'Phí' thành 'giá': Chuyện chữ nghĩa và ngữ nghĩa!

Nguồn cơn bắt đầu từ việc đồng loạt các “trạm thu phí” BOT sửa bảng hiệu thành “trạm thu giá”. Không ít lời chỉ trích, mạt sát. Nào là “tráo trở”, “bịp bợm”, “đánh lận con đen”, “dốt nát”…

Cũng có nhiều phân tích dựa vào quy định pháp luật, giới thiệu đến công chúng việc phân định sự khác nhau giữa phí, lệ phí (theo mức nhất định được cơ quan có thẩm quyền ấn định) mà người thụ hưởng dịch vụ công phải trả với giá, một giá trị định lượng mà người tiêu dùng (cũng là người thụ hưởng dịch vụ) phải móc hầu bao trả cho các đơn vị sự nghiệp, các công ty đầu tư mang tính chất tư nhân khi muốn “mua” dịch vụ.

Lập luận này cũng chính là cơ sở cho lời biện giải của Bộ trưởng Thể khi đề cập đến vấn đề tại sao không gọi là “thu phí” mà phải gọi là “thu giá”. Căn cứ pháp lý cho sự phân biệt, chuyển đổi này là Luật Phí và lệ phí 2005 và Luật Giá 2012. Theo đó, “phí dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý (phí BOT) bị loại khỏi danh mục phí, lệ phí - thuộc diện phải nộp cho cơ quan quản lý nhà nước. Bộ trưởng Thể còn nói đại ý, phí là do nhà nước quản lý, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết, muốn tăng giảm phải qua nhiều tầng nấc, nhiều cơ quan bàn thảo, phê duyệt; còn giá chủ yếu do doanh nghiệp (nhiều trường hợp là TNHH, cổ phần, tức là tư nhân) định đoạt, trong trường hợp giá BOT đường bộ, một lĩnh vực dính dáng đến quyền lợi công cộng của đại đa số nhân dân, Bộ GTVT sẽ “hiệp thương”, điều chỉnh, phê chuẩn việc tăng giảm. Sự chuyển đổi khái niệm, thay chữ đó theo Bộ tưởng Thể, là để dễ “linh hoạt”!

Thêm một căn cứ pháp lý nữa, mà trộm vía gọi là Bộ GTVT tự “vẽ bùa” để đeo. Đó là Thông tư 35/2016 do chính Bộ GTVT ban hành nhằm hướng dẫn thi hành một nghị định của Chính phủ, trong đó có nêu: "Trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ...". Căn cứ thông tư này, các tram thu phí BOT sẽ phải ghi đầy đủ trên bảng hiệu: “Trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ qua Cai Lậy”, chẳng hạn. (!?)

Nếu lúc đó, Bộ GTVT trưng cầu sự tham vấn tích cực của các nhà ngôn ngữ học thì có thể, trong Thông tư ấy đã không xài từ “trạm thu giá sử dụng dịch vụ” (qua triển khai thực tế được viết tắt thành “trạm thu giá”) mà sẽ có sự điều chỉnh về chữ nghĩa, đưa ra khái niệm nào đó cho phù hợp. Giờ thì mọi việc vỡ lở rồi. Vỡ lở đến mức nhiều lái xe đã cắc cớ đem nguyên một rổ giá (giá đỗ) ra nộp cho các trạm “thu giá”!

Đúng là nhiều người đã rất lấy làm tiếc chuyện chữ nghĩa trong vấn đề này. Làm sao để thể hiện cho mọi người hiểu đó là “thu tiền dịch vụ” chứ không phải “thu giá”, một khái niệm mà nhiều nhà ngôn ngữ bậc thầy đều cho là vô nghĩa, tối nghĩa, không thể hiện chính xác nội hàm muốn chỉ đến.

Thêm nữa, lời giải thích của Bộ trưởng Thể, phí do Nhà nước quản lý, giá do doanh nghiệp tính xem ra cũng không phù hợp và thiếu sức thuyết phục. Nếu theo logic của Bộ trưởng Thể thì sẽ phải có văn bản yêu cầu gọi là “viện giá”, “học giá”… trong trường hợp người thụ hưởng dịch vụ từ các bệnh viện tư, trường tư thục… hay sao?

Vấn đề còn lại là mặc dù quy định hiện hành ở các luật liên quan, có sự phân biệt giữa phí và giá nhưng khi việc ra lệnh hay chỉ đạo sửa trên các bảng hiệu ở các trạm BOT đường bộ từ “thu phí” thành “thu giá” đã tạo nên làn sóng phản ứng gay gắt từ dư luận thì động thái tiếp theo là gì đề xử lý ổn thỏa?

Không ít ý kiến cậy nhờ các nhà ngôn ngữ học, các bậc thức giả, các chuyên gia cho sáng kiến. Bởi chuyện này không chỉ  bó hẹp trong phạm vi luật pháp mà là bao hàm cả chuyện chữ nghĩangữ nghĩa, ngôn ngữ pháp lý và ngôn ngữ phổ thông. Ở đây, không thể đơn thuần dựa vào câu chữ của luật, dựa vào ý chí chủ quan của ai đó để sửa đổi, cho ra lò một khái niệm mới thay thế khái niệm phổ quát đã được xã hội chấp nhận và hiểu theo nghĩa phổ biến.

Một điều cũng xin được nhắc Bộ trưởng Thể: Nếu quy định (văn bản quy phạm pháp luật) của cấp trên và của chính mình ban hành không phù hợp thực tế, vấp phải sự phản ứng của dư luận mà phản ứng đó có cơ sở, thì chính mình có quyền và có trách nhiệm, có thể thông qua việc kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan có thẩm quyền, kịp thời có động thái sửa đổi, chỉnh sửa cho phù hợp!

Công luận đang chờ phản ứng và những động thái tiếp theo mang tính cầu thị từ Bộ trưởng nói riêng và Bộ GTVT nói chung!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm