Chiều 26-8, Sở TN&MT TP.HCM tổ chức họp báo về định hướng của TP về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chuyển đổi sang công nghệ đốt phát điện. Theo đó, TP định hướng tới năm 2020, 50% rác thải sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện.
Hiện nay, việc xử lý chất thải của TP chủ yếu là chôn lấp. Một phần chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng). Ngoài ra, rác còn để sản xuất phân bón và tái chế nhưng tỉ lệ xử lý còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của TP.
Mặc dù các bãi chôn lấp tại TP là chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế của TP ở giai đoạn trước đây, trong đó hạn chế lớn nhất là tồn tại mùi hôi trong một số thời điểm.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, mô hình đốt rác phát điện được UBND TP chấp nhận chủ trương. Theo đó, từ nay đến năm 2020, TP sẽ cấp phép ba đơn vị xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện gồm Công ty CP Đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Công ty CP Vietstar; Công ty Môi trường Tasco Củ Chi.
Ông Nguyễn Toàn Thắng phát biểu trong buổi họp báo. Ảnh: NC
Cũng theo ông Thắng, không vì thời gian gấp mà sở buông lỏng việc cấp phép và hoàn thành thủ tục. “Chúng tôi luôn chú trọng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường và xây dựng nhằm đảm bảo các dự án trên sau khi hoàn thành được đưa vào hoạt động hiệu quả” - ông Thắng khẳng định.
Ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa, cho biết theo dự kiến tháng 10-2019 sẽ triển khai xây dựng nhà máy mới chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện với tổng điện tích 20 ha.
Công ty kiến nghị TP, các sở, ban, ngành hỗ trợ tối đa hơn nữa cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cần thiết cho dự án sớm triển khai. Đồng thời, kiến nghị TP cần có cơ chế đặc thù hoặc ưu tiên về thủ tục cần thiết cho loại hình dự án này.
Chia sẻ tại buổi họp, ông Ngô Như Hùng Việt, Giám đốc Công ty cổ phần VietStar, cho biết hiện công ty có nhà máy diện tích 30 ha ở Củ Chi. Giai đoạn năm 2020, công suất của nhà máy là 2.000 tấn/ngày đêm, đến năm 2021 sẽ nâng lên 4.000 tấn/ngày đêm.
Trả lời báo chí về việc xử lý khí thải phát sinh từ lò đốt, ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, cho biết việc xử lý khí thải phát sinh từ lò đốt là một tiêu chí quan trọng. Theo đó, việc xử lý khí thải phải đáp ứng đúng quy chuẩn, kỹ thuật đối với lò đốt, phát điện mà Bộ TN&MT ban hành.
“Một trong những nội dung quan trọng trong việc thẩm định và phê duyệt của Bộ TN&MT là biện pháp xử lý khí thải và biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi sự cố xảy ra. Trong giai đoạn thẩm định, bộ sẽ xem xét đầy đủ những tiêu chí này để đảm bảo khí thải phát sinh ra được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường” - ông Hiền nhấn mạnh.