Từ 12-5, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) sẽ tăng phí rút tiền nội mạng từ mức 1.000 đồng lên 1.500 đồng/giao dịch. Nếu tính cả VAT, chủ thẻ sẽ phải trả 1.650 đồng cho mỗi lần rút tiền mặt.
Ngoài phí rút tiền nội mạng, ngân hàng này cho biết cũng tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM và tại ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/lượt.
Người dùng nhấp nhỏm
Động thái này khiến nhiều khách hàng lo lắng bởi đối tượng sử dụng thẻ ATM của Agribank chủ yếu là công chức, viên chức nhận lương hằng tháng. Nếu mỗi giao dịch đều tăng lên thì tổng số phí phải trả sẽ không còn là khoản nhỏ.
Anh Nguyễn Văn Thanh, viên chức tại một trường cao đẳng, chia sẻ: “Mỗi tháng lãnh lương vì cố để dành nên tôi thường rút làm nhiều lần, mỗi lần một ít. Tất nhiên, mỗi lần chưa tới 2.000 đồng thì đâu ai thấy nhiều nhưng cộng lại nhiều lần thì rất khó chịu. Lương viên chức cũng thấp, chúng tôi để tiền trong tài khoản ngân hàng cũng có lợi mà”.
Người dùng rút tiền tại ATM Agribank. Ảnh: baodongnai.vn
Nói về phí chuyển khoản, chị Thu Trang, một chủ shop online, cho biết: "Đa phương tiện thì khả năng liên kết ngân hàng phải ngày càng tiện lợi, càng ít chi phí hơn chứ sao lại tăng? Còn phí rút ATM tăng sẽ khiến khách hàng rút sạch tiền luôn, không giữ trong thẻ nữa, thiệt thòi là ngân hàng thôi”.
Thúc đẩy hạn chế dùng tiền mặt
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, trả lời trên báo Tuổi Trẻ cho biết ngân hàng đã dự kiến tăng phí từ lâu nhưng đến nay mới thực hiện. “Ngân hàng Nhà nước cho mức trần là 3.300 đồng/giao dịch nhưng thời gian qua các ngân hàng, trong đó có Agribank vẫn duy trì mức phí sau thuế là 1.100 đồng/giao dịch. Dù phí tăng nhưng vẫn dưới mức trần và việc tăng này không đáng kể, chỉ bù đắp được một phần rất nhỏ chi phí” - bà Phượng nói.
Đại diện Ngân hàng Agribank thông tin thêm ngân hàng đã phát triển các kênh thanh toán cũng như nhiều tiện ích khác nhau nhằm phục vụ cho khách hàng tăng cường thanh toán trực tuyến, hạn chế dùng tiền mặt.
Thực tế, phần mềm Agribank trên smartphone có thể cho khách hàng thanh toán nhanh chóng các hóa đơn điện, nước, điện thoại, cước viễn thông, truyền hình… Ngoài ra, tuy hiện nay ngân hàng này chưa phát triển nhiều về thẻ tín dụng nhưng với thẻ ATM khách hàng vẫn có thể thanh toán bằng cách cà thẻ tại các cửa hàng.
Cà thẻ thanh toán tại máy POS. Ảnh minh họa
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, chị Thùy Linh cho biết chị đặt mã pin thẻ ATM của mình là tám ký tự, điều này đã gây khó khăn không ít khi chị thanh toán tại các máy POS thường xuyên bị báo lỗi. Các nhân viên thì hỏi vì sao thẻ của chị mã pin lại đến tám ký tự mà không phải bốn hay sáu. “Dùng thẻ ATM điểm hạn chế là giao dịch sẽ trừ trực tiếp trên số dư tài khoản của mình, không được ứng trước hay trả chậm như thẻ tín dụng” - chị Linh nói.
Dù ngân hàng lý giải tăng phí là để khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, trong tình hình thanh toán bằng thẻ tín dụng trực tuyến còn khá rủi ro về bảo mật thì khách hàng sẽ ưu tiên chuyển khoản. Như vậy, để khuyến khích dùng thì giảm phí hoặc kết hợp, tăng giá trị các dịch vụ đi kèm sẽ có tác dụng nhiều hơn.
Theo các ngân hàng, ATM là tiện ích nên khách hàng phải trả phí khi sử dụng. Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống này các ngân hàng cũng hưởng lợi khi giảm được chi phí giao dịch trực tiếp và chủ thẻ cũng luôn duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản. Do vậy, thay vì tăng đại trà như phí rút tiền nội mạng, phí Internet Banking... rất dễ vấp phải sự phản ứng, ngân hàng nên cung cấp gói sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tài chính để từ đó thu phí. TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính-ngân hàng |