35 năm bước chân xung kích: Tiếng gọi một thế hệ

LTS: Sau ngày giải phóng miền Nam,   họ đã có mặt ở những nơi gian khổ nhất, khắc phục hậu quả chiến tranh, đắp đập, khai hoang, xây dựng các vùng kinh tế mới. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, họ lại tình nguyện ra chiến trường. 35 năm qua, bước chân xung kích của thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM vẫn còn in dấu.

Sài Gòn những ngày sau 30-4-1975, trong cái ngổn ngang, bộn bề của TP vừa được tiếp quản, đường phố vẫn tấp nập trong trật tự nhờ có những sinh viên, học sinh tình nguyện điều hòa giao thông. Nhiều đội thanh niên cùng lực lượng quân quản đến chốt giữ các công thự, tham gia truy quét tàn quân, xóa cờ chế độ cũ, thu gom sách báo đồi trụy và làm vệ sinh công cộng.

Họ chính là những thanh niên tự vệ của Thành đoàn. Những bước chân xung kích đầu tiên của họ là tiền đề để hình thành nên lực lượng TNXP TP sau này.

“Giờ này là giờ nào của tổ quốc?”

Bên cạnh niềm vui lớn Bắc-Nam một nhà sum họp, miền Nam đứng trước nhiều khó khăn. Hậu quả của chiến tranh quá tàn khốc và nặng nề. Ngót 2/3 diện tích đồng bằng Nam Bộ bỏ hoang, đất đai bạc màu, hoang hóa. Sản xuất đình trệ, cái đói cận kề.

Chưa kể một bộ phận không nhỏ thanh niên Sài Gòn rơi vào trạng thái hoang mang chưa nhìn thấy được tiền đồ trước mắt. Một bộ phận khác là tàn dư của tệ nạn, rượu chè…

“Giờ này là giờ nào của tổ quốc chúng ta đây?”. Câu hỏi này được Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đặt ra tại Đại hội thanh niên tiên tiến TP.HCM lần thứ nhất ngày 12-6-1976. Đó cũng là câu hỏi đặt ra cho cả thế hệ thanh niên được may mắn chứng kiến thời khắc thống nhất của nước nhà nhưng đồng thời lại gánh trên vai thử thách nặng nề trước hoàn cảnh khó khăn của đất nước sau chiến tranh.

Nhưng trước đó, câu hỏi này đã được thanh niên TP đáp lời bằng sáng kiến của Thành đoàn, được Thành ủy chuẩn y thực hiện: Thành lập lực lượng TNXP để lên đường khắc phục hậu quả chiến tranh, chinh phục đồng bưng, phục hồi sản xuất…

35 năm bước chân xung kích: Tiếng gọi một thế hệ ảnh 1

Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt với TNXP TP.HCM tại Kiên Giang năm 1979. Ảnh: TƯ LIỆU

Từ tháng 7 đến tháng 10-1975, Thành đoàn đã tập hợp được 800 thanh niên sẵn sàng nhiệm vụ xung kích. Tổ chức TNXP đầu tiên ra đời đã tỏa về khắp các vùng quê, từ ngoại thành đến Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé… Họ đắp đê, nạo vét kênh mương làm thủy lợi và khai hoang, trồng trọt. Họ biến những vùng đất cằn cỗi do bom đạn xéo cày thành nơi xanh tươi, màu mỡ. Bước chân họ đến đâu, đất đai hồi sinh đến đó. Những vùng kinh tế mới cũng theo đó mọc lên, sau này trở thành những vùng quê trù phú.

Nhưng quan trọng hơn, từ trong lao động một bộ phận lớn thanh niên đã từng bước trưởng thành, là lực lượng nòng cốt thu hút hàng vạn thanh niên khác…

Sống cho quê hương!

Ngày 28-3-1976, hơn 10.000 thanh niên trong đội ngũ chỉnh tề đã tập hợp tại sân vận động Thống Nhất. Đó là buổi xuất quân khí thế hào hùng nhất của TNXP, sau này thành ngày kỷ niệm của lực lượng TNXP TP.

Anh Trang Thành Tâm, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1, Liên đội 303, kể: “Ngay từ tối 26-3, chúng tôi đã tập hợp ở cư xá Ngân hàng huyện Nhà Bè. Quận đoàn tổ chức anh em thành đại đội, sinh hoạt ở đó một đêm, hôm sau di chuyển về chùa Việt Nam Quốc Tự quận 10 để sáng 28 hành quân qua sân Thống Nhất. 4 giờ sáng chúng tôi đến nơi nhưng đã chật kín người. Hóa ra nhiều đơn vị khác đã nhanh chân đến trước”.

Hôm ấy, trước hơn 10.000 TNXP, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã trao lá cờ Đoàn có ghi dòng chữ “Quyết tâm xây dựng Tổ quốc giàu mạnh” cho đồng chí Phạm Chánh Trực, Bí thư Thành đoàn.

Nhiều cựu TNXP kể lời phát biểu của ông Kiệt ngày ấy như lời hiệu triệu hàng vạn trái tim thanh niên: “Chúng ta đã rửa được nỗi nhục mất nước, nay ta phải rửa được nhục đói nghèo”.

35 năm bước chân xung kích: Tiếng gọi một thế hệ ảnh 2

Ngày 28-3-1976, hơn 10.000 thanh niên TP.HCM tập trung dưới ngọn cờ Đoàn mà Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt trao cho tuổi trẻ thành phố. Ngày đó đã trở thành ngày truyền thống của lực lượng TNXP. Ảnh: TƯ LIỆU

Ông hỏi thanh niên, như tâm tình: “Trong những năm chiến đấu, tuổi trẻ TP chúng ta có một bài hát dễ thương. Đó là bài Tự nguyện. Có bạn trẻ nào không xúc động với câu hát: “Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương”? Quê hương hôm nay không đòi hỏi mỗi người trẻ tuổi phải chết cho quê hương sống nữa. Đất nước vĩnh viễn độc lập, tự do rồi. Quê hương đòi hỏi anh phải sống và sống cho ra sống. Câu hát đó ta nên sửa lại là: “Nếu là người, tôi phải sống cho quê hương”. Sống là chia bùi sẻ ngọt với nhân dân. Sống không phải là ăn bám, mà là lao động…”.

Lẽ nào khoanh tay đứng ngó?

Lời Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt sáng hôm ấy khiến người nghe ai cũng thấy mình trong đó. Ai cũng tự hỏi lòng:

“ … Ai là người thật tâm yêu quê hương mà không xót ruột vì ngót 2/3 diện tích đồng bằng Nam Bộ ruộng không người cày, bị bỏ hoang hóa vì thuốc khai hoang, vì bom na-pan, vì Bình định xúc dân, vì thiếu đầu tư vào công trình trị thủy…

Khoanh tay đứng nhìn mà thở ngắn than dài hay bó tay chờ đợi?”.

Thành đoàn đã có sáng kiến đề ra “Phong trào TNXP khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng tổ quốc giàu mạnh”... Thành ủy đánh giá rất cao tinh thần cách mạng của tuổi trẻ TP, hết sức đồng tình và nhiệt liệt ủng hộ…

Điều làm tất cả những ai đã từng bám trụ vùng ven Sài Gòn mà chiến đấu trong những năm qua đều lấy làm bồi hồi xúc động, chính vì công trường của các em nằm trên những vùng oanh kích tự do của giặc Mỹ hôm qua. Tuổi trẻ mới đem mồ hôi lao động của mình làm tươi xanh lại những mảnh đất căn cứ thiêng liêng mà giặc thù đã đổ bom, đổ đạn, đổ thuốc khai hoang hủy diệt hoàn toàn…

Bí thư dặn dò: “Hãy quyết tâm xây dựng mỗi công trường thành một trường học thực sự của tinh thần tập thể, đầy nhân ái…”.

Sau lễ xuất quân, mọi người lên xe. Trước khi về nơi đóng quân, đoàn xe hàng trăm chiếc diễu hành quanh TP. Theo anh Trang Thành Tâm, đến công trường Quách Thị Trang, mấy chị bán hàng rong còn quẳng trái cây lên xe và vẫy tay tạm biệt. “Đại đội tôi thuộc “biên chế” Liên đội 5, đóng ở địa bàn xã Tân Thông Hội (Củ Chi). Xe chúng tôi vừa đến nơi đã thấy chú Sáu Dân có mặt ở đó. Công trình đầu tiên của chúng tôi là đào kênh số 7. Chính chú Sáu Dân là người bổ những nhát cuốc đầu tiên. Hành trình chinh phục gian khó của TNXP bắt đầu”.

“… TNXP là bộ phận xung kích của tuổi trẻ TP, với truyền thống lên rừng xuống biển, đi bất cứ nơi đâu khi tổ quốc cần. Lực lượng TNXP TP đã thể hiện sự năng động, sáng tạo trong nội dung và hình thức hoạt động để luôn thích ứng với những yêu cầu chính trị, kinh tế - xã hội của TP…”

35 năm bước chân xung kích: Tiếng gọi một thế hệ ảnh 3

Ông Lê Thanh Hải lúc còn mặc áo TNXP. Ảnh: TƯ LIỆU

Ông LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP TP.HCM

NGÔ THÁI BÌNH

Kỳ tới: Buổi sáng bi hùng

Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, hàng vạn TNXP viết “huyết tâm thư” tình nguyện ra mặt trận. Câu chuyện về một trung đội TNXP đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng rồi hy sinh nơi trận tuyến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm