3 trục đường đặc biệt quan trọng ở TP.HCM

Theo dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc chung TP.HCM (dự thảo lần hai, đang được lấy ý kiến), TP có ba trục đường có tính chất đặc biệt quan trọng về hành chính, thương mại. Đó là các trục: Lê Duẩn (quận 1), Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP) và Nguyễn Tất Thành (quận 4).

Mỗi trục đường có chức năng phù hợp riêng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, cho biết: “Ba trục đường này có tính chất đặc biệt quan trọng về hành chính, thương mại, du lịch và được quy định cụ thể trong dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc chung TP.HCM”.

Cụ thể, ba trục đường này sử dụng các hình thức kiến trúc trang trọng, hấp dẫn, năng động... phù hợp với chức năng của từng trục đường.

Trong dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc chung TP.HCM, Sở QH-KT cho biết trong ba trục đường trên, trục Lê Duẩn (quận 1) thuộc phân khu 2 trong khu trung tâm hiện hữu 930 ha. Phân khu 2 là khu vực tập trung nhiều các công trình có chức năng văn hóa - lịch sử, diện tích khoảng 212,2 ha.

Phân khu 2 sẽ ưu tiên các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đối với các công trình xây dựng quan tâm, đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị kiến trúc, không gian kiến trúc cảnh quan có giá trị văn hóa - lịch sử của TP.

Sơ đồ ba trục đường có tính chất đặc biệt quan trọng ở TP.HCM.
Đồ họa: HỒ TRANG

Nhà thờ Đức Bà - công trình lịch sử quan trọng nằm trên trục đường Lê Duẩn. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Trong các khu vực gần công trình lịch sử như nhà thờ Đức Bà... phải kiểm soát tầng cao xây dựng một cách nghiêm ngặt để bảo tồn cảnh quan lịch sử vốn có. Với đường Lê Duẩn, sẽ khống chế chiều cao và hình thái công trình để không cản trở tầm nhìn giữa Dinh Độc Lập và Thảo Cầm Viên” - Sở QH-KT nêu trong dự thảo.

Trước đó, trong dự thảo được lấy ý kiến lần một có quy định chi tiết hơn về ba trục đường trên. Cụ thể, các trục đường có tính chất đặc biệt quan trọng về hành chính, thương mại, du lịch thì phương án kiến trúc công trình cần được tổ chức thi tuyển hoặc được cơ quan quản lý kiến trúc xem xét chấp thuận phù hợp với chức năng của từng trục đường. Đồng thời, hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp đồng bộ, hiện đại, hướng đến ngầm hóa toàn bộ trong tương lai. 

Ngoài ra, Sở QH-KT TP cũng cho biết các khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù, hằng năm sẽ được rà soát để bổ sung, điều chỉnh danh mục và nội dung quản lý nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Đặc thù của ba tuyến đường

Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, ba trục đường nói trên đều có những đặc thù riêng để cần lưu ý về cảnh quan kiến trúc. Đồng thời cần có quy chế về mặt định hướng để quản lý các công trình, cảnh quan khu vực ba trục đường này.

“Chẳng hạn, đường Lê Duẩn trước đây không cho thương mại. Cao ốc văn phòng hoặc thương mại cũng có nhưng rất ít nên đường khá vắng lặng. Tuyến đường ngắn, trang trọng nhưng lại ít sôi động. Qua quá trình đánh giá, đường đẹp nhưng khá buồn nên nay cho phát triển thêm thương mại là cần thiết” - ông Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Mười, tuyến đường này có nhiều công trình lịch sử quan trọng và đặc thù về hành chính như nhiều đại sứ quán, còn có cả nhà thờ Đức Bà… Do đó, việc quản lý kiến trúc là vấn đề cần phải được kiểm soát như dự thảo quy chế đang quy định là điều hợp lý.

Đối với trục Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng dễ nhận thấy tuyến đường này có đặc thù về du lịch, bởi đây là tuyến huyết mạch kết nối từ trung tâm TP ra sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là đường “bộ mặt TP” nên cần phải có thiết kế đô thị phù hợp. Chỗ nào cao, chỗ nào thấp hay chỗ nào có điểm nhấn cũng cần phải được kiểm soát.

“Còn đường Nguyễn Tất Thành là con đường thương mại dịch vụ vì nó có khu cảng (quận 4). Đường có dải đất bên bờ sông, nếu sau này được giải phóng mặt bằng sẽ thành khu trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng… Đường này được mở rộng và hướng ra bờ sông sẽ tạo ra công viên, cảnh quan bờ sông rất đẹp” - ông Mười đánh giá.

Dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc chung TP.HCM cũng quy định khu cảng quận 4 là khu quản lý đặc thù có chức năng thương mại, có cả khu ăn uống ngoài trời và khu vực buôn bán sầm uất…

Nêu quan điểm của mình, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng ba tuyến đường này có sự quan trọng, có ý nghĩa về cảnh quan nên dự thảo quy chế chú ý đến vấn đề quản lý kiến trúc trên các tuyến này.

“Thật ra, ở TP.HCM có nhiều trục cảnh quan quan trọng, việc quy chế đưa ra ba tuyến hay các khu vực quản lý đặc thù đều có tính chất định hướng để quản lý kiến trúc. Quy chế vẫn đang được lấy ý kiến các bên, cần có thêm sự tham gia của các chuyên gia về pháp luật để quy chế được hoàn thiện hơn về mặt luật, chứ không riêng gì về kiến trúc” - TS Võ Kim Cương phân tích.

 

Góp ý, hoàn chỉnh dự thảo trước ngày 10-11

Ngày 1-11, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản thông báo về kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình về dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc chung TP.HCM.

Theo đó, ông Lê Hòa Bình giao Sở QH-KT TP gửi dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM cho Bộ Xây dựng; các sở, ban, ngành có liên quan; UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức lấy ý kiến góp ý trong bảy ngày làm việc.

Sở QH-KT TP tiếp thu ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo để chuyển Sở Tư pháp TP thẩm định và trình Thường trực UBND TP trước ngày 10-11. Trên cơ sở đó, Thường trực UBND TP xem xét, báo cáo Ban cán sự đảng UBND TP thông qua trước khi trình Ban Thường vụ Thành ủy và HĐND TP theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm