Chấn động nạn tráo sổ đỏ - Bài 2

3 văn phòng công chứng cùng sập bẫy 1 vụ lừa tráo sổ đỏ

Giả đò hỏi mua nhà để xin chụp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (sau đây gọi tắt là sổ đỏ), kẻ gian sau đó làm giả rồi quay lại đòi xem bản chính để tráo lấy sổ đỏ thật.

Giống như nạn nhân được nêu ở bài viết đăng hôm qua (17-10), ông Triệu Hoài Phong là chủ sở hữu hợp pháp căn nhà số 132/1A Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM cũng mắc bẫy chiêu thức lừa đảo mới này.

Trường hợp của ông Phong đã được Pháp Luật TP.HCM phản ánh nhanh trên số báo ra ngày 27-9. Sau số báo đó, chúng tôi đã dành nhiều thời gian lật tẩy đường đi của vụ tráo sổ đỏ này.

Đầu năm 2019, sau khi mua căn nhà trên được một tháng, vợ chồng ông Phong quyết định bán nhà. Giữa tháng 7, khi vẫn chưa bán được nhà thì ông nhận được cuộc điện thoại của một nhân viên ngân hàng phàn nàn ông đã thế chấp nhà sao lại còn mang đi rao bán. Từ cuộc gọi bất ngờ này, ông mới ngớ ra sổ đỏ mà ông đang cất giữ là sổ giả; còn sổ thật đang nằm ở ngân hàng để làm bằng cho một khoản vay mặc dù ông không hề mang nó đi thế chấp!

Đường đi một vụ tráo sổ đỏ để chiếm đoạt nhà. Đồ họa: Thùy Trang

Ông Triệu Hoài Phong, chủ sở hữu hợp pháp căn nhà, nạn nhân bị lừa trong vụ tráo sổ đỏ. Ảnh: Nguyễn Hiền

Thì ra khi ông Phong nhờ môi giới rao thông tin bán nhà trên các trang giới thiệu bất động sản thì có nhiều người đến hỏi mua nhưng do không được giá nên ông không bán.

Cũng thời điểm đó, có một nhóm người đến xem nhà và yêu cầu chụp lại sổ đỏ cùng các giấy tờ tùy thân để về làm hợp đồng mua bán. Tiếp đó, có một nhóm người khác đến xin xem sổ đỏ bản chính. Khi xem xong họ trả sổ và không quay lại nữa.

Và rồi kẻ gian nào đó đã tráo sổ đỏ thật của ông để bán nhà trót lọt và người mua đã mang thế chấp cho ngân hàng khiến ông Phong có nguy cơ bị mất nhà.

Điều đáng lưu ý là có đến ba văn phòng công chứng (VPCC) cùng bị sập bẫy sự giả mạo. Đầu tiên, một VPCC ở Long An đã công chứng hợp đồng ủy quyền căn cứ trên sổ đỏ thật, người giả cùng nhiều giấy tờ tùy thân giả khác. Tiếp nữa, từ hợp đồng ủy quyền này, một VPCC ở TP.HCM đã công chứng hợp đồng mua bán. Sau cùng, một VPCC khác ở TP.HCM đã dựa trên hợp đồng mua bán được sang tên hợp pháp đó để công chứng hợp đồng thế chấp nhà.

Tại thời điểm này, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiếp nhận tin tố giác tội phạm từ ông Phong để điều tra việc ông bị kẻ gian tráo sổ đỏ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vì sao ông Phong không đứng tên trong hồ sơ thế chấp nhà mà ngân hàng biết được ông là chủ sở hữu để gọi điện thoại lưu ý ông với nội dung nêu trên?

Lý do gì VPCC ở Long An đã công chứng hợp đồng ủy quyền cho người giả?

Tại sao mua nhà hơn 10 tỉ đồng nhưng người mua không tiếp xúc với chủ nhà là vợ chồng ông Phong và sau khi mua không đến ở?

Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 12 nói gì về việc đã giải quyết sang tên nhà cho người mua?

Phải chăng ngân hàng vì sự không chặt chẽ nên đã dễ dàng nhận thế chấp nhà từ người mua và không phát hiện được sớm ông Phong chưa bán nhà cho ai cả?...

Bạn đọc có thể tìm thấy các câu trả lời trong phóng sự truyền hình “Lật tẩy một vụ tráo sổ đỏ để chiếm đoạt nhà” phát trên plo.vn vào cùng ngày 18-10.

___________________

Bài 3: Giải pháp ngăn chặn nạn lừa tráo sổ đỏ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm