báo bị lừa đảo qua mạng internet và sự cầu cứu của các gia đình có con bị lừa bán sang Lào với lời hứa việc nhẹ lương cao.

Các bị hại khi sang đến Đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở tỉnh Bokeo thì bị cưỡng bức tham gia thực hiện các hoạt động phạm tội bởi một tổ chức hoạt động xuyên biên giới.

bat-toi-pham.jpg
Các nghi phạm bỏ chạy nhưng đã không thể trốn thoát. Ảnh: Công an Hà Tĩnh.

Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì xác lập chuyên án để phối hợp cơ quan chức năng trong và ngoài nước giải cứu nạn nhân, bắt các nghi phạm.

Tuy nhiên, công tác điều tra và vây bắt các nghi phạm gặp khó khăn khi đường dây này mở công ty với đầy đủ các bộ phận quản lý, điều hành, canh gác từ xa…

Đặc khu kinh tế có tính chất đặc thù và có Luật đặc khu riêng, muốn vào được đặc khu phải có giấy tờ tùy thân chứng minh công việc tại đây.

Mặt khác, tại khu vực này có hơn 200 cao ốc, mỗi toà nhà từ 20-25 tầng với hàng trăm nghìn người sinh sống và làm việc.

Người nước ngoài chủ mưu đã thuê, cắt cử bảo vệ tại mỗi tòa nhà, sẵn sàng dùng vũ lực khi phát hiện nghi vấn và người lạ mặt không có giấy tờ ra vào xâm nhập.

thu-tang-vat.jpg
Tang vật công an thu giữ. Ảnh Công an Hà Tĩnh.

Sau khi có đầy đủ các chứng cứ, thông tin về hoạt động phạm tội, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Đại tá Nguyễn Xuân Thao - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, Ban Chuyên án đã xây dựng phương án phá án với phương châm “Vây ráp chặt vòng ngoài, đột kích vòng trong”.

Ngày 30-7, bất chấp thời điểm mưa lũ, nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, hàng trăm chiến sĩ tinh nhuệ của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh cùng các đơn vị nghiệp vụ đã lên đường thực hiện nhiệm vụ, bắt gọn 155 người, thu giữ nhiều tang vật.

Công an Hà Tĩnh thông báo những ai là nạn nhân của đường dây lừa đảo trên nhanh chóng liên hệ với Thượng úy Nguyễn Hữu Đại (điện thoại 094.282.3388) cán bộ điều tra phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Hà Tĩnh, để được phối hợp giải quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm