Xung đột kéo dài hơn 10 ngày qua giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas khiến hơn 3.400 người dân tại Dải Gaza thiệt mạng và hơn 12.000 người bị thương, theo cơ quan quản lý y tế ở Dải Gaza.
Trong khi đó, những người còn sống đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, nước uống và các nhu cầu thiết yếu khác.
Dải Gaza có khoảng 2,3 triệu dân, trong đó gần một nửa dưới 18 tuổi, theo trang Business Insider. Do đó, trẻ em tại Dải Gaza là một trong những đối tượng chịu tác động lớn nhất từ cuộc xung đột đang xảy ra.
Một báo cáo của tổ chức Cứu trợ Trẻ em (tổ chức hoạt động vì trẻ em trên thế giới, (có trụ sở tại Anh) cho thấy không chỉ về thể chất, trẻ em trong khu vực Dải Gaza là những đối tượng dễ gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần, do lệnh phong tỏa kéo dài 16 năm qua ở khu vực này.
Tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào Hamas xảy ra, hàng trăm nghìn trẻ em tại Dải Gaza và gia đình của các em đã phải rời bỏ nhà cửa.
Trên thực tế, trẻ em và các gia đình ở Dải Gaza đang dần cạn kiệt thực phẩm, sống trong tình trạng thiếu nước, điện, thuốc men. Nguồn viện trợ đến nhỏ giọt càng làm trầm trọng thêm tình hình tại nơi đây.
“Tình hình thật thảm khốc khi những vụ đánh bom không ngừng xảy ra. Trong khi đó, số lượng trẻ em và gia đình phải di dời ngày càng tăng lên. Không có nơi nào an toàn” - bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF, cho biết.
Trong khi đó, theo tổ chức phi chính phủ Bảo vệ Trẻ em Palestine, hơn 1.000 trẻ em ở Dải Gaza đã thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra. Theo đó, tính từ ngày 7-10, trung bình cứ 15 phút là có 1 trẻ em tại Dải Gaza thiệt mạng.
Tổ chức Bảo vệ Trẻ em Palestine cho biết nỗi đau mà trẻ em Palestine ở Dải Gaza phải trải qua không chỉ về mặt thể xác. Chứng kiến cái chết của người thân và của những đứa trẻ khác khiến các em thêm đau khổ, để lại những vết sẹo không thể xóa nhòa trong tinh thần.
Ông Ayed Abu Eqtaish - nhân viên cấp cao của tổ chức Bảo vệ Trẻ em Palestine - cho biết tình hình tại Dải Gaza “thật kinh hoàng”.
“Nói tóm lại, không có ai ở Dải Gaza an toàn. Chúng tôi nhận được báo cáo rằng một số gia đình đã di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tìm nơi ẩn náu. Tuy nhiên, thật không may, khi họ di chuyển đến nơi trú ẩn mới, nơi đó lại bị tấn công” - ông Abu Eqtaish nói.
Ông Abu Eqtaish cho hay trẻ em ở Dải Gaza "suốt ngày đêm" phải tiếp xúc với âm thanh và cảnh tượng của xung đột.
“Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của trẻ em. Tôi nghĩ phần lớn trẻ em đang sống ở Dải Gaza không có đủ sức chịu đựng để vượt qua hoàn cảnh này, vì các em đã kiệt sức từ lâu” - ông Abu Eqtaish nói thêm.
Nỗ lực kêu gọi cứu giúp trẻ em ở Dải Gaza
Ngày 11-10, Tổng thống Brazil - ông Luiz Inacio Lula da Silva kêu gọi quốc tế cần hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em và thường dân trong xung đột Israel-Hamas. Ông Silva cũng kêu gọi Hamas thả các con tin trẻ em, theo hãng tin AFP.
“Không bao giờ được bắt trẻ em làm con tin dù ở bất cứ đâu trên thế giới. Hamas cần thả những đứa trẻ Israel bị bắt. Israel cần ngừng ném bom để trẻ em Palestine và gia đình của các em có thể rời khỏi Dải Gaza" - ông Silva viết trên X (tên mới của Twitter).
Quỹ Education Above All (Qatar) cũng kêu gọi bảo vệ tất cả trẻ em bị cuộc xung đột Israel-Hamas ảnh hưởng. Quỹ này cho rằng "sự gia tăng bạo lực, giết chóc, bắt cóc, đánh bom đã gây ra cái chết và thương tích khủng khiếp cho trẻ em ở Dải Gaza. Ngay cả trước khi cuộc xung đột này xảy ra, 1,1 triệu trẻ em ở Dải Gaza đã cần viện trợ nhân đạo”.
Quỹ Education Above All kêu gọi “các bên chấm dứt ngay các hành vi gây tổn hại nghiêm trọng cho trẻ em. Giết chóc, bắt cóc, đánh bom và cố tình tước đoạt thực phẩm, thuốc men, đánh bom trường học và bệnh viện - những hành động này cấu thành sự vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. Nếu những hành vi này là cố ý, thì đây là tội ác chiến tranh”.
Ngày 13-10, bà Inger Ashing - Giám đốc điều hành của tổ chức Cứu trợ Trẻ em cũng bày tỏ sự lo ngại về tác động của xung đột Israel-Hamas lên trẻ em.
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em lên án việc giết hại thường dân, đặc biệt là trẻ em. Tổ chức này cho rằng trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong mọi xung đột và cần được bảo vệ. Trẻ em có quyền sống trong hòa bình, bất kể các em sinh ra ở đâu, sống ở đâu.
Tổ chức này cũng kêu gọi viện trợ cần phải nhanh chóng mà không bị ngăn cản và xung đột nên chấm dứt.
Ngoài ra, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết tổ chức này cũng đang nỗ lực để hạn chế tác động của xung đột lên trẻ em ở Dải Gaza.
“Để có thể viện trợ cho trẻ em và các gia đình ở Dải Gaza, chúng ta cần một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Có những quy tắc của chiến tranh. Trẻ em ở Dải Gaza cần được hỗ trợ cứu sống và mỗi phút đều có giá trị” - bà Russell nói.
UNICEF cho biết nhân viên của tổ chức này vẫn tiếp tục đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của trẻ em trên khắp Dải Gaza. Tuy nhiên, việc tiếp cận trẻ em tại khu vực này ngày càng trở nên khó khăn và nguy hiểm.
Các nhà hoạt động nhân đạo được cảnh báo rời khỏi Dải Gaza nhưng UNICEF nói rằng nhân viên của tổ chức này sẽ ở lại miền nam Dải Gaza để tiếp tục hỗ trợ cho những trẻ em gặp khó khăn.
“Trẻ em ở mọi nơi phải luôn được bảo vệ. Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi của tổng thư ký Liên Hợp Quốc về việc hủy bỏ yêu cầu hơn một triệu thường dân Palestine rời khỏi phía bắc Dải Gaza. Chúng tôi kêu gọi thực hiện mọi bước có thể để đảm bảo an toàn và bảo vệ trẻ em tại khu vực này" - bà Russell nói.