3.000 trẻ em đã chết ở Dải Gaza, và bi kịch chưa dừng lại

(PLO)- Trong 3 tuần xung đột Israel-Hamas, khoảng 3.000 trẻ em đã chết ở Dải Gaza, tức gần một nửa tổng số người thiệt mạng, và bi kịch chưa dừng lại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-10, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Đại sứ Palestine - ông Riyad Mansour cho biết tính từ ngày 7-10, khoảng 3.000 trẻ em tại Dải Gaza đã thiệt mạng do xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine), theo hãng thông tấn Anadolu Agency. Con số này chiếm gần một nửa tổng số người chết vì chiến sự ở Dải Gaza 3 tuần qua (khoảng 7.000 người).

“Tôi nhắc lại, 3.000 trẻ em vô tội - các thiên thần - đã bị giết ở Dải Gaza trong 3 tuần qua. Không có thời gian để than khóc. Nhiều người khác cũng đang đi dần đến cửa tử” - ông Mansour nói.

Trên thực tế, số trẻ em thương vong tại Dải Gaza đang tăng lên từng ngày. Điều này dẫn đến những bi kịch khó có thể tưởng tượng được.

3.000 trẻ em tại Dải Gaza thiệt mạng, các em đã phải trải qua những điều gì.jpg
Trẻ em tại Dải Gaza hôm 20-10. Ảnh: REUTERS

Cha mẹ, con cái viết mực đen lên người để nhận dạng lỡ khi thiệt mạng

Ngồi trong bệnh viện al-Shifa ở Dải Gaza, giữa những tiếng than khóc và tang tóc, cô Ahmed Abu al-Saba, 35 tuổi, đang viết tên mình lên cánh tay.

Trả lời hãng Anadolu Agency, cô al-Saba nói: “Chúng tôi viết tên của mình lên tay và tên của những đứa con mình lên tay chúng. Điều này có thể giúp nhận dạng thi thể của chúng tôi nếu máy bay Israel ném bom vào chúng tôi”.

Tại một bệnh viện khác, trên chiếc cán thép là 3 thi thể trẻ em. Một ống quần của một thi thể bị kéo lên. Tại phần chân của thi thể, người ta có thể nhìn thấy dòng chữ viết bằng mực đen.

Bác sĩ Abdul Rahman Al Masri - trưởng khoa cấp cứu bệnh viện al-Aqsa - cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận một số trường hợp cha mẹ viết tên con mình lên chân và bụng”.

Theo bác sĩ Masri, các bậc cha mẹ làm điều này vì họ lo lắng rằng “điều gì đó có thể xảy ra” và họ có thể sẽ không nhận dạng được con mình.

“Điều này có nghĩa là họ cảm thấy mình có thể bị tấn công, bị thương hoặc tử vong bất cứ lúc nào” - ông Masri nói.

Theo đài CNN, vết mực đen là một trong nhiều dấu hiệu thể hiện nỗi sợ hãi và tuyệt vọng của các bậc cha mẹ tại Dải Gaza, trong bối cảnh Israel tấn công khu vực này không ngừng nghỉ.

Người giám sát phòng vệ sinh thi thể ở bệnh viện al-Aqsa cho biết trong cuối tuần trước, ông đã tiếp nhận hơn 200 thi thể. Ông cũng nhìn thấy nhiều thi thể có viết tên mình lên da.

“Điều chúng tôi nhận thấy là nhiều phụ huynh viết tên con mình lên chân để có thể nhận dạng các em sau các cuộc không kích và nếu chúng bị lạc. Đây là một hiện tượng vừa mới bắt đầu ở Gaza” - ông nói.

231019180412-01-week-in-photos-1019.jpg
Những người bị thương, bao gồm trẻ em, tại bệnh viện al-Shifa, Dải Gaza. Ảnh: AP

Kể từ khi xung đột tại Dải Gaza bùng nổ, hàng trăm trẻ em đã được tìm thấy trong các đống đổ nát do không kích. Nhiều cơ thể bị biến dạng đến mức không thể nhận dạng được.

“Nhiều đứa trẻ mất tích, nhiều đứa đến đây với hộp sọ bị vỡ và không thể nhận dạng được các em. Chỉ có chữ viết đó mới xác định được các em là ai” - theo người giám sát phòng vệ sinh thi thể ở bệnh viện al-Aqsa.

Một số nhà hoạt động nhân đạo còn cho biết nhiều gia đình xin được ngủ cùng phòng tại bệnh viện vì họ “muốn được sống chết có nhau”.

Cô Naseralldin Abutaha - một y tá cấp cứu tại bệnh viện al-Shifa - cho biết tại bệnh viện al-Shifa, nhân viên y tế cũng đã bắt đầu viết tên lên tay và chân của những đứa trẻ.

“Có rất nhiều người sắp chết nên chúng tôi viết tên để gia đình họ biết. Khi khuôn mặt của đứa trẻ không còn nguyên vẹn, chúng tôi không cho các gia đình nhìn mặt các em. Thật đáng thương” - cô Abutaha nói.

Nửa số người bị thương là trẻ em

Tại Dải Gaza, các nhân viên y tế phải xử lý hàng trăm vết thương mỗi ngày, trong đó có nhiều trẻ em. Nhiều nhân viên y tế còn phải thực hiện vai trò của chuyên gia tâm lý.

Bé Zina Alabarshly bị thương sau một cuộc tấn công của lực lượng Israel. Bé được đưa đến bệnh viện Nasser ở TP Khan Younis.

Tại đây, bác sĩ Akram Ala’auiny phải thì thầm những lời trấn an bé khi bé không ngừng khóc, mặt thì dính đầy bụi. Bác sĩ Ala’auiny nói với Alabarshly rằng em ấy ổn, đừng sợ và em ấy sẽ sớm về nhà.

Sau đó, bác sĩ Akram Ala’auiny lấy một chiếc găng tay cao su, thổi nó lên như một quả bóng bay rồi đưa cho Alabarshly.

“Vết thương của Alabarshly không nặng, nhưng tình trạng tâm lý của cô bé rất tệ” - bác sĩ Ala’auiny nói.

4L0OKL4_089_MEI_Palestine_SA_IAAKY_20231022_004_jpg.jpg
Một bác sĩ tại bệnh viện ở TP Khan Younis (Dải Gaza) cố gắng trấn an đứa trẻ bị thương. Ảnh: AFP

Theo ông Jason Lee - Giám đốc tổ chức Save the Children tại Dải Gaza, cơ thể trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của vũ khí nổ.

“Cơ thể của trẻ em bị lực của vũ khí nổ ném mạnh hơn và xa hơn. Xương của các em bị tổn thương nhiều hơn, làm tăng nguy cơ bị biến dạng lâu dài và có rất ít khả năng phục hồi” - ông Lee nói.

Tại bệnh viện al-Shifa ở TP Gaza, bác sĩ Ghassan Abu-Sittah ước tính gần một nửa số người bị thương là trẻ em.

Bác sĩ Ghassan Abu-Sittah cho biết hầu hết vết thương của các em là bị tổn thương mô hoặc bị bỏng.

Y tá Abutaha làm việc tại bộ phận cấp cứu bệnh viện al-Shifa nói rằng đôi khi “chúng tôi thậm chí không có thời gian để an ủi hoặc trấn an các em. Chúng tôi cần điều trị cho càng nhiều người càng tốt, càng nhanh càng tốt”.

Vết nhơ ngày càng lớn với lương tâm chung

Một sự việc cực kỳ đau lòng xảy ra tuần qua tại một khu dân cư bị phá hủy ở TP Khan Younis, phía nam Gaza. Tại đây một nhóm người đào bới đống đổ nát đã tìm thấy hai bàn tay. Đó là thi thể của bé Sila Hamdan (11 tuổi).

Khi họ nhấc thi thể của Hamdan ra khỏi những khối xi măng, họ tìm thấy em gái cô bé - bé Tila (9 tuổi) - nằm bên dưới xác Sila.

Theo các quan chức y tế địa phương, hai chị em nhà Hamdan thiệt mạng vào tối 24-10, sau một vụ đánh bom phá hủy khoảng 15 ngôi nhà trong khu vực, khiến ít nhất 37 người chết.

Lực lượng cứu hộ quấn thi thể hai cô bé bằng những tấm khăn trải giường có in hoa. Sau đó, thi thể hai chị em được đưa đến nhà xác.

Theo đài NBC News, cái chết của chị em nhà Hamdan phản ánh rõ ràng nhất hậu quả nặng nề mà xung đột đang gây ra cho người dân Dải Gaza.

Trẻ em chiếm khoảng một nửa trong số gần 2,3 triệu người ở Dải Gaza. Theo báo cáo của tổ chức Save the Children, vào năm 2022, 4 trong số 5 trẻ em ở Gaza đã phải sống trong trầm cảm, sợ hãi và đau khổ. Nhiều em đã có ý định tự tử.

“Tình hình ở Dải Gaza là vết nhơ ngày càng lớn đối với lương tâm chung của chúng ta. Hầu hết trẻ em ở Dải Gaza phải đối mặt những sự việc đau buồn sâu sắc” - theo bà Adele Khodr, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm