Trong nhiều nội dung tại diễn đàn “Toàn cảnh ngân hàng (NH): Hướng tới phát triển bền vững” diễn ra ngày 8-5, vấn đề bảo mật trong hoạt động thanh toán NH được quan tâm hơn cả. Đơn giản bởi thời gian qua xảy ra nhiều vụ mất tiền gửi, tiền trong tài khoản… trong khi phí NH lại đồng loạt tăng cao khiến công luận không khỏi lo lắng.
Tội phạm chuyển hướng vào khách hàng
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin NH Nhà nước (NN), cho hay mỗi ngày có 285.000 mã độc mới xuất hiện. Tuy thế, rủi ro thanh toán thẻ ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với các nước trên thế giới.
“NH và khách hàng đang đối diện với nguy cơ, rủi ro về việc mất an toàn mạng. Việt Nam vừa xảy ra một số vụ việc. Hệ thống công nghệ của NH được trang bị đầu tư khá tốt nên tội phạm chuyển hướng sang đối tượng dễ tổn thương hơn là khách hàng. Dù có nhiều hướng dẫn kỹ năng cho khách hàng, có bộ phận hỗ trợ trực tuyến, có quy trình, biện pháp phòng ngừa, nâng cao hệ thống công nghệ thông tin nhưng các vụ mất cắp đã xảy ra rồi” - ông Hùng nói.
Chuyên gia NH - TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định gửi tiền vào NH vẫn là an toàn nhất nhưng ông Hiếu băn khoăn: “Mức độ, cường độ, tần suất rủi ro ngày càng nhiều. Vậy vấn đề bảo mật an toàn có đang xấu đi không? Có hai lý do chính gây thiệt hại cho khách hàng là kỹ thuật và con người”.
Nhiều ý kiến cho rằng chủ thẻ ngân hàng đang bị gánh quá nhiều loại phí. Ảnh: HTD
Nguyên nhân về kỹ thuật có thể do các tường lửa chưa đảm bảo, hạ tầng công nghệ thông tin chưa được cập nhật… Còn nguyên nhân từ con người thì có thể do khách hàng không tuân thủ các yêu cầu bảo mật của NH hoặc do cán bộ NH câu kết với tội phạm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Điều này cho thấy việc kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của NH còn nhiều thiếu sót.
“Theo tôi, nguyên nhân về con người đang chiếm phần lớn hơn nguyên nhân về công nghệ. Nhưng nguyên nhân từ con người dễ điều chỉnh hơn nguyên nhân từ công nghệ vì nguyên nhân công nghệ đòi hỏi đầu tư rất lớn” - TS Hiếu nhận định.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng sau những vụ việc như có vụ khách hàng mất hàng trăm tỉ, NHNN đã đưa ra những khuyến cáo các NH rà soát bảo mật, quy trình… nhưng chưa đủ.
“Tôi đề xuất NHNN phải ra quy chế không cho cán bộ NH đến nhà làm giao dịch tiền mặt, việc phục vụ hồ sơ khác thì được. Ở Việt Nam cho phép như vậy tạo ra rủi ro cả về kỹ thuật và con người. Ở Mỹ việc này không được phép” - ông Hiếu khẳng định.
Phí ngân hàng vẫn còn thấp?
Một vấn đề khác được quan tâm chính là phí NH liên tục tăng trong thời gian gần đây dẫn đến phí chồng phí, tạo gánh nặng lớn cho khách hàng. Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Thẻ NH Việt Nam, nói các loại phí với chủ thẻ là “phù hợp với thông lệ quốc tế”, bao gồm: Phí phát hành, phí thường niên, phí giao dịch và đặc biệt là phí rút tiền mặt.
“Thông tư 35/2012 của NHNN quy định mức trần phí rút tiền mặt là 3.000 đồng/lần nhưng thực tế các NH chưa tăng theo khung. Hội Thẻ NH Việt Nam năm nào cũng họp và đang cân nhắc rất nhiều về mức phí hiện nay còn thấp so với khung quy định” - ông Tuấn nói.
Một loạt ngân hàng tăng phí Đến hết năm 2017, Việt Nam đã có 132 triệu thẻ NH, hơn 1,4 lần so với dân số. Nhiều ý kiến cho rằng chủ thẻ NH đang bị gánh quá nhiều loại phí. Thế nhưng mới đây, không chỉ Agribank mà một loạt NH như Vietcombank, VIB, Eximbank… cũng tăng một loại phí dịch vụ. Chẳng hạn từ đầu tháng 3, Vietcombank thu phí SMS Banking tăng từ 8.800 lên 11.000 đồng mỗi tháng (đã bao gồm VAT). Ngoài ra, nếu trước đây người dùng Vietcombank chuyển khoản trong cùng hệ thống qua ứng dụng Mobile Banking hay Mobile Bankplus được miễn phí thì hiện cũng mất phí. |
Nhưng chuyên gia NH Nguyễn Thị Mùi tỏ ra không đồng tình. Bà Mùi đặt vấn đề: “Có nhất thiết đầu tư một cây ATM bao nhiêu tiền thì phải phân bổ hết chi phí vào cho người dùng hay không?”. Bởi theo bà Mùi, khách hàng than phiền phí NH vẫn là tận thu, phí chồng lên phí.
Bà Mùi dẫn lại những liệt kê về chi phí của một số NH và cho rằng: Mỗi giao dịch ATM hiện tốn 7.000 đồng, thậm chí lên tới 10.000 đồng, cao hơn rất nhiều so với mức thu 3.300 đồng của một số đơn vị. Từ đó bà Mùi đề nghị Hội Thẻ nên đưa ra một mức thu phí hài hòa lợi ích của các NH nhưng cũng đáp ứng nhu cầu mong muốn của người tiêu dùng hơn.
Đáp lại, Chủ tịch Hiệp hội Thẻ NH Việt Nam Đào Minh Tuấn vẫn “kiên định” ý kiến rằng các NH mà bà Mùi thống kê thể hiện rằng mức phí đang thu là thấp. “Theo tôi, trần NHNN đưa ra 3.000 đồng là bất đắc dĩ. NH nếu có tăng cũng không được quá 3.000 đồng. Nhưng xu hướng giao dịch bằng thẻ tăng từ 0,7% năm 2013 lên gần 3% là xu hướng tốt rồi. Đến thời điểm sử dụng đến 20% thanh toán thẻ thì các NH sẽ phải giảm đi chứ không tăng phí lên nữa” - ông Tuấn nói.
Mặt khác, với con số 7.000-10.000 đồng phí rút tiền mặt mỗi lần mà bà Mùi đề cập, ông Tuấn nói con số này đã tính hết cả chi phí cơ hội. “Có những ATM 16 năm vẫn đang hoạt động. Với lượng rút tiền mặt lớn như Việt Nam thì chi phí bảo trì, chi phí cung ứng tiền mặt thì không nước nào so được với Việt Nam. Chỉ khi tỉ lệ dùng thẻ để mua sắm tăng lên thì chi phí mới giảm” - ông Tuấn khẳng định.
4 rủi ro chính trong thanh toán ngân hàng Ông LÊ MẠNH HÙNG Rủi ro trong thanh toán chưa có thống kê đầy đủ nhưng quốc tế thống kê có bốn rủi ro chính: Hạ tầng công nghệ; rủi ro vận hành hệ thống do thao tác sai sót; khách hàng; đạo đức nhân viên NH. Trong đó, rủi ro từ vận hành và khách hàng chiếm 80%. Để giảm thiểu rủi ro hệ thống NH thế giới và Việt Nam không phụ thuộc vào sự việc rủi ro cụ thể mà phải dựa vào phân loại cấp độ của hệ thống thông tin. Cho nên các quy định về tiêu chuẩn an ninh bảo mật đều rất đầy đủ. Ngành NH đã có trang bị khá tốt về công nghệ thông tin nên rủi ro chuyển sang chỗ dễ tổn thương hơn là khách hàng. Vừa rồi đã xảy ra một số vụ việc tội phạm lừa đảo lấy thông tin, lợi dụng điểm yếu của thẻ từ để sao chép, phát hành thẻ giả. NHNN đang có chính sách xử lý lỗ hổng về công nghệ, thủ tục để hỗ trợ khách hàng tốt hơn như giải pháp chống tội phạm, ngăn ngừa hành vi giao dịch đáng ngờ. Ông LÊ MẠNH HÙNG, |