Ngày 28-2, các bị cáo Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Huỳnh Công Đình Nghi đã nộp đơn kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm số 13/2022 (ngày 17-2) của TAND huyện Tân Biên (Tây Ninh).
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Bảo cho rằng việc TAND huyện Tân Biên kết tội bị cáo có lỗi cố ý gián tiếp, là đồng phạm với Nguyễn Thanh Giàu trong vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo khoản 1 Điều 189 BLHS là oan sai.
Cụ thể, Bảo chỉ cử tài xế là Nghi chở thuê các xe máy cũ từ Tây Ninh về TP.HCM, vận chuyển hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam nên không thể nào bị tội trên.
Do đó, Bảo kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội và trả lại tài sản là chiếc xe ô tô (dùng để chở thuê các xe máy cũ).
Tương tự, bị cáo Nghi cũng cho rằng mình không hề tham gia bàn bạc và biết được nguồn gốc các xe máy cũ đã chở thuê… nên cũng kháng cáo kêu oan.
Ba xe tang vật của vụ án. Ảnh: MINH CHUNG
Trước đó, ngày 17-2, TAND huyện Tân Biên đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận đề nghị đổi tội danh truy tố đối với các bị cáo Nguyễn Thanh Giàu, Nguyễn Lê Anh Quốc, Trịnh Văn Kiệt, Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Huỳnh Công Đình Nghi từ tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191 BLHS 2015) sang tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189 BLHS 2015).
HĐXX đã phạt Giàu hai năm tù, phạt tiền Quốc 200 triệu đồng theo khoản 2 Điều 189 BLHS; phạt tiền Kiệt 20 triệu đồng, phạt tiền Bảo 25 triệu đồng, phạt tiền Nghi 20 triệu đồng theo khoản 1 Điều 189 BLHS.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã chuyển tội danh thì việc kết tội Bảo, Nghi trong vụ án này cũng chưa ổn.
Bởi lẽ, để có thể xử lý Bảo, Nghi là đồng phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới phải chứng minh có sự thỏa thuận trước đó giữa hai người này với các bị cáo khác. Tuy nhiên, kết luận điều tra và cáo trạng đều không chứng minh được.
Trong bài viết “Vụ chở xe máy cũ bị tội: Dấu hiệu xử oan 2 bị cáo” (số ra ngày 19-2), báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã có những phân tích về vấn đề trên.
Đổi tội danh ngay tại tòa Tại phiên xử ngày 17-2, sau phần xét hỏi, cũng như căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đại diện VKS đã áp dụng Điều 319, Điều 321 BLTTHS 2015 để chuyển tội danh truy tố từ tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm sang tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới đối với cả năm bị cáo. HĐXX nhận định việc cơ quan điều tra (CQĐT) căn cứ Điều 5 Nghị định 69/2018 (quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương) để xác định mô tô đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm, rồi từ đó VKS truy tố các bị cáo theo tội danh của Điều 191 BLHS là không chính xác. Bởi lẽ theo Phụ lục I - Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (kèm theo Nghị định 69/2018) thì hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu không phải là hàng cấm theo Điều 191 BLHS. (Nhận định hoàn toàn trùng khớp với phân tích của báo Pháp Luật TP.HCM trong bài viết “Dấu hiệu truy tố oan vì xe máy cũ không phải là hàng cấm”). |