30 năm sau hiệp ước START II, cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân Nga-Mỹ giờ thế nào?

(PLO)- 30 năm sau Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START II, triển vọng về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ khá ảm đạm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháng 1-1993, chỉ 2 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Tổng thống Nga khi đó là ông Boris Yeltsin và người đồng cấp Mỹ khi đó là ông George Herbert Walker Bush đã ký hiệp ước START II - một hiệp ước nhằm chấm dứt cuộc chạy đua hạt nhân giữa Mỹ và Nga.

Giờ đây, tháng 1-2023, 30 năm kể từ ngày ký kết và gần 1 năm sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thỏa thuận này cũng như những thỏa thuận theo sau nó dường như không còn hiệu lực, theo đài truyền hình Đức DW.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Titan II tại Bảo tàng Tên lửa Titan ở TP Tucson, bang Arizona (Mỹ). Tên lửa này từng là một phần quan trọng trong chương trình phòng thủ của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Ảnh: PICTURE ALLIAN

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Titan II tại Bảo tàng Tên lửa Titan ở TP Tucson, bang Arizona (Mỹ). Tên lửa này từng là một phần quan trọng trong chương trình phòng thủ của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Ảnh: PICTURE ALLIAN

Thời hoàng kim của kiểm soát vũ khí song phương

START là viết tắt của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (Strategic Arms Reduction Treaty) quy định về việc giảm số lượng vũ khí chiến lược (vũ khí hạt nhân tầm xa) của Mỹ và Nga.

START I được ký vào ngày 31-7-1991 giữa Tổng thống Mỹ khi đó là ông George H.W Bush và lãnh đạo Liên Xô khi đó là ông Mikhail Gorbachev. START I chính thức có hiệu lực vào cuối năm 1994. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga kế thừa kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô và ký với Mỹ hiệp ước START II.

START II đề cập việc vô hiệu hóa tất cả các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trên đất liền và giảm số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược xuống mức tối đa 3.000 đến 3.500 cho mỗi bên vào năm 2003.

Chuyên gia khoa học chính trị Johannes Varwick của Đại học Martin Luther Halle-Wittenberg (Đức) nói với DW: “30 năm trước thế giới đã chứng kiến ‘thời kỳ hoàng kim của kiểm soát vũ khí song phương’ sau khi xung đột Đông - Tây kết thúc. START II vừa là kết quả của sự cải thiện trong quan hệ chính trị giữa hai siêu cường vừa là động cơ cho các biện pháp xây dựng thêm lòng tin giữa hai bên”.

Một điều cần lưu ý là vào thời điểm đó, trong một nghị định thư bổ sung, Ukraine, Belarus và Kazakhstan cũng cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân từ thời Liên Xô, điều mà giới lãnh đạo Ukraine ngày nay vô cùng hối tiếc.

START II chưa bao giờ có hiệu lực

Tuy nhiên, trái ngược với START I, START II chưa bao giờ thực sự có hiệu lực.

Các hoạt động quân sự của Mỹ ở Kosovo và Iraq, cùng nỗ lực mở rộng về phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khiến căng thẳng giữa Moscow và Washington gia tăng trở lại.

Moscow cho rằng START II chỉ tồn tại trong điều kiện 2 bên tuân thủ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 1972. Vì thế, START-II chính thức bị khai tử khi Mỹ rút khỏi ABM.

“Khi Mỹ rút khỏi hiệp ước ABM năm 2002, START II cũng đã chết” - nhà sử học Henning Hoff - biên tập viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức nhận định.

Các cuộc đàm phán về một thỏa thuận START III vẫn diễn ra nhưng cuối cùng cũng “tan thành mây khói”.

Tuy nhiên, cả Washington và Moscow vẫn quan tâm đến vấn đề giải trừ hạt nhân. Năm 2002, hai bên ký kết Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tấn công chiến lược (SORT) hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân ở mức 1.700-2.200. Ông Hoff cho rằng con số này “vẫn đủ để hủy diệt Trái đất”.

Cuối cùng, tháng 2-2011, Mỹ và Nga đã đạt được thỏa thuận New START và chính thức có hiệu lực cho đến ngày nay.

New START buộc cả hai quốc gia phải giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống tối đa 1.550 mỗi loại và giới hạn số lượng các hệ thống như ICBM, tên lửa phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom xuống còn 800 mỗi loại. Hiệp ước cũng cho phép mỗi bên có thể kiểm tra số lượng vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước còn lại.

Năm 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden ký gia hạn New START thêm 5 năm, nghĩa là thỏa thuận này sẽ có hiệu lực đến năm 2026.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat - sự bổ sung mới nhất của Nga vào kho vũ khí hạt nhân. Ảnh: IMAGO

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat - sự bổ sung mới nhất của Nga vào kho vũ khí hạt nhân. Ảnh: IMAGO

New START vẫn có hiệu lực, bất chấp xung đột ở Ukraine

Về nguyên tắc, xung đột Nga-Ukraine không làm chấm dứt hiệp ước New START, mặc dù Nga đã “tạm thời” đình chỉ hoạt động thanh tra kho vũ khí hạt nhân của nước này vào tháng 8-2022.

Moscow lập luận rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với máy bay Nga khiến Điện Kremlin không thể đưa các thanh sát viên đến Mỹ để kiểm tra kho hạt nhân của Washington.

Bất chấp những gián đoạn, New START vẫn là hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân song phương duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga hiện nay.

Triển vọng ảm đạm về kiểm soát vũ khí hạt nhân

Giờ đây, thế giới đứng ở đâu về kiểm soát vũ khí hạt nhân? Báo cáo thường niên mới nhất từ viện nghiên cứu hòa bình SIPRI có trụ sở tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) cho biết có “dấu hiệu rõ ràng” vào đầu năm 2022, ngay trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, rằng việc giảm kho vũ khí hạt nhân toàn cầu kể từ khi sau Chiến tranh Lạnh đã đi đến hồi kết.

Báo cáo viết: “Tất cả quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang gia tăng hoặc nâng cấp kho vũ khí của họ. Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại”.

Chuyên gia Varwick cho biết: “Việc kiểm soát vũ khí ngày nay dường như là một tàn tích của quá khứ”. Ông chỉ ra rằng các cường quốc hạt nhân khác như Trung Quốc “chưa tham gia vào bất kỳ khuôn khổ hiệp ước nào trong lĩnh vực hạt nhân, ngoại trừ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Ông Varwick lưu ý kiểm soát vũ khí chiến lược chỉ có thể thực hiện được “thông qua sự cải thiện trong quan hệ chính trị giữa Washington, Moscow và Bắc Kinh - điều khó có thể xảy ra ngày nay. Thế nên, bây giờ là thời điểm hạn chế thiệt hại về vũ khí hạt nhân trước khi đưa ra tầm nhìn lớn hơn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm