Ngày 15-8, PLO có cuộc trao đổi với ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, liên quan hai lò đốt rác đang được triển khai tại Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) và Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành). Đây là hai vị trí thời gian qua bị một số người dân phản ứng không cho làm nhà máy vì lo ô nhiễm.
Ông Thanh cho hay rất chia sẻ với người dân địa phương bởi tâm lý chung là không ai muốn đưa rác về nơi mình sinh sống. “Chúng tôi đã có đối thoại với dân và sẽ tiếp tục đối thoại trong thời gian sắp tới để tạo sự đồng thuận” - ông Thanh nói.
Bãi rác xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam bắt đầu đóng cửa và tỉnh này đang xây dựng lò đốt rác Đại Nghĩa thay thế. Ảnh: HL
Theo ông Thanh, lò đốt rác Đại Nghĩa và Tam Xuân 2 là hai khu xử lý rác thải tập trung quan trọng nhằm giải quyết việc thu gom, xử lý rác thải cho các địa phương trọng điểm ở phía bắc và phía nam của tỉnh.
Các vị trí này được lựa chọn phù hợp với quy định pháp luật, phân vùng hợp lý để chi phí vận chuyển chấp nhận được, trên cơ sở khảo sát thực tế là lấy ý kiến người dân nhiều lần.
“Công nghệ đốt hiện nay dù chưa phải tuyệt đối an toàn trong xử lý rác thải nhưng dẫu sao cũng tốt hơn rất nhiều so với chôn lấp. Ngoài ra, do đặc thù rác ở nước ta rất khó phân loại từ đầu nguồn như các nước tiên tiến, kèm theo điều kiện thời tiết khắc nghiệt… nên sử dụng công nghệ cải tiến của các doanh nghiệp trong nước từ công nghệ tiên tiến của nước ngoài thường phù hợp hơn đối với đặc thù xử lý rác của Việt Nam (VN)” - ông Thanh nói.
Ông Thanh đồng thời khẳng định các công nghệ được áp dụng phải qua kiểm tra, thẩm định nghiêm ngặt theo quy chuẩn, tiêu chuẩn VN, được Bộ KH&CN cấp chứng nhận. Khi triển khai tại một địa điểm cụ thể, lò đốt rác còn phải được một hội đồng chuyên môn thẩm định về công nghệ và đánh giá tác động môi trường.
Về lò đốt rác Đại Nghĩa, ngay sau khi Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) bày tỏ lo ngại nguồn nước thải của lò đốt sẽ gây ô nhiễm đầu nguồn nước Đà Nẵng, người dân địa phương cũng lo ngại theo và cản trở thi công.
“Đây là hiệu ứng lan tỏa của hiện tượng người dân địa phương phản ứng với các khu xử lý rác tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước” - ông Thanh nói.
Liên quan lo lắng của Dawaco, ông Thanh cho hay Sở TNMT Đà Nẵng đã đi kiểm tra thực tế, làm việc với các ngành và địa phương của tỉnh Quảng Nam. Qua đó đã có báo cáo gửi UBND TP Đà Nẵng nêu rõ Lò đốt rác Đại Nghĩa không ảnh hưởng đến nguồn nước Đà Nẵng; không thuộc dự án phải lấy ý kiến cộng đồng về xả nước thải vào nguồn nước công cộng (vì tuần hoàn, không thải ra ngoài môi trường).
Sau đó, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo các ngành của TP và Dawaco tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin với các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Nam, đề xuất Bộ TN&MT đánh giá sức chịu tải của sông Thu Bồn - Vu Gia để định hướng quản lý phù hợp.
“Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam phải cam kết bằng văn bản với nhân dân về bảo vệ môi trường trong thi công và không để nước thải tràn ra ngoài khi đi vào hoạt động. Việc cản trở của người dân đối với lò đốt rác công nghệ mới nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân tỉnh Quảng Nam, trong đó có chính làng xóm, gia đình của họ” - ông Thanh nói.