2 vợ chồng bị oan và 13 năm đòi công lý

Đó là trường hợp của hai vợ chồng ông Cao Văn Bạch và bà Tôn Thị Na ở TP Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 2003, cả hai vợ chồng ông Bạch, bà Na được đình chỉ điều tra vì hành vi không cấu thành tội phạm nhưng đến nay họ vẫn chưa được cơ quan tố tụng minh oan.

Bị khởi tố vì chậm trả nợ

Câu chuyện bị oan của vợ chồng ông Bạch, bà Na bắt nguồn từ việc vay tiền làm ăn nhưng chậm thanh toán nợ do gặp khó khăn.

Năm 1992, ở thị xã Rạch Giá, Kiên Giang, không ai không biết đến DNTN Tuấn Sang chuyên ngành đánh bắt hải sản do ông Cao Văn Bạch và bà Tôn Thị Na làm chủ. Với hai con tàu đánh cá có tải trọng 30 và 35 tấn, doanh nghiệp của ông Bạch, bà Na thuộc loại ăn nên làm ra thời đó.

Để phát triển và mở rộng kinh doanh theo chủ trương đánh bắt xa bờ của Nhà nước, năm 1995, ông Bạch, bà Na quyết định vay tiền của Ngân hàng Công Thương tỉnh Kiên Giang và một số cá nhân là bạn bè, người quen để đóng mới hai con tàu đánh cá có tải trọng 60 tấn. Doanh nghiệp Tuấn Sang trở thành điển hình làm ăn giỏi của ngư dân địa phương. Tuy nhiên, việc làm ăn cũng có khi gặp bất trắc, tàu gặp nạn bị hư hỏng nên ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thanh toán nợ.

Năm 1997, vợ chồng ông Bạch bị CQĐT công an tỉnh khởi tố và VKSND tỉnh Kiên Giang truy tố về hai tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân, theo khoản 3 Điều 158 và khoản 3 Điều 135 BLHS. Cả hai bị quy kết chưa thanh toán nợ cho 19 người với tổng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng, 890 chỉ vàng (cả vốn và lãi); vay Ngân hàng Công Thương tỉnh Kiên Giang 1,4 tỉ đồng còn nợ hơn 7,9 triệu đồng; thiếu tiền dầu của Cửa hàng số 1 Công ty Thương nghiệp Kiên Giang hơn 213 triệu đồng.

Trong khi đó, vợ chồng ông Bạch, bà Na có chứng cứ chứng minh thiện chí thanh toán nợ, không chiếm đoạt tiền của các chủ nợ, đã thanh toán các hợp đồng tín dụng của ngân hàng…

Hai vợ chồng ông Cao Văn Bạch và bà Tôn Thị Na ở TP Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh: KT

Hai lần bị hủy án

Vụ án của vợ chồng ông Bạch, bà Na đã qua bốn lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

Xử sơ thẩm lần 1 năm 1998, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt ông Bạch 15 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, 20 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân. Tổng hợp hình phạt chung là 20 năm tù (mức cao nhất của tù có thời hạn lúc đó). Còn bà Na (vợ ông) thì bị tòa xử phạt ba năm tù treo về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Bạch, bà Na kháng cáo kêu oan lên cấp phúc thẩm. Tháng 11-1999, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm lần 1 đã tuyên hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm nói trên, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.

Xử sơ thẩm lần 2 năm 2001, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt ông Bạch năm năm tù, bà Na ba năm tù treo, cùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 140 BLHS năm 1999.

Ông Bạch, bà Na tiếp tục kháng cáo kêu oan vì cho rằng việc làm của họ chỉ là quan hệ vay mượn dân sự chứ không phạm tội hình sự.

Xử phúc thẩm lần 2 năm 2002, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại một lần nữa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Đình chỉ lý do này nhưng thông báo lý do kia

Trong quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án, ông Bạch đã bị bắt tạm giam 42 tháng. Từ một doanh nghiệp có cơ ngơi rất lớn với bốn tàu đánh cá xa bờ, ông Bạch, bà Na sau đó đã trắng tay.

Hơn một năm sau khi tòa phúc thẩm hủy án, ngày 7-4-2003, ông bà nhận được thông báo của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang thông báo về vụ án liên quan đến mình. Thông báo nêu rõ: “Xét thấy hành vi của Cao Văn Bạch, Tôn Thị Na theo BLHS năm 1999 (không cấu thành tội phạm), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định số 01, 04, 01, 03 ngày 7-4-2003 đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với Cao Văn Bạch, Tôn Thị Na” (trích nguyên văn).

Căn cứ vào nội dung thông báo trên của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang, ông Bạch và bà Na đã làm đơn yêu cầu bồi thường oan theo Nghị quyết 388 (ông bà không nhận được các quyết định đình chỉ điều tra).

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời ông bà, TAND tỉnh Kiên Giang đã cho rằng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang căn cứ vào khoản 1 Điều 25 BLHS để đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Vì vậy, trường hợp của ông Bạch, bà Na không thuộc diện được bồi thường oan theo Nghị quyết 388.

Từ trả lời của tòa, vợ chồng ông Bạch mới đến VKSND tỉnh Kiên Giang xin sao chụp các quyết định đình chỉ. Và quả thật, CQĐT đã đình chỉ theo khoản 1 Điều 25 BLHS (miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình).

Quá bức xúc, ông Bạch, bà Na liên tục gửi nhiều đơn khiếu nại, kêu oan đến các cơ quan từ trung ương đến địa phương nhưng đều không nhận được trả lời.

Ông Bạch ngậm ngùi: “Đã gần 70 tuổi, phải chịu đựng quá nhiều mất mát, oan trái, cuối đời vợ chồng tôi chỉ mong được giải oan, được nhận lại các khoản bồi thường do bị xử lý oan. Nhưng đến giờ phút này, chúng tôi cũng không biết kêu đến đâu nữa để được giải nỗi oan ức này”.

Gặp lại cố nhân khi nỗi oan chưa được giải

Sáng 3-10, luật sư cộng sự của tôi thông báo có một cặp vợ chồng ngư dân ở Kiên Giang đi xe đò từ đêm qua lên TP.HCM chỉ xin gặp tôi để ôm một cái. Tôi bán tín bán nghi. Luật sư cộng sự tôi khuyến khích rằng anh cứ gặp đi, họ hiền lành lắm. Tôi đồng ý gặp…

Vừa vào phòng tiếp khách, hai vợ chồng người dân nhào tới ôm hôn tôi. Rồi họ nghẹn ngào đưa cho tôi một bản án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) từ năm 2002 với thành phần HĐXX gồm Thẩm phán Nguyễn Bá Khôi, tôi và Thẩm phán Lê Thị Ngọc Lâm. Phiên tòa ấy do kiểm sát viên Trần Ngọc Lẫm ngồi ghế công tố.

Ra là vợ chồng ông Cao Văn Bạch và bà Tôn Thị Na ở TP Rạch Giá, Kiên Giang. Ký ức ùa về. Tôi nhớ phiên tòa ấy HĐXX phúc thẩm (lần 2) đã hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang kết án họ về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Vợ chồng ông Bạch, bà Na còn đưa kèm theo một thông báo của CQĐT Công an tỉnh Kiên Giang về việc đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can hai vợ chồng họ nói rõ hành vi của họ không cấu thành tội phạm! Tất nhiên hồ sơ còn kèm những quyết định đình chỉ với lý do khác với lý do vừa nêu trong bản thông báo vừa nói.

Mặc dù đã 14 năm nhưng họ vẫn nhớ và kể từng lời thẩm vấn của HĐXX, của kiểm sát viên. Họ khóc khi nói về những ngày bị giam, sự trắng tay vì bị tù tội.

Tôi muốn thông báo thông tin về cuộc gặp gỡ này đến anh Nguyễn Bá Khôi, cựu Thẩm phán chủ tọa và Thẩm phán Lê Thị Ngọc Lâm biết nhưng lại nghẹn ngào khi nghĩ về cố kiểm sát viên Trần Ngọc Lẫm. những người tiến hành tố tụng ở phiên tòa hôm ấy đã góp phần minh oan cho hai vợ chồng này.

Nhìn cảnh hai vợ chồng ông Bạch, bà Na buồn thảm, tôi quyết định công ty luật của mình sẽ nhận lời tư vấn miễn phí để họ tiếp tục đi tìm công lý dù biết rằng hành trình ấy sẽ rất gian nan…

Luật sư PHẠM CÔNG HÙNG,
nguyên Thẩm phán TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm