Theo đó, trong phi vụ MobiFone mua cổ phần AVG, ông Nguyễn Bắc Son đã nhận đến 3 triệu USD, ông Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD.
Hai cựu bộ trưởng đã đáp ứng các hối thúc, mong muốn có chỉ đạo sớm để bán được cổ phần, gây nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.000 tỉ đồng. Đổi lại, hai ông được cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đút lót bằng số USD nêu trên, quy ra ông Tuấn nhận 4,3 tỉ đồng, ông Son nhận hơn 65 tỉ đồng…
Phải đợi tòa án xét xử thì mới rõ hai cựu bộ trưởng trên có phạm tội nhận hối lộ (và một tội khác về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng) như đề nghị truy tố của CQĐT hay không và nếu có thì như thế nào. Song cần lưu ý là tại thời điểm này, kết luận điều tra không cho thấy có bằng chứng về việc các bên giao nhận tiền. Chi tiết ông Son khai nhận đã đưa cho con gái khoảng 10 lần, mỗi lần 300.000-400.000 USD nhưng không có tài liệu chứng minh càng cho thấy không dễ có căn cứ để xác định việc giao nhận và do vậy rất dễ bị phủ nhận.
Vậy, cũng chỉ là những lời khai và không có giấy tờ chứng minh, vì sao vụ này lần ra được người nhận hối lộ, nhiều vụ khác lại không?
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương (Bộ Công an), lực lượng điều tra hết sức cố gắng mới tra ra được. Vì trong chuyện đưa tiền chỉ có người đưa - người nhận, chỉ anh biết, tôi biết, trời biết, đất biết, ngoài ra không ai biết cả. May là các đối tượng rất thành khẩn, chứ nếu không cũng khó…
Ừ thì cũng nên khen những người “có ăn có chịu” nhưng nếu điều tra viên không nát óc thực hiện các chiến thuật lật tẩy mọi sai phạm, liệu những người đó có chịu thừa nhận? Nói vậy để thấy đối với các hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ thường không có bằng chứng giao nhận tiền, điều quan trọng vẫn là các cơ quan pháp luật có muốn đi đến cùng sự thật hay không. Bởi lẽ nếu muốn thì sẽ là nỗ lực đấu tranh và chuyển hóa các dấu hiệu thành chứng cứ để cho ra chuyện, chấm dứt các kết quả cắt khúc có người đưa nhưng không có người nhận rất trái lẽ đời, không người dân nào chấp nhận cho được.
Một thông tin khác có liên quan cũng cần được mổ xẻ thêm: Bị can Vũ được CQĐT đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt. Với việc được cho là đã thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với CQĐT…, rất có thể yếu tố “đặc biệt” nằm ở mức án chứ không thể là miễn truy cứu tội đưa hối lộ được. Lý do là bị can Vũ không thuộc trường hợp “tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác…” để có thể được miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội này theo luật định.
Mặc dù vậy, qua một số vụ án đã được xét xử xong, vẫn phải thấy quy định “có thể” nói trên cần có tiêu chí cụ thể để tránh sự tùy nghi và góp phần xử lý được nhiều người nhận hối lộ.
BLTTHS và BLHS hiện nay không quy định rõ trình tự, thủ tục, thẩm quyền miễn TNHS nói chung để áp dụng thống nhất cho tội đưa hối lộ. Từ chỗ đó, quyết định miễn TNHS hay không phụ thuộc phần lớn vào nhận thức chủ quan của người tiến hành tố tụng.
Có vụ thì CQĐT, VKS đồng ý miễn TNHS cho người đưa hối lộ chủ động khai báo về người nhận hối lộ trước khi bị phát giác và tòa án không có ý kiến gì khác. Ngược lại, có vụ thì tòa án không chịu và vẫn xử tội người đưa hối lộ bình thường. Trong khi đó, người nhận hối lộ - nhờ các bất lực của CQĐT - vẫn bình chân như vại.
Bất nhất, phi lý vậy thì không thể bảo đảm được nguyên tắc công bằng, bình đẳng và ở mặt nào đó đã không khuyến khích người đưa hối lộ tố cáo người nhận hối lộ nhằm thực hiện triệt để việc phòng, chống tham nhũng.