Bệnh viện Gaza trúng không kích: Ngoài hơn 500 người chết có thể còn 1.200 người bị chôn vùi, Israel nói nhóm Jihad ở Dải Gaza 'bắn nhầm'

(PLO)- Liên quan vụ bệnh viện Baptist Al-Ahli trên Dải Gaza trúng không kích, nhân chứng cho biết ngoài hơn 500 người chết thì có thể còn hơn 1.200 người bị chôn vùi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 17-10, bệnh viện Baptist Al-Ahli trên Dải Gaza hứng không kích khiến bệnh viện phát nổ. Vụ việc đã làm hơn 500 người chết và nhiều người vẫn kẹt trong đống đổ nát, kênh Al Jazeera đưa tin.

Tình hình cứu hộ tại bệnh viện Baptist Al-Ahli

Theo Bộ Y tế Palestine, bệnh viện Baptist Al-Ahli là nơi trú ẩn cho hàng nghìn dân thường sơ tán do các cuộc giao tranh.

Nhân chứng tại hiện trường và nhân viên y tế các bệnh viện lân cận nói với hãng tin AFP rằng số người chết thực tế nhiều hơn con số mà chính quyền báo cáo rất nhiều. Họ cho rằng có khoảng 1.200 người, trong đó có khoảng 500 trẻ vị thành niên vẫn còn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Họ đưa ra ước tính dựa trên số lượng các cuộc gọi cấp cứu mà các bệnh viện nhận được.

Israel.jpg
Một cậu bé bế bé gái bị thương sau vụ bệnh viện Baptist Al-Ahli trúng không kích tối 17-10 đến bệnh viện Shifa gần đó. Ảnh: GETTY IMAGES

Các đội cứu hộ đang tiếp tục giải cứu những người bị kẹt trong đống đổ nát. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp khó khăn do thiếu thiết bị, máy móc vì Israel và Ai Cập từ năm 2007 đã áp đặt lệnh hạn chế máy xúc, thang và máy móc hạng nặng vào Dải Gaza để ngăn nhóm Hamas đào đường hầm và tự vũ trang.

Thêm vào đó, các tuyến đường cứu hộ nạn nhân cũng bị cản trở do giao tranh vẫn tiếp diễn. Người dân nói rằng đội cứu hộ thường phải mất nhiều giờ mới đến được địa điểm xảy ra vụ việc và tìm kiếm nạn nhân. Đến thời điểm đó, cơ hội tìm thấy thêm những người sống sót là rất mong manh.

Sau khi bệnh viện Baptist Al-Ahli trúng không kích, những người bị thương đã được sơ tán đến các bệnh viện lân cận. Tuy nhiên số lượng người bệnh quá đông cùng với sự thiếu hụt thiết bị, nhân viên y tế đã gây nên áp lực rất lớn cho các bệnh viện trên Dải Gaza.

Ông Mohammed Abu Selmia - Tổng giám đốc bệnh viện Shifa (trung tâm y tế lớn nhất Gaza) nói với AFP rằng xe cứu thương và ô tô tư nhân đã đưa khoảng 350 người thương vong từ bệnh viện Baptist Al-Ahli đến bệnh viện của ông.

“Rất nhiều lần các bác sĩ kể rằng đã nghe thấy nạn nhân la hét, nhưng không thể làm gì được. Chúng tôi cần thiết bị, chúng tôi cần thuốc, chúng tôi cần giường, chúng tôi cần thuốc gây mê, chúng tôi cần mọi thứ” - ông Selmia nói, cảnh báo rằng nhiên liệu cho máy phát điện của bệnh viện cũng sắp cạn kiệt.

Phản ứng các bên sau vụ không kích

Israel-benh-vien.jpg
Hỏa hoạn ở gần bệnh viện Baptist Al-Ahli tối 17-10 sau vụ không kích. Ảnh: CNN

Ngay sau vụ việc, các quan chức Palestine và nhóm Hamas đã đổ lỗi cho Lực lượng phòng vệ Israel thực hiện vụ không kích.

Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Riyad Mansour cho rằng Israel không kích bệnh viện, gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là “kẻ nói dối” vì đã phủ nhận cáo buộc.

Văn phòng của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lên án cuộc không kích là hành động “diệt chủng” và là “thảm họa nhân đạo”, cho biết ông Abbas đã hủy cuộc gặp được lên kế hoạch với Tổng thống Mỹ Joe Biden vì ông Abbas phải trở lại Bờ Tây và ở bên người dân Palestine.

Lãnh đạo nhóm Hamas Ismail Haniyeh nói rằng vụ việc thể hiện sự “tàn bạo” và mức độ “thất bại” của Israel sau các cuộc tấn công trước đó của Hamas. Hamas cũng cho rằng rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bệnh viện al-Ahli vì đã “che đậy hành động gây hấn của Israel”.

Ngày 18-10, Lực lượng phòng vệ Israel đã công bố bằng chứng để chứng minh rằng họ không liên quan vụ bệnh viện trúng không kích, cáo buộc nhóm Hồi giáo Jihad (một nhóm vũ trang Hồi giáo ở Dải Gaza, không phải Hamas) gây ra vụ việc.

Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel - Trung tá Jonathan Conricus cho biết Israel đã công bố đoạn phim do máy bay không người lái của nước này ghi lại tại hiện trường vụ việc cho truyền thông, và sẽ sớm công bố các thông tin tình báo của Israel về cuộc trò chuyện giữa các chiến binh nhóm Hồi giáo Jihad liên quan “vụ bắn nhầm”.

Theo người phát ngôn, Israel đã tiến hành một cuộc điều tra về vụ nổ cho thấy nhóm Jihad đã bắn một loạt rocket về phía miền bắc hoặc miền trung Israel, và ít nhất một trong số các rocket này đã bắn nhầm, rơi xuống bệnh viện và phát nổ.

Ông Conricus nói thêm rằng Lực lượng Phòng vệ Israel đã kiểm tra hệ thống của chính mình để xác nhận rằng họ không bắn vào bệnh viện cũng như không có vụ bắn nhầm nào do Israel gây ra. Ông cũng bác bỏ những tuyên bố rằng vụ nổ có thể là kết quả của việc hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel đánh chặn khiến các tên lửa phát nổ.

Tuy nhiên, lời giải thích của Israel không xoa dịu được sự phẫn nộ từ các nước Hồi giáo.

Ngay sau vụ nổ, Jordan đã hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức ngày 18-10 giữa Tổng thống Joe Biden với các nhà lãnh đạo Jordan, Ai Cập và Palestine.

Vua Abdullah II của Jordan gọi vụ nổ là “tội ác chiến tranh ghê tởm không thể bỏ qua” và tuyên bố Jordan sẽ quốc tang 3 ngày để tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ tấn công.

Chính phủ Saudi Arabia tối 17-10 ra tuyên bố yêu cầu Israel phải chịu trách nhiệm với các nạn nhân vì đã “vi phạm trắng trợn tất cả luật pháp và chuẩn mực quốc tế”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng vụ tấn công vào bệnh viện ở Gaza là “ví dụ mới nhất về các cuộc tấn công của Israel thiếu đi những giá trị cơ bản nhất của con người”.

“Tôi kêu gọi toàn thể nhân loại hành động để ngăn chặn sự tàn bạo chưa từng có này ở Gaza” - ông Erdogan viết trên X.

Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sau vụ việc.

Lãnh tụ tối cao Iran - ông Ayatollah Ali Khamenei cho rằng Mỹ và các quốc gia ủng hộ Israel cũng phải chịu trách nhiệm về hậu quả của vụ không kích.

Trong khi đó, nhiều đồng minh của Israel bày tỏ sự kinh hoàng trước số người thiệt mạng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông “phẫn nộ và vô cùng đau buồn” trước vụ việc, cho biết ông đã chỉ đạo các quan chức của mình tiếp tục thu thập thông tin về chính xác những gì đã xảy ra.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly gọi vụ việc là “sự mất mát to lớn về nhân mạng” và lưu ý rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo vệ sinh mạng dân thường.

“Anh sẽ hợp tác với các đồng minh của chúng tôi để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra và bảo vệ thường dân vô tội ở Gaza” - vị ngoại trưởng nói thêm.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói với phóng viên: “Tin tức từ Gaza thật khủng khiếp và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng trong trường hợp này và trong mọi trường hợp”.

Báo động các vụ tấn công vào cơ sở, nhân viên y tế

Vụ việc bệnh viện Baptist Al-Ahli trúng không kích đã dấy lên cuộc tranh luận về vấn đề các cơ sở y tế và nhân viên y tế trở thành mục tiêu trong các cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas.

Trước đó, Bộ Nội vụ Palestine nói rằng rạng sáng 16-10 các máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công trụ sở của Lực lượng Phòng vệ Dân sự Palestine ở Gaza và sát hại 7 nhân viên y tế khi những người này đang cấp cứu cho người dân.

Lực lượng phòng vệ Israel chưa bình luận về cuộc không kích ngày 16-10 nhưng trước đây lực lượng này đã cáo buộc nhóm Hamas sử dụng bệnh viện và dịch vụ cứu hộ làm vỏ bọc.

Lực lượng phòng vệ Israel nói rằng chỉ nhắm mục tiêu vào các địa điểm và cơ sở hạ tầng được Hamas và các nhóm chiến binh khác sử dụng chứ tấn công bất kỳ cơ sở nhạy cảm nào như bệnh viện.

Văn phòng truyền thông chính phủ Palestine tại Gaza cho biết kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, 16 nhân viên y tế đã thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm