Theo Bộ Y tế Palestine ở Dải Gaza, tính đến ngày 17-10, ít nhất hơn 3.000 người thiệt mạng và gần 14.000 người bị thương do các cuộc tấn công từ Israel. Còn phía Israel cho biết các cuộc tấn công của Hamas khiến hơn 1.400 người chết và hơn 3.400 người bị thương.
Israel đã bao vây hoàn toàn Dải Gaza, cắt điện, nước, chặn nguồn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men đưa vào Dải Gaza. Điều này khiến tình cảnh người dân Gaza, với khoảng 95% dân số không thể tiếp cận nước sạch và hơn một nửa cư dân phụ thuộc vào hỗ trợ quốc tế cho các nhu cầu cơ bản, càng thêm bi đát.
Bác sĩ phẫu thuật trên đất, hành lang, bệnh nhân không được gây mê
Ngày 17-10, một vụ nổ lớn đã xảy ra ở bệnh viện al-Ahli ở Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng, theo tờ The Wall Street Journal.
Phía Palestine và Hamas cáo buộc Israel không kích bệnh viện và cho biết ít nhất 500 người chết. Israel bác cáo buộc này và cho rằng vụ nổ xảy ra do nhóm Hồi giáo Jihad của người Palestine bắn tên lửa gần bệnh viện nhưng thất bại rơi trúng bệnh viện.
Hiện chưa rõ chính xác đâu là nguyên nhân gây ra vụ nổ.
Ông Ashraf Al-Qudra, người phát ngôn Bộ Y tế Palestine, nói rằng không thể diễn tả được sự khủng khiếp của tình hình sau vụ nổ, theo đài CNN. Hầu hết nạn nhân là trẻ em và phụ nữ, và các đội cứu thương đang dọn dẹp thi thể. Túi đựng xác chất đống bên ngoài bệnh viện.
Xe cấp cứu liên tục đến và đi để chở người bị thương tới bệnh viện Al Shifa - một trong những cơ sở y tế lớn nhất ở Gaza nhưng cũng đã quá tải, cách đó 10 phút lái xe.
Số lượng nạn nhân và vết thương của họ "vượt quá khả năng của đội y tế và xe cứu thương", theo ông Al-Qudra.
"Các bác sĩ đang phẫu thuật ngay trên mặt đất và trên hành lang, nhiều nạn nhân không được gây mê và rất nhiều người bị thương vẫn đang chờ được phẫu thuật, đội y tế đang cố gắng cứu sống họ trong tình trạng chăm sóc đặc biệt” - ông Al-Qudra nói.
Lãnh đạo bệnh viện Nguo - ông Mohamed Abu Salmiya nói rằng bệnh viện này đã tiếp nhận 6.000 bệnh nhân bị thương. Ông nói: “Chúng tôi phải để mọi người đối mặt số phận của họ. Chúng tôi không thể xoay sở với tất cả mọi người”.
Hiện tại, các bệnh viện, phòng khám ở Gaza đã hoạt động hết công suất. Những nơi này không chỉ điều trị cho bệnh nhân mà còn là nơi trú ẩn cho hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
Ngày 17-10, người Palestine đã phải xếp hàng dài chờ lấy nước để đổ vào các chai và bình lớn tại một nhà máy khử muối ở trại tị nạn Nusairat, Dải Gaza, hãng tin AP cho hay.
Một người dân tên Ismael Al-Hafi cho biết mọi người đang phân chia lượng nước họ có thể tìm được.
“Đây là sự đau khổ… Gaza đang sụp đổ hoàn toàn. Không có năng lượng mặt trời để vận hành các nhà máy khử muối. Điều này có nghĩa là bạn phải vật lộn để đổ đầy hai gallon (7,5 lít) nước” - người dân này nói trong tuyệt vọng.
Cảnh báo đỏ và nỗ lực đưa viện trợ vào Gaza
Tối 17-10, một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết nhiên liệu ở Gaza “đang trên bờ vực cạn kiệt”. Trước đó 1 ngày, Liên Hợp Quốc cho biết dự trữ nhiên liệu tại các bệnh viện trên khắp Gaza dự kiến sẽ chỉ kéo dài thêm 24 giờ nữa và việc ngừng hoạt động các máy phát điện dự phòng sẽ khiến hàng nghìn bệnh nhân gặp nguy hiểm.
Cũng trong ngày 17-10, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc cảnh báo các cửa hàng ở Gaza chỉ có sẵn lượng thực phẩm thiết yếu đủ dùng cho 4 hoặc 5 ngày, theo The Wall Street Journal.
Chương trình này cũng cho biết họ có hàng tấn viện trợ đang đến Ai Cập và sẵn sàng chuyển đến Gaza. Một đoạn video do WFP cung cấp cho thấy các thùng hàng viện trợ được máy bay chở hàng từ các nhà kho ở Dubai chở đến căn cứ không quân Arisha ở Ai Cập, sau đó được đưa tới cửa khẩu Rafah.
WFP cho biết họ đã huy động 305 tấn thực phẩm, bao gồm bánh quy, thực phẩm đóng hộp và các bữa ăn làm sẵn đủ cho 244.000 người trong một tuần.
Giám đốc WFP ở Palestine - ông Samer Abdeljaber cho biết cơ quan này đang chờ cấp phép để vào Gaza và cảnh báo rằng nguồn dự trữ lương thực đang cạn kiệt. Ông cho biết số lượng tiệm bánh mà WFP hợp tác ở Gaza đang giảm đi hàng ngày vì họ không có đủ nước hoặc điện để nướng bánh mì.
Hiện tại, các quốc gia và các nhóm viện trợ kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ đưa nước, vật tư y tế và nhiên liệu vào Gaza. Con đường tiếp tế vào Gaza khả dĩ nhất là cửa khẩu Rafah, ở biên giới giữa Ai Cập và Gaza, hiện vẫn chưa được mở.
Một quan chức cấp cao Ai Cập đề nghị giấu tên cho biết nước này vẫn đang đàm phán với Israel về việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo và nhiên liệu cho Gaza từ các cửa khẩu Rafah và Kerem Shalom giữa Ai Cập và Gaza, theo hãng tin AP.
Quan chức này cho biết Israel đang khám xét tất cả chuyến hàng viện trợ và muốn “đảm bảo rằng những viện trợ đó sẽ không mang lại lợi ích cho Hamas”.