Theo Bộ GTVT, hiện có 17 trạm có những bất cập về vị trí đặt trạm cần có giải pháp xử lý. Trong đó, ba trạm đặt ở ngoài phạm vi dự án; sáu trạm đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh; sáu trạm thu trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành; hai trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả.
"Điểm nóng" BOT Cai Lậy.
Đáng chú ý, trạm BOT Cai Lậy nằm trong “danh sách” 17 trạm có những bất cập về vị trí, hiện tạm dừng thu. Bộ GTVT đã tập trung nghiên cứu hai phương án xử lý.
Phương án 1: Giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, thực hiện giảm giá chung cho tất cả phương tiện và mở rộng tối đa phạm vi giảm giá cho người dân quanh trạm.
Phương án 2: Xây dựng thêm một trạm ở trên tuyến tránh, thu trên cả hai trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó.
“Trên cơ sở hai phương án nêu trên, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thống nhất với các bộ, ngành rà soát, lựa chọn phương án triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - Bộ GTVT cho hay.
Đối với ba trạm nằm ngoài phạm vi dự án (trạm Cầu Rác, Hà Tĩnh; trạm Tào Xuyên, Thanh Hóa; trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, Hà Nội), Bộ GTVT cho biết các trạm này tận dụng lại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn ngân sách nhà nước chuyển sang thu giá hoàn vốn các dự án BOT.
“Nếu đầu tư mới sẽ phát sinh thêm khoảng 30-50 tỉ đồng” - Bộ GTVT cho hay và khẳng định đối chiếu với quy định pháp luật tại thời điểm quyết định đầu tư, việc sử dụng các trạm này là phù hợp.
Riêng trạm Tào Xuyên, bộ này kiến nghị tiếp tục cho thu giá tại vị trí hiện nay do việc di chuyển trạm vào tuyến tránh không khả thi về phương án tài chính.
“Nếu di chuyển vào tuyến tránh, Nhà nước phải bố trí khoảng 1.489 tỉ đồng hỗ trợ trong vòng 12 năm từ năm 2018 đến năm 2029 theo phương án tài chính của dự án” - báo cáo nêu.
Với sáu trạm thu trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành thuộc bốn dự án, bộ này cũng đưa các phương án xử lý.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp cải tạo quốc lộ 3 (một trạm trên quốc lộ 3 và một trạm trên tuyến cao tốc), trước mắt Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên tuyến cao tốc. Trên cơ sở số liệu doanh thu thực tế trong ba tháng, bộ này sẽ tính toán các phương án xử lý, thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên để báo cáo Thủ tướng.
Ba dự án còn lại (quốc lộ 6, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), theo tính toán, nếu bỏ trạm trên các tuyến quốc lộ, phương án tài chính các dự án sẽ không khả thi, Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù phần thiếu hụt lên đến khoảng 21.000 tỉ đồng (riêng quốc lộ 5 khoảng 16.000 tỉ đồng).
“Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn như hiện nay, phương án này không khả thi, kiến nghị tiếp tục thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm này. Bộ GTVT đã có các chính sách miễn, giảm giá đối với người dân quanh trạm và ưu tiên giảm giá chung cho các phương tiện nếu phương án tài chính của các dự án còn khả thi” - vẫn theo báo cáo của Bộ GTVT.
Ngoài ra, còn hai trạm La Sơn - Túy Loan và trạm Nam Hải Vân thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả. Theo Bộ GTVT, sau khi rà soát, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng theo hướng không lập trạm La Sơn - Tuý Loan, Nhà nước bố trí nguồn vốn để hỗ trợ nếu cần. Còn trạm Nam Hải Vân thì Thủ tướng đã có quyết định gộp với trạm Bắc Hải Vân để thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho hai dự án hầm Đèo Cả và dự án hầm Phú Gia - Phước Tượng do cự ly quá gần.