Theo Press TV, dưới chỉ thị của Lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ, hai chiếc oanh tạc cơ B-1 ngày 29-7 đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Hai chiếc B-1 sau đó gia nhập với các chiến đấu cơ của Nhật Bản và Hàn Quốc rồi bay qua bán đảo Triều Tiên và căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc.
Các máy bay này thực hiện nhiệm vụ kéo dài 10 tiếng đồng hồ, bao gồm huấn luyện xếp đội hình và đánh chặn. Nhiệm vụ này nhằm đáp trả trực tiếp vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm 28-7 và vụ phóng Hwasong-14 hôm 4-7, theo thông cáo từ không quân Mỹ.
Hai oanh tạc cơ B-1 của Mỹ hôm 29-7 bay qua bán đảo Triều Tiên đáp trả vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa mới đây. Ảnh: REUTERS
“Triều Tiên vẫn là đe dọa cấp bách nhất cho sự ổn định của khu vực. Ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên chúng tôi có trách nhiệm với các đồng minh và quốc gia chúng tôi trong việc thể hiện cam kết bền vững của chúng tôi, đồng thời lên kế hoạch phòng trường hợp xấu nhất xảy ra. Nếu có biến, chúng tôi sẵn sàng đáp trả một cách nhanh chóng, quyết liệt và áp đảo theo thời gian và địa điểm cho chúng tôi quyết định” - Terrence O'Shaughnessy, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, nói trong một thông cáo hôm 29-7.
Hôm 29-7, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố toàn bộ lục địa Mỹ đang nằm trong tầm bắn của tên lửa mới được phóng thử. Tên lửa này là phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 bay được 998 km trong vòng khoảng 47 phút ở độ cao tối đa 3.725 km.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), ông Kim cho biết tên lửa tầm xa này đã chứng minh khả năng tấn công bất ngờ của Bình Nhưỡng và là “lời cảnh báo nghiêm trọng” cho Washington.
Đáp trả vụ phóng, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã tiến hành tập trận quân sự với màn phóng tên lửa đất đối đất.