Tối 9-9, UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức khai mạc Hội chợ Na Chi Lăng và các sản phẩm nông sản kết hợp với hội chợ thương mại năm 2022. |
Buổi khai mạc thu hút rất đông người dân và du khách từ nhiều địa phương khác nhau tới tham dự. Hiện nay, diện tích na trên địa bàn huyện Chi Lăng ước đạt trên 2.300 ha trên tổng diện tích khoảng 3.500ha na toàn tỉnh; sản lượng ước đạt 20.000 tấn, doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng. Hàng năm, nông dân Chi Lăng thu nhập từ quả na và cây ăn quả được hơn 1.000 tỷ đồng. |
Hội chợ lần này có 20 gian hàng của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, với các sản phẩm na và nông đặc sản của huyện. Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 là nơi quảng bá, giới thiệu các loại trái cây đặc sản và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Chi Lăng; là nơi tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân; giữ gìn và nâng cao thương hiệu; hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác đàu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh... |
Đồng thời là nơi giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm thu hút các nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực theo hướng bền vững, thu hút du khách để phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn... |
Thương hiệu “Na Chi Lăng” đã vinh dự được Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam vinh danh và trao cúp vàng chứng nhận là thương hiệu nổi tiếng trong top 10 “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”. |
Qua đó đã tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới với nét đặc trưng riêng có của Chi Lăng. |
Nhân dịp này, 3 quả na đạt chất lượng tốt nhất đã được đấu giá thành công trực tiếp tại hội chợ với tổng trị giá 159 triệu đồng, cụ thể: 1 quả na Nữ Hoàng với giá 20 triệu đồng; 1 quả na bở với giá 50 triệu đồng; 1 quả na dai trị giá 89 triệu đồng. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền huyện Chi Lăng cần chủ động và quyết tâm cao trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, của tỉnh. Đồng thời, tập trung nguồn lực phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản trên địa bàn; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; tăng cường quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp. |
Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2022 cho 6 sản phẩm gồm: Na Chi Lăng; Hoa hồi Cao khô Vạn Linh; Trà diếp cá Lụa Vy, Khau nhục Bà Phin đạt hạng 3 sao và 4 sao và Quyết định về việc chứng nhận vườn na mẫu năm 2022 và Quyết định chứng nhận quả na đẹp chất lượng năm 2022. |