Ít nhất 22 công dân Mỹ thiệt mạng trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải gaza, Palestine), 17 người vẫn chưa xác định được tung tích, đài CNN dẫn lời Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 11-10.
Các con số cập nhật này tăng đáng kể so với thông báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày trước đó rằng số công dân thiệt mạng là 14. Theo ông Biden ngày 10-10, trong số các con tin bị Hamas bắt làm con tin có nhiều công dân Mỹ nhưng chưa xác định được bao nhiêu người.
Trao đổi với CNN ngày 11-10, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby Jean-Pierre không cho biết liệu Nhà Trắng có tin rằng 17 người Mỹ mất tích đang bị bắt làm con tin hay không, nhưng khẳng định Mỹ đang có “các cuộc đối thoại tích cực” với Israel để giải cứu các con tin.
Mỹ dồn mọi nỗ lực giải cứu con tin
Theo CNN, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ Israel và di chuyển khí tài quân sự đến khu vực để răn đe, các quan chức Mỹ cũng đang ráo riết làm việc ở hậu trường để ghép lại một bức tranh chính xác về thực địa.
Ngày 11-10, Nhà Trắng tổ chức hội nghị bàn tròn với các thành viên của cộng đồng Do Thái. Tại sự kiện này, Tổng thống Biden đã cam kết huy động toàn bộ nỗ lực giải cứu con tin.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Phó Đặc phái viên về vấn đề con tin Steve Gillen đã lên đường tới Israel. Theo CNN, việc ông Gillen sang Israel cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang ưu tiên giải quyết tình hình con tin. Ngoại trưởng Blinken đã kêu gọi các nước đối tác có ảnh hưởng tới Hamas hay có khả năng gửi thông điệp tới nhóm vũ trang này hãy kêu gọi Hamas thả tất cả con tin.
CNN trước đó đưa tin Qatar nằm trong số các quốc gia đàm phán với Hamas về vấn đề con tin. Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói với CNN rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tích cực nỗ lực để cố gắng bảo vệ các con tin bị Hamas bắt giữ.
Một nhóm liên ngành gồm các quan chức Mỹ từ Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng đang cập nhật thông tin về các công dân Mỹ mất tích hoặc đã chết ở Israel, CNN dẫn nguồn một quan chức Mỹ.
Các quan chức Mỹ nhận định tình hình phức tạp khi Hamas bao gồm nhiều nhóm nhỏ và lực lượng dân quân cạnh tranh nhau, tất cả đều hoạt động ở Gaza. Mỹ cần phải xác định được nhóm nào đã bắt và đang giam giữ các con tin và lý do là gì, trước khi có thể đưa ra kế hoạch giải cứu.
Đặc vụ FBI và nhà đàm phán Lầu Năm Góc sang Israel
Mỹ đã cử một nhóm đặc vụ giải cứu con tin thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và nhóm nhà đàm phán thuộc Lầu Năm Góc đến Israel tư vấn cho Lực lượng Phòng vệ Israel về giải cứu con tin.
Các đặc vụ FBI là các thành viên của Nhóm ứng phó sự cố quan trọng của FBI, vốn có nhiều kinh nghiệm giúp giải quyết các sự cố con tin, kể cả ở các vùng chiến sự từ Afghanistan đến Iraq và trên khắp Trung Đông.
Mỹ cũng đặt các lực lượng đặc nhiệm ở “một quốc gia châu Âu gần đó” vào tình trạng báo động.
Mỹ có hiện diện "Lực lượng đặc biệt" ở Israel trước cuộc tấn công của Hamas. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 10-10 xác nhận rằng "Lực lượng đặc biệt" của Mỹ hiện đang hỗ trợ Lực lượng Phòng vệ Israel “lập kế hoạch và tình báo”, nhưng không cho biết liệu phía Mỹ có tham gia vào các hoạt động giải cứu con tin hay không.
Một số nguồn tin của Mỹ nhấn mạnh với CNN rằng các lực lượng đó đang cung cấp kiến thức chuyên môn về các tình huống bắt giữ con tin nhưng không tham gia vào bất kỳ nhiệm vụ nào nhằm giải cứu con tin người Mỹ.
Sáng 7-10, các chiến binh thuộc phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đã bắn 5.000 quả rocket vào Israel. Sau đó lượng lớn chiến binh Hamas tràn qua biên giới và đột kích các khu định cư của người Do Thái gần vùng đất của người Palestine.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố tình trạng chiến tranh. Lực lượng Phòng vệ Israel không kích liên tục sang Dải Gaza, huy động lực lượng, không loại trừ khả năng tấn công trên bộ. Hamas cũng liên tục không kích, nã pháo sang đáp trả.
Sau 5 ngày giao tranh, đã có hơn 2.300 người thiệt mạng ở cả hai bên (Israel mất 1.200 người và Palestine mất 1.100 người). Ít nhất 8.500 người bị thương ở hai bên.