Ngày 20-1 (giờ địa phương), thủ đô Washington, D.C. sẽ chào đón lễ nhậm chức của tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Lúc 14 giờ ngày 19-1, Tổng thống đắc cử Donald Trump và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence sẽ tham dự nghi thức đặt hoa tưởng niệm các tử sĩ tại nghĩa trang quốc gia Arlington (bang Virginia).
Trước đó tại thủ đô, chương trình hòa nhạc mở màn tại đài tưởng niệm Lincoln. Tối cùng ngày, ông Trump sẽ phát biểu tại chương trình hòa nhạc thứ hai cũng tại đài tưởng niệm Lincoln (có truyền hình trực tiếp). Chương trình kết thúc bằng màn bắn pháo hoa.
Sáng 20-1, tổng thống và phó tổng thống đắc cử cùng gia đình dự lễ tại nhà thờ Giáo hội Tân giáo St John, gần Nhà Trắng.
Sau đó, Tổng thống Obama và phu nhân sẽ cùng uống trà với ông Trump và phu nhân tại Nhà Trắng. Kế tiếp họ cùng đi đến tòa nhà Quốc hội.
Nghi thức nhậm chức bắt đầu lúc 9 giờ 30 bằng chương trình ca nhạc. Trong số khách mời có các nghị sĩ, các thẩm phán Tòa án Tối cao và các nhà ngoại giao.
11 giờ 30 bắt đầu diễn văn khai mạc và phát biểu của các đại diện tôn giáo. Kế đến, ông Mike Pence sẽ tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống trước thẩm phán Tòa án Tối cao Clarence Thomas.
Tổng thống Obama tại cuộc họp báo cuối cùng ngày 18-1. Ảnh: NYT
Đúng 12 giờ trưa, ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống trước thẩm phán John Roberts, Chánh Tòa Tối cao.
Sau đó ông sẽ đọc diễn văn nhậm chức. Kế đến giọng nữ cao (soprano) Jackie Evancho, 16 tuổi, sẽ hát quốc ca.
12 giờ 30, nghi thức nhậm chức kết thúc. Theo truyền thống, Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ dùng bữa trưa tại Quốc hội.
Từ 15 giờ đến 17 giờ cùng ngày, tân tổng thống và tân phó tổng thống tham dự diễu hành dọc đại lộ Pennsylvania. 8.000 người đại diện cho mọi tầng lớp cùng tham gia.
Buổi tối, tân tổng thống và tân phó tổng thống cùng các phu nhân sẽ đến dự ba cuộc khiêu vũ chính thức.
Từ 10 giờ đến 11 giờ ngày 21-1, họ sẽ tham dự nghi thức liên tôn cầu nguyện tại nhà thờ chánh tòa Washington.
Chi phí cho tuần lễ nhậm chức tổng thống Mỹ ước tính lên đến 200 triệu USD. Đây chỉ là con số ước tính vì không thể biết mức chi cụ thể, bởi chi phí gồm nhiều quỹ tư nhân và quỹ công đóng góp ở nhiều cấp.
Chỉ có điều chắc chắn trong lễ nhậm chức lần này, quỹ tư nhân đóng góp sẽ nhiều hơn, đặc biệt từ các doanh nghiệp lớn như Boeing, Chevron, AT&T, UPS, JPMorganChase, Bank of America, Deloitte.
Nói chung không có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh chuyện các doanh nghiệp tài trợ cho lễ nhậm chức tổng thống.
Theo New York Times, nhà tài trợ tư nhân sẽ được hưởng tiêu chuẩn thành viên VIP và có thể ra vào các chương trình lớn tổ chức trong tuần nhậm chức.
Ngày 18-1, tại cuộc họp báo cuối cùng ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã nêu các điểm chủ yếu như sau: • Vì lợi ích nước Mỹ nên ông duy trì quan hệ xây dựng với Nga trong khi Nga ngày càng leo thang phát biểu chống Mỹ. • Công lý đã được thực thi sau khi ông giảm án cho binh nhì Chelsea Manning, cựu nhân viên tình báo đã chuyển hơn 700.000 tài liệu mật cho WikiLeaks. • Đối với một số vấn đề, hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ nhận ra mức độ phức tạp và không loại bỏ như cải cách y tế và việc làm. • Mỹ phải tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trên thế giới để bảo vệ nhân quyền, phụ nữ và tự do ngôn luận. • Xung đột Israel - Palestine có thể sẽ bùng nổ. • Ông Obama sẽ tiếp tục bày tỏ quan điểm về các vấn đề như phân biệt chủng tộc, quyền bầu cử, tự do báo chí, người nhập cư. • Ông không có ý định trở lại chính trường, ông chỉ muốn viết và tận hưởng niềm vui gia đình. _______________________________ 90 triệu USD là tiền tư nhân tài trợ cho lễ nhậm chức tổng thống. Phần còn lại do Ủy ban Phối hợp lễ nhậm chức tổng thống của Quốc hội lấy quỹ công chi trả. Khoản chi nặng nhất là công tác bảo đảm an ninh với mức chi 30 triệu USD. |