35 năm bước chân xung kích - Bài 2: Buổi sáng bi hùng

Một năm trôi qua kể từ buổi xuất quân sáng 28-3-1976. Lực lượng TNXP bắt đầu làm nên những kỳ tích lớn: Biến những vùng đất hoang phèn, cằn cỗi đầy vết đạn bom thành những vành đai xanh cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân TP.

Giữa lúc đó thì tiếng súng quân thù lại nổ ran ở biên giới Tây Nam. Tháng 4-1977, quân Khơme đỏ tấn công và tiến sâu vào lãnh thổ nước ta, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang, tấn công vào các huyện Tân Biên, Bến Cầu và Châu Thành (Tây Ninh), giết hại đồng bào.

Hàng ngàn TNXP đã trích máu viết “huyết tâm thư” tình nguyện ra chiến trường.

Trận tử chiến không cân sức

Ngày 14-6-1978, Liên đội 5 TNXP gồm 500 đội viên, trong đó có 65 nữ, lên đường ra mặt trận. Địa điểm đóng quân của họ là Rừng Nhum thuộc xã Long Phước, huyện Bến Cầu (Tây Ninh). Hơn một tháng sau, một đơn vị trong số này đã anh dũng hy sinh khi đối mặt với một tiểu đoàn Pol Pot.

35 năm bước chân xung kích - Bài 2: Buổi sáng bi hùng ảnh 1

Lễ đón TNXP TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam trở về. Ảnh: TƯ LIỆU

Sáng sớm 22-7-1978, Trung đội 3 (thuộc Đại đội 3, Liên đội 5) gồm 26 TNXP, trong đó có tám nữ, vừa đặt chân đến chốt mới ở gần xã Long Phước, huyện Bến Cầu được một ngày. Nhiệm vụ chính của họ là chống lầy thông đường cho xe bộ đội đi qua nên chỉ được trang bị vài khẩu súng tự vệ. Yên tâm với một đơn vị bộ đội đóng quân ở vòng ngoài, họ đặt lưng xuống sau một ngày mệt lả. Khi cả trung đội còn đang ngủ thì quân giặc bất ngờ tấn công. Đơn vị bộ đội chốt chốt ngoài đã nhận lệnh rút đi đột xuất trong đêm nên không kịp thông báo cho họ biết.

“Lúc đó khoảng 4 giờ, mọi người đang ngủ thì nghe tiếng súng nổ. Ai đó kêu Đại đội trưởng Ngô Đức Minh dậy. Anh Minh mở mắt xem đồng hồ bảo còn sớm mà, mọi người ngủ đi. Chừng 1 phút sau, địch không biết từ đâu tràn vào nhô nhúc. Chúng bắn vào sam (lán trại dã chiến) rất rát. Mấy anh nam kêu chị em chạy xuống hầm. Do đạn ít nên ta chỉ bắn trả đũa cầm chừng để chúng không đoán biết mình có bao nhiêu quân, bao nhiêu đạn. Nhiều người trúng đạn, số khác vừa tới hầm đã lảo đảo ập xuống. Tiếng súng của ta thưa dần rồi tắt…”.

“Có sáu cô gái đã ngất xỉu trước cảnh tượng kinh hoàng ấy. Bọn quỷ đói trò xác thịt cười rống lên, mắt đỏ ngầu, xông vào những cô gái yếu đuối như thú dữ vồ mồi. … Rồi tất cả lại im lặng, một sự im lặng rợn người… Mặt trời vừa lên thì bọn quỷ cũng vừa rút đi. Trên bãi cỏ xanh đã bị xéo nát, đẫm máu, chỉ còn lại những mảnh vải xanh vương vãi… Tám giờ sáng, một đơn vị bộ đội vận động lên ngang đã phát hiện vụ thảm sát. Nghe tiếng rên rỉ, họ tìm ra hai người còn sống sót…”.

Những dòng trên được trích từ truyện Ngọc trong đá của nhà văn Nguyễn Đông Thức - một cựu TNXP. Nhà văn cho biết đoạn này anh mô tả dựa trên sự thật từ trận tử chiến của 26 TNXP Trung đội 3.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, một trong hai người may mắn sống sót, nói ngoại trừ tên nhân vật, những gì nhà văn tả trong truyện đều đúng sự thật.

35 năm bước chân xung kích - Bài 2: Buổi sáng bi hùng ảnh 2

TNXP TP.HCM chống lầy, đảm bảo thông suốt đường ra tiền tuyến. Ảnh: TƯ LIỆU

“Ngã ba Đồng Lộc” ở Bến Cầu

Trung đội của anh Tuấn cả thảy 31 người. Khi trận đánh diễn ra, năm người đang đi tập văn nghệ. “Nếu không thì số người hy sinh hôm ấy đã không dừng ở con số hai tư…” - anh Tuấn rùng mình.

35 năm bước chân xung kích - Bài 2: Buổi sáng bi hùng ảnh 3

TNXP TP.HCM làm nhiệm vụ tải đạn phục vụ chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Ảnh: TƯ LIỆU

Anh Tuấn kể ngay từ những loạt đạn đầu, chân trái anh đã bị trúng đạn. Anh nằm dưới sàn ván dùng để ngủ. Phía trên sàn là anh Ngô Đức Minh, đại đội trưởng của anh, bị trúng đạn tự lúc nào. “Lúc đó tôi sợ điếng hồn. Xung quanh sam trống hoác, chỗ nào cũng có kẻ thù. Chạy cũng chết mà ở lại cũng chết. Trong cái chết cận kề, tự nhiên tôi đưa tay kéo xác anh Minh từ trên sàn xuống, đè úp lên người tôi. Cứ thế tôi nằm im. Sau này nghĩ lại tôi không chắc lúc đó mình đã chết hay đang sống. Chỉ nghe tiếng chân thình thịch của bọn địch ập vào. Chúng lôi những người còn sống sót ra ngoài thảm sát. Trừ tôi. Có lẽ chúng nhìn máu me quanh tôi tùm lum, lại có xác anh Minh đè lên nên tin chắc tôi đã chết. Khi chúng đi rồi tôi vẫn chưa tin mình sống. Lúc bộ đội đến cứu tôi còn không dám ngóc đầu vì sợ giặc giả dạng. Chừng nghe giọng miền Bắc, tôi mới thở phào…”.

Giọng của anh Tuấn lạc đi. Anh nói những gì chị Lý trải qua còn khủng khiếp hơn nhiều. “Sau khi bị chúng giở trò hành hạ, chị ngất lên ngất xuống. Khi chúng lôi chị cùng đồng đội ra ruộng để lia đạn thảm sát, chị chủ động té úp mặt xuống sình. Bọn chúng tưởng chết rồi nên không thèm nhả đạn vào chị. Trước đó, chúng còn dã man lấy trái lựu đạn rút chốt găm vào người chị. Khi được bộ đội đến cứu, các bác sĩ phải cẩn thận hết sức mới lấy được ra ngoài an toàn. Sau này, mỗi lần đi cùng đồng đội đến nơi bị thảm sát, nhớ lại chuyện đau lòng, chị xỉu lên xỉu xuống”.

So với đồng đội, có lẽ Tuấn là chiến sĩ TNXP trẻ nhất. Một năm trước đó, khi lén gia đình nhờ người viết đơn tình nguyện đi TNXP, anh chỉ là cậu bé 15 tuổi. Tổ chức “chê” không nhận, anh phải năn nỉ một anh TNXP quen mặt nhiều lần người ta mới nhận. “Những anh chị trong trung đội cũng đâu hơn tôi bao nhiêu. Lúc hy sinh, người nhiều tuổi nhất cũng chỉ vừa 24, còn lại đều 19, đôi mươi” - anh Tuấn nói nghẹn ngào.

Hài cốt của 24 liệt sĩ TNXP này đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ TP. Hiện Thành đoàn, lực lượng TNXP TP đang xây dựng khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP, trong đó có 24 liệt sĩ đã nói, trên diện tích hơn 5 ha tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu (Tây Ninh).

Trận tử chiến của Trung đội 3 làm rúng động hàng ngũ TNXP khi ấy. Không ít người tìm cách rời khỏi đội hình hòng bảo toàn tính mạng.

Mấy hôm sau, tại Nông trường Lê Minh Xuân, trước những con người ít nhiều còn dao động, nữ chỉ huy Võ Thị Bạch Tuyết, thủ lĩnh phong trào đốt xe Mỹ một thời, phân tích: “Trước đây, nhiệm vụ xung kích của chúng ta là khai hoang, phục hóa, cải tạo và cảm hóa những con người lầm lỡ. Còn bây giờ, khi đất nước có chiến tranh, nhiệm vụ hàng đầu của TNXP là phải xung kích lên tuyến đầu Tổ quốc”. Sau những lời truyền lửa này, hôm sau, 114 đội viên TNXP ở đây tạm bỏ nông trường hành quân lên phía trước.

Ngọn lửa xung kích của tuổi trẻ lại được thổi bùng lên. Hàng ngàn, hàng vạn TNXP lại gửi “huyết tâm thư” tình nguyện lên đường ra mặt trận.

Giá như

Nơi ở của anh Nguyễn Văn Tuấn (ảnh), người may mắn sống sót trong trận tử chiến gần 33 năm trước, là một căn phòng rộng không quá 7 m2 trong căn nhà của gia đình vợ anh tại địa chỉ 101/17 Nguyễn Thượng Hiền, phường 5, quận Bình Thạnh. Tất cả vật dụng thiết yếu nhất của vợ chồng anh cùng đứa con gái đang học lớp 12 đều gói gọn trong diện tích ấy.

35 năm bước chân xung kích - Bài 2: Buổi sáng bi hùng ảnh 4

Sau khi sống sót, anh được đưa về dưỡng thương ở TP và ra viện với bậc thương binh 4/4. Với đồng lương thương binh trên dưới 500.000 đồng, để có thêm tiền nuôi con, hằng ngày anh phải dậy từ 3 giờ sáng đến tận quận Bình Tân nhận bánh tiêu, bánh bò đi bán. Hôm nào đắt lắm cũng chỉ lời năm, sáu chục ngàn đồng. Vợ anh thì phụ bán cơm qua quýt gần nhà, thu nhập cũng chẳng thêm được mấy.

Lẽ ra anh cũng đã được lực lượng TNXP TP tặng cho căn nhà tình nghĩa như chị Nguyễn Thị Lý. Ngặt một điều muốn được xây nhà tình nghĩa thì anh phải có sẵn nền nhà. Không có đất thì lấy đâu ra chỗ để xây nhà!

Vẫn biết thương binh khó khăn như anh trong xã hội còn nhiều. Vậy nhưng cứ thấy xót xa. Lòng ước giá như có nhà hảo tâm nào đó ban tặng cho anh một phép màu thì cuộc đời đẹp thêm biết mấy…

NGÔ THÁI BÌNH

Kỳ tới: Đánh thức những vùng quê mới

Bước chân của TNXP đến đâu, những vùng đất cằn khô, hoang vắng nơi ấy bỗng chốc chuyển mình thành nơi trù phú. Họ cũng là người tiên phong mở đất, xây dựng những vùng quê mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm