VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 67 bị can trong vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; nhận hối lộ… xảy ra tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam liên quan đến Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House).
Trong đó, 18 bị can nguyên là cán bộ thuế công tác tại Cục Thuế và các chi cục Thuế ở TP.HCM.
Các cựu lãnh đạo Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) tại thời điểm bị bắt. Ảnh: CA |
Điều hành đường dây phạm tội từ Mỹ
Cáo trạng xác định từ năm 2016 đến 2020, Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo việc thành lập, sử dụng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước (Mỹ, Hong Kong, Malaysia…) để thực hiện hành vi phạm tội.
Cụ thể, theo chỉ đạo, điều hành của Dũng, các công ty trong nước mua bán hàng hóa với nhau để hợp thức việc nâng khống giá trị hàng hóa. Sau đó các công ty trong nước lập hồ sơ bán hàng đã được nâng khống giá trị cho các công ty ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền trái phép từ nước ngoài về Việt Nam hoặc lập hồ sơ mua hàng có giá trị cao của công ty ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài.
Để tạo nguồn hàng hóa xuất khẩu, Dũng chỉ đạo việc làm giả linh kiện điện tử (ram, chip) có dung lượng, tốc độ cao từ các loại linh kiện dung lượng tốc độ thấp hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ; làm giả đĩa CD hoặc DVD chứa nhiều phần mềm giả.
Số hàng giả này hợp thức hàng hóa xuất khẩu cho các công ty khác nhau nhưng đều được vận chuyển đến Campuchia hoặc Hong Kong để sau đó quay vòng về Việt Nam (gửi lẫn với hàng hóa nhập khẩu khác hoặc thuê xe khách vận chuyển bằng đường bộ từ Campuchia).
Trịnh Tiến Dũng được xác định là đối tượng chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo các đồng phạm dùng thủ đoạn gian dối, sử dụng các công ty “ma” thực hiện các thủ tục mua bán, xuất khẩu hàng hóa rồi lập hồ sơ để Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, Công ty Sài Gòn Tây Nam… mua linh kiện điện tử của các công ty do Dũng thành lập để từ đó chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT của Nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay Trịnh Tiến Dũng đã bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã quốc tế khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra và xử lý.
Cáo trạng xác định sai phạm trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho Thuduc House tại Cục Thuế TP.HCM gây thất thoát hơn 331 tỉ đồng.
Hoàn thuế sai quy định, gây thất thoát 331 tỉ đồng
Đáng chú ý, cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Bích Hạnh (cựu phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM) cùng 14 cán bộ khác công tác tại Cục Thuế TP.HCM về tội vi phạm quy định quản lý nhà nước gây thất thoát lãng phí và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, trong thời gian từ tháng 2-2018 đến tháng 8-2019, Cục Thuế TP.HCM tiếp nhận 19 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của Thuduc House. Trong đó đã ban hành 17 quyết định hoàn thuế VAT cho Thuduc House với tổng số tiền hơn 365 tỉ đồng.
Cáo trạng cũng xác định trong 15/17 kỳ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau, các bị can là cán bộ, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho Thuduc House đã vi phạm các quy định về quản lý thuế, quy trình, quy định trong việc xét duyệt, thẩm định và quyết định việc hoàn thuế, dẫn đến thất thoát số tiền hơn 331 tỉ đồng.
Cáo trạng cũng xác định các bị can Đặng Thị Huỳnh Yến, Võ Quang Lâm (nguyên cán bộ Cục Thuế TP.HCM) đã thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong việc chỉ đạo, phân công công chức nghiên cứu, đề xuất, xây dựng kế hoạch thanh tra ngay sau hoàn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 258 tỉ đồng.
Bị can Đặng Thị Minh Châu và Trần Bảo Thịnh thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ, điều kiện hoàn thuế, không thực hiện đầy đủ quy trình hoàn thuế do Tổng cục Thuế ban hành, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 34 tỉ đồng.
Ba cán bộ chi cục Thuế bị cáo buộc nhận hối lộ
Ngoài các cán bộ thuộc Cục Thuế TP.HCM, VKSND Tối cao còn truy tố ba cán bộ thuế thuộc chi cục Thuế các quận 1, 3, 5 về tội nhận hối lộ.
Cụ thể, Đào Thị Nga (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 1) nhận 776 triệu đồng; Nguyễn Phương Nam (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 3) nhận 6,1 tỉ đồng và Ngô Huỳnh Lũy (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 5) nhận 497 triệu đồng từ Lưu Thị Ngát (giám đốc Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Khánh Hưng).
Sau khi nhận tiền từ bị can Ngát, các cán bộ chi cục Thuế này thực hiện một số công việc theo yêu cầu của Ngát như không đề xuất cấp trên kiểm tra hoạt động kinh doanh; báo trước việc kiểm tra, thanh tra thuế để Ngát làm thủ tục chuyển trụ sở đăng ký kinh doanh đi nơi khác; báo trước cho Ngát những công ty có thể bị cưỡng chế thu thuế để Ngát nộp thuế ngay, tránh bị cưỡng chế.
Những hành vi trên đã tạo điều kiện cho các công ty “ma” của bị can Ngát bán hóa đơn VAT cho các công ty thuộc nhóm Trịnh Tiến Dũng.